04/02/2019 09:23 GMT+7

Xuân thương nhớ ở Klang

MINH KHÔI - VŨ THỦY
MINH KHÔI - VŨ THỦY

TTO - Với cộng đồng người lao động Việt tại Klang (Malaysia), Tết đến xuân về cũng đồng nghĩa với việc thêm một cái Tết xa quê đầy thương nhớ.

Xuân thương nhớ ở Klang - Ảnh 1.

Mọi người cùng nấu bánh chưng ăn Tết 2018

Nhớ nhà lắm, đâu có ai muốn ăn Tết xa quê, nhưng vì hoàn cảnh nên anh em cố gắng và động viên nhau

Anh Lê Tiến Sỹ

Trong các nước nhận lao động xuất khẩu từ Việt Nam, Malaysia được xem là một trong những thị trường tập trung nhiều lao động Việt Nam nhất, đặc biệt là tại Klang, thành phố thủ phủ của bang Selangor.

Mưu sinh vất vả

Thành phố cảng Klang không chỉ tập trung rất nhiều người Việt Nam đến sinh sống và làm việc, mà còn quy tụ một lượng lớn dân lao động nhập cư từ nhiều nước như Bangladesh, Nepal, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar vì nơi đây tập trung nhiều công trình xây dựng.

Theo anh Lê Tiến Sỹ - lao động Việt lâu năm từng trải qua biết bao đắng cay ngọt bùi tại Malaysia, phần lớn người Việt qua đây theo đường xuất khẩu lao động do cuộc sống và công việc ở quê quá vất vả mà lại không có dư. Tuy biết qua Malaysia cũng không cải thiện được bao nhiêu nhưng nếu có thu nhập ổn định, cộng với thời gian tích góp thì cuộc sống sẽ dần khá hơn.

Bản thân anh Sỹ từng đi xuất khẩu lao động, rồi lập nghiệp tại Malaysia sau nhiều năm "nếm mật nằm gai". Thời gian đầu, anh Sỹ phải làm việc từ 6h sáng đến 10h tối mà chỉ được ăn cơm trắng với tương ớt, cuối tháng nhận 800 ringgit (hơn 4 triệu đồng). Bằng ý chí và nghị lực, anh Sỹ cùng em trai là anh Nghị, hiện là nhà thầu xây dựng tại Tập đoàn Pembinaan Prima Indah ở Kapar, thành phố Klang, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người Việt.

"Như anh em Sỹ có phần may mắn vì làm xây dựng có thu nhập ổn định hơn các ngành nghề khác. Bà con mình làm nhà máy một thời gian trụ không nổi vì lương thấp thì ra ngoài làm thuê" - anh Sỹ cho biết.

Theo anh Sỹ, bà con mình qua đây rất ít người biết tiếng Anh, phần lớn làm công nhân trong các nhà máy, công việc quần quật mà trả lương không cao. Bình quân một công nhân nhà máy được trả 1.200-1.800 ringgit/tháng (6-8 triệu đồng/tháng), mức lương đó sau khi trừ chi phí sinh hoạt cũng chẳng còn bao nhiêu. Khó khăn là vậy, nhưng phần lớn người lao động vẫn cố gắng "bám trụ" đến hết ba năm hợp đồng, nhịn ăn nhịn mặc, tích cóp tiền gửi về quê. Có người ráng ở lại đến năm thứ tư, thứ năm để kiếm thêm chút kinh phí trang trải, về quê cho bõ một công đi.

"Anh em nào may mắn làm trong ngành xây dựng thì công việc và thu nhập có phần ổn định hơn. Cũng có rất nhiều trường hợp bà con mình đi làm mà chủ không trả lương, khó khăn chồng khó khăn, nhưng luôn có bà con, anh em tại đây giúp đỡ, giới thiệu công ăn việc làm nên bao nhiêu khó khăn cũng vượt qua hết" - anh Sỹ trải lòng.

Xuân thương nhớ ở Klang - Ảnh 3.

Nồi bánh chưng của người lao động Việt tại Klang, Malaysia

Tình nơi đất khách

Thu nhập tuy thấp nhưng mọi người vẫn chắt chiu để gửi tiền về nhà, một năm gửi được chừng 50 triệu đồng nếu công việc ổn định. Mọi người ở đây chỉ biết cật lực làm việc để gửi tiền về quê. Đặc biệt là mỗi mùa Tết đến, nhớ nhà mà không về được, chỉ có thể gửi chút tiền, chút quà.

Khi chúng tôi hỏi về Tết, anh Sỹ trả lời "lá lành đùm lá rách". Anh nói Malaysia cũng ăn Tết Nguyên đán như Việt Nam nên người lao động Việt được nghỉ 4-10 ngày tùy công ty, công trình. Nhờ đó mọi người có thời gian chuẩn bị một cái Tết tương đối chu đáo và ăn Tết y như phong tục truyền thống ở Việt Nam.

"Anh em vẫn cố gắng gói bánh chưng, đem luộc xong ngồi canh y như ở Việt Nam. Mọi người còn mua bia, nước ngọt, nấu các món ăn truyền thống rồi quây quần với nhau rất đầm ấm" - anh Sỹ chia sẻ. Anh Sỹ kể không khí những ngày cận Tết rôm rả lắm, như anh có gia đình rồi thì còn bớt cô đơn, anh em các nơi đều là dân lao động chân tay, Tết đến rất nhớ nhà, sợ cô đơn nên mọi người thường tụ tập ăn uống chơi Tết chung với nhau.

Ở Klang có hội đồng hương Việt Nam, anh Bùi Việt Tuấn là trưởng ban liên lạc của cộng đồng người Việt tại Klang. Anh Tuấn thường đứng ra kêu gọi tập thể, nhóm, công ty và toàn thể anh em sinh sống, làm việc ở Klang tụ họp vào những ngày lễ lớn như Tết cổ truyền, Ngày quốc khánh, Tết thiếu nhi...

"Bà con mới qua còn xa lạ hay cô đơn ở Klang đều được kêu gọi tập hợp, tổ chức gặp mặt, mời tham gia các hoạt động giao lưu ca nhạc, vui chơi giải trí, rồi ăn bữa cơm thân mật để góp phần đoàn kết, kêu gọi anh em giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần lá lành đùm lá rách" - anh Sỹ nói.

Nhờ những lần tụ họp đó, bà con người Việt có thể kết nối, quan tâm nhau, ai gặp gì khó khăn được cộng đồng giúp đỡ kịp thời, những dịp Tết cũng đỡ nhớ nhà hơn.

Đâu ai nghèo tấm lòng

Lúc này, anh Lê Tiến Sỹ đang tất bật sắp xếp công việc cho anh em chuẩn bị nghỉ Tết, có những bao lì xì đỏ mà anh đã cẩn thận chuẩn bị cho đội công nhân xây dựng của anh. Dù lì xì ở Malaysia chỉ mang tính tượng trưng, mỗi bao chỉ từ 2 đến 10 ringgit, nhưng cũng là sự động viên tinh thần rất lớn cho người lao động. "Nghèo tiền nghèo bạc chứ đâu ai nghèo tấm lòng, người Việt mình là vậy" - anh Sỹ cười.

Xuân thương nhớ ở Klang - Ảnh 5.

Lao động Việt Nam đón Tết sớm ở Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia - Ảnh: TUỆ LIÊN

Người giúp việc ở xứ cát

Hôm qua con vừa gọi sang nói mẹ mua siêu nhân gửi về, nhưng đâu có mua được. Tôi gửi về một tháng lương cho mẹ, rồi gửi tiền nhờ chị gái mua đồ chơi cho con, sắm tết cho mẹ

Chị Nguyễn Thanh Ngọc

Gần Tết, trên các trang mạng cộng đồng, các chị giúp việc í ới rủ nhau về Đại sứ quán Việt Nam ở Saudi Arabia ăn Tết chung. Cũng có người chép miệng: "Chủ nhà không cho đi đâu", "Đang ở xa lắm, cách tới gần 400 cây số", "Mới bước ra ngoài thấy bão cát mù mịt"...

Ăn Tết online

"Đặc sản" của lao động xa quê thời mạng xã hội là những buổi "xem chung" do một người livestream trên một group cộng đồng. Đến ngày Tết là dịp "ăn Tết online", người được đi phát livestream trên Facebook để người không đi ít nhất cũng được an ủi rằng ở đây người ta cũng dành cho mình một ngày, một nơi để ăn Tết Việt.

Đón Tết ở đại sứ quán được tổ chức sớm. Ngay từ lúc các tiết mục văn nghệ được tập dượt, lúc sân khấu chính còn đang đóng cộp cộp thì mọi người đã được xem livestream. Cũng lồng đèn giăng khắp nơi, câu đối Tết, giò chả, bánh chưng, xôi nếp cẩm đậu phộng... đầy không khí Tết.

Buổi đón Tết, chị Nguyễn Thị Hiền (quê Hòa Bình) đang làm giúp việc tại Riyadh đã có mặt ở đại sứ quán từ sáng sớm. Chị may mắn được chủ nhà đồng ý cho đi và đại sứ quán thì ở ngay Riyadh. Đến chừng 5 giờ chiều thì tòa nhà đại sứ quán kín người, mọi người xem văn nghệ do các anh chị em ở Saudi Arabia tự biên tự diễn, rồi trải chiếu ngồi la liệt trong nhà ngoài sân như cảnh ăn cỗ đình làng thời xưa.

Chị Nguyễn Thanh Toan (25 tuổi, quê Sóc Sơn, Hà Nội) cũng may mắn ở Riyadh và còn được ông bà chủ chở đến tận nơi. Toan mặc áo đỏ thật đẹp, tô son đỏ chụp hình với hoa mai, selfie với các chị em để đăng Facebook.

"Tới lúc ăn cơm nhìn thấy bánh chưng, giò nem mà tay run, không biết vì đói ăn hay vì nhớ Việt Nam. Gần hai năm rồi không được ăn bánh chưng ngày Tết" - chị Phạm Thị Mỹ Hạnh, giúp việc tại Riyadh, nói. Với chị Toan, chị Hạnh, "được nhìn thấy nhau bằng xương bằng thịt, tay bắt mặt mừng, trao nhau những cái ôm đong đầy yêu thương ở nơi này có cảm xúc rất đặc biệt".

Nỗi lòng xa xứ

"Năm nào đại sứ quán cũng tổ chức Tết cho lao động Việt xa xứ, nhưng chỉ số ít đi được. Chủ nhà hầu như không cho ra đường. Người được cho đi thì ở xa, không biết tiếng, không biết đường cũng không dám đi" - chị Lê Kim Dung (42 tuổi, quê Nghệ An) kể. Chị qua làm giúp việc từ tháng 1-2017, chuẩn bị ăn cái Tết thứ ba ở xứ này. "Con đếm ngày mẹ về, ngày nào cũng gọi hỏi chừng nào mẹ về ăn tết với con. Đến giờ đã hết hợp đồng gần một tháng mà chủ không cho về. Qua Tết tôi mới về được" - chị buồn bã kể.

Thèm đi ăn Tết vì đã lâu không gặp, chị Nguyễn Thị Him (48 tuổi, quê Quảng Bình) cũng không đi được vì cách xa 300 cây số. "Mới qua hơn bốn tháng, không rành tiếng để nói chuyện với chủ nhà. Ở đây ra đường phải trùm khăn kín mít, có ngồi cạnh người Việt cũng chẳng biết đâu" - chị nói.

Không đi "dự Tết" được là cả nỗi niềm tiếc nuối. "Bà chủ hiện tại tốt bụng còn mua cả quần áo cho. Năm ngoái, đến ngày Tết Việt, tôi cũng nói với họ và họ cho thời gian rảnh để gọi điện về chúc Tết mẹ, gọi điện cho con trai. Hôm qua con vừa gọi sang nói mẹ mua siêu nhân gửi về, nhưng đâu có mua được. Tôi gửi về một tháng lương cho mẹ, rồi gửi tiền nhờ chị gái mua đồ chơi cho con, sắm tết cho mẹ" - chị Nguyễn Thanh Ngọc (26 tuổi, quê Thanh Hóa) kể với giọng nhớ thương.

MINH KHÔI - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên