18/12/2020 20:24 GMT+7

Xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng trong COVID-19

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Theo cố vấn Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC), khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng, nhất là trong y tế.

Xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng trong COVID-19 - Ảnh 1.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh phát biểu tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19", tại Nha Trang ngày 18-12 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Ngày 18-12 tại Nha Trang đã diễn ra hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19" do Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) phối hợp và tài trợ Trường Cán bộ thanh tra tổ chức.

Các lãnh đạo, cán bộ thanh tra chủ chốt của trung ương và các tỉnh, TP trong nước tham dự hội thảo cũng đã được tập huấn trong hai ngày trước đó về kỹ năng phát hiện, ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng (PCTN), gian lận trong mua sắm công.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chủ trì, phát biểu tại hội thảo đã đề nghị các chuyên gia UNODC chia sẻ kinh nghiệm về PCTN của các quốc gia trên thế giới, nhất là trong lĩnh vực y tế, trong chuỗi cung ứng dược phẩm, phân phối vắc xin và vấn đề thuốc giả.

Xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng trong COVID-19 - Ảnh 2.

Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19", tại Nha Trang ngày 18-12-2020 - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Theo tham luận của ông Francesco Checchi - cố vấn PCTN khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của UNODC, khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã xuất hiện nhiều nguy cơ tham nhũng bởi các quốc gia trên thế giới tăng chi tiêu công cho các ngành y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội đặc biệt. 

Tại Việt Nam đã có các chương trình hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng COVID-19. Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ lại nới lỏng "để đẩy nhanh tốc độ ứng phó và đạt được hiệu quả tức thời nhưng làm giảm mức độ tuân thủ, giám sát và trách nhiệm giải trình".

Qua kết quả khảo sát công tác giám sát các gói hỗ trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 tại 10 nước khu vực Đông Nam Á, ông Francesco Checchi nhận định trong lĩnh vực y tế cũng có rất nhiều nguy cơ tham ô, tham nhũng liên quan đến việc sản xuất, thử nghiệm, phân phối dược phẩm, vắc xin.

Thậm chí, có hành vi làm thuốc giả, cấp phép đưa ra thị trường hoặc tuồn dược phẩm, thiết bị, vật tư y tế ra thị trường chợ đen để bán giá cao, gây khan hiếm cho thị trường chính thức.

Tại Việt Nam, theo TS.BS Đặng Văn Chính - nguyên chánh Thanh tra Bộ Y tế, cũng có nhiều "nguy cơ nổi lên liên quan đến tham nhũng trong lĩnh vực y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19". 

Đó là việc lợi dụng khi ngành y tế có nhu cầu cao, phải mua sắm các thiết bị, vật tư, vật dụng y tế để xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh, cấp cứu điều trị bệnh nhân, khi mua thuốc, vắc xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 để tham nhũng. Trong đó, có nguy cơ lợi dụng việc thiếu hiểu biết sâu về sức khỏe, về thiết bị y tế, về thuốc, vắc xin của người dân để vụ lợi.

Thiếu tướng Phạm Lê Xuất - nguyên phó chánh Thanh tra Bộ Công an - nói về việc trục lợi trong COVID-19 - Video: PHAN SÔNG NGÂN

Các đại biểu, cố vấn của UNODC đã đề xuất nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhất là trong lĩnh vực y tế. Trong đó, có biện pháp "công khai minh bạch tất cả việc đấu thầu mua sắm vật tư, hàng hóa, thuốc, hóa chất, dược phẩm; quá trình nghiên cứu, sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, mua bán vắc xin phòng COVID-19".

Cố vấn Francesco Checchi đề xuất "mở các kênh tiếp cận và truyền thông dễ hiểu để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người được hưởng lợi" và "sử dụng công nghệ phục vụ công tác giải ngân các nguồn lực một cách hiệu quả, minh bạch và đảm bảo trách nhiệm giải trình".

Bởi việc công khai, minh bạch, giải trình qua các dữ liệu mở sẽ thu hút được nhiều nguồn giám sát trong xã hội và cả các tổ chức dân sự, các cơ quan quốc tế… để hỗ trợ cho việc phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Năm 2020 thi hành án hơn 62.230 tỉ đồng án tham nhũng, kinh tế Năm 2020 thi hành án hơn 62.230 tỉ đồng án tham nhũng, kinh tế

TTO - Cục thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM cho biết, trong năm qua, riêng việc thi hành án dân sự liên quan đến án tham nhũng, ngân hàng đã có số tiền hơn 62.230 tỉ đồng.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên