19/09/2007 16:58 GMT+7

Xoa dịu "cơn khát" cao nguyên đá

ĐỨC DUY - TRƯỜNG GIANG
ĐỨC DUY - TRƯỜNG GIANG

TTO - Nước là phần tất yếu của cuộc sống. Ấy vậy mà nước trên các huyện cao nguyên núi đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ lại không là tất yếu...

MSYqOlIV.jpgPhóng to
Nụ cười cao nguyên đá

Bởi, với cao nguyên đá mùa khô kéo dài từ 3 đến 4 tháng, nhu cầu nước sinh hoạt phục vụ đời sống và sản xuất là một trong những thách thức lớn nhất đối với các huyện cao nguyên đá Hà Giang.

Cao nguyên đá mùa khô hạn

Vừa đến trường cấp 1, 2 xã Tả Lủng huyện Đồng Văn, các thầy cô giáo đã xuýt xoa làm đoàn chúng tôi áy náy mãi: “Không biết các anh, chị có xe ô tô vào xã để nhờ chở mấy can nước uống, tiếc quá anh ạ”.

Thầy giáo Nguyễn Thanh Giang, Phó hiệu trưởng trường cấp 1-2 Tả Lủng phân trần: "Giá như không phải mua 8.000 đồng một can nước thì mỗi ngày trường trích ra được 64.000 đồng mua thêm rau xanh cho bữa ăn của các em học sinh bán trú". Bình quân mỗi ngày nhà trường phải dùng hết 8 can nước loại 20 lít để đảm bảo nhu cầu nước nấu ăn, nước uống cho thầy và trò. Giá như và giá như.. Câu nói của thầy giáo Giang làm tôi ám ảnh mãi về miền đất khắc nghiệt này. Mà chung cả cao nguyên đá là thế, thiếu nước sinh hoạt đâu chỉ có riêng Tả Lủng.

70H556Yc.jpgPhóng to

Các nhà khoa học đang nghiên cứu đưa nước về cao nguyên đá

Tới nhiều xã của hai huyện vùng cao Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ thấy đá và đá bạt ngàn. Trên 90% đồng bào phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Tỉnh Hà Giang đã cố gắng tìm giải pháp bằng cách hỗ trợ các gia đình xây bể trữ nước nhưng chưa đáp ứng được việc cung cấp nước.

Ở bản Xả Lủng xã Tả Lủng, ông Thào Mí Giàng than thở "Nước ăn còn không đủ chứ nói gì đến tắm giặt hở các chú". Mấy đứa cháu của ông lâu ngày không được tắm, ghét cáu lại trên tay, chân trông thật thương! "Biết làm sao được, tất cả là thiếu nước mà", ông Giàng xua xua tay gạt những sợi tóc bạc trên trán rồi buông lời: "Cao nguyên mùa khô hạn là vậy, nhưng đồng bào mình mãi không bỏ cao nguyên mà đi đâu. Đến mùa mưa cao nguyên lại hồi sinh mà".

Chiều tà, trên đường về phố thị, đi trên những cung đường quanh co, tôi thấy duy chỉ có những cây cải đắng mọc trên những hốc đá vẫn lên xanh trong những cơn gió đông lạnh lẽo. Tôi tự nhủ, cao nguyên đá không hẳn đã khô hạn. Bằng chứng là cây cải vẫn lên xanh đấy thôi! Anh Phạm Minh Giang, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang nói với tôi: "Cao nguyên đá mùa khô hạn đã được giải quyết một phần rất lớn rồi. Tất cả là nhờ nguồn nước "Kart lộ" đấy".

Công nghệ "hồ treo"

Tôi cầm trên tay bản vắn tắt đề tài nghiên cứu nguồn nước cacxtơ của Tiến sĩ khoa học Vũ Cao Minh, Viện địa chất, TTKHTN&CN Quốc gia. Đề tài được đánh giá xuất sắc nhưng những người vui nhất chính là đồng bào cao nguyên đá. Bởi, nước là yếu tố sống còn để họ sinh sống và phát triển trên miền đất địa đầu này.

FVBxwjyN.jpgPhóng to

Hồ treo Tả Lủng

Bà Bùi Thị Nhung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang cho biết: việc phát hiện và xây dựng đề tài nghiên cứu nguồn nước cacxtơ thôn Nà Phạ xã Mậu Duệ, nằm trên độ cao xấp xỉ 1.000m là một giải pháp tích cực cung cấp nguồn nước đối với khu vực cao nguyên núi đá, cải thiện điều kiện sinh hoạt, cải thiện môi trường sinh thái và điều kiện sản xuất ở các xã Mậu Duệ huyện Yên Minh, Lũng Phìn, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái huyện Đồng Văn, Sủng Máng huyện Mèo Vạc...

Nguồn nước Nà Phạ có các điểm xuất lộ, khởi phát từ độ cao 1.150m đến 1.200m chảy về và hợp lưu tại bản Nà Phạ, dưới độ cao 900m thành suối Nà Phạ. Suối đổ vào hang cacxtơ chảy ngầm trong núi khoảng 1km và thoát ra ở sườn thấp, rồi đổ vào sông Nhiệm. Việc xây dựng hồ đập chứa nước ngay tại nguồn, trữ lượng 1 triệu m3/năm, có thể cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2 đến 3 vạn người. Đồng bào ở ba huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc sẽ ổn định được cuộc sống lâu dài.

4BFr7oqP.jpgPhóng to

Trẻ em cao nguyên đá Hà Giang với niềm vui có nước

Tỉnh Hà Giang đã triển khai thăm dò và xây dựng thử nghiệm “hồ treo” Xà Phìn tại bản Xà Phìn B xã Xà Phìn huyện Đồng Văn, dung tích khoảng 3.000m3. Hồ được xây dựng ngay cạnh đường đi Đồng Văn, có hình trái tim được thiết kế rất thẩm mỹ.

Việc thử nghiệm hồ Xà Phìn thành công đã tạo động lực cho các nhà khoa học tiếp tục đề xuất xây dựng công trình hồ treo Tả Lủng vào năm 2005 tại xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc. Hồ có dung tích 3 vạn mét khối. Những người xây dựng đã phá, nổ hơn 1.000m3 đá vôi, hàng chục giếng, hang ngầm có đường kính từ 0,5 đến 1m, sâu từ 5-10m được san lấp và gia cố. Xây dựng đập chắn nước cao 5m, rộng 3m, dài hơn 50m bằng đá tảng. Hồ Tả Lủng được tạo dáng vầng trăng khuyết, như một hạt ngọc trong xanh giữa cao nguyên bạt ngàn đá.

Trong chuyến thăm Hà Giang đầu xuân 2007, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã công nhận kết quả thành công của hai hồ treo thử nghiệm ở hai xã Tả Lủng và Xà Phìn. Thủ tướng đồng ý cho xây dựng 30 hồ chứa nước bằng giải pháp công nghệ “hồ treo” tại các huyện này với tổng kinh phí khoảng 90 tỷ đồng, bằng ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia Viện địa chất học tính toán công nghệ “hồ treo” có thể cung cấp cho mỗi người dân trên cao nguyên 150 lít nước/người/ngày. Lên cao nguyên đá mỗi mùa khô, hình ảnh ấn tượng nhất là bên những bể nước ven đường, tấp nập người gánh nước, người giặt giũ, trẻ em vui đùa, tắm gội.

Cao nguyên mùa gieo hạt, những nương ngô vươn mình, lá xanh biêng biếc như nét chấm phá giữa bạt ngàn núi đá xám xịt. Cao nguyên mùa khô cần nước. Và những hồ treo đang ngày đêm tích trữ những giọt nước ngầm quý giá, góp phần “giải cứu” cho miền đất khát cao nguyên đá Hà Giang.

ĐỨC DUY - TRƯỜNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên