16/09/2020 11:12 GMT+7

Xét nghiệm theo nhóm: Giải pháp tiết kiệm đua tốc độ với COVID-19

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Gộp mẫu xét nghiệm RT-PCR vừa nhanh lại tiết kiệm sinh phẩm. Một số nước đã áp dụng thử nghiệm phương pháp này trong xét nghiệm COVID-19.

Xét nghiệm theo nhóm: Giải pháp tiết kiệm đua tốc độ với COVID-19 - Ảnh 1.

Dòng người xếp hàng chờ xét nghiệm ở Pháp - Ảnh: AFP

Giả định để xét nghiệm 100 sinh viên, thông thường các phòng xét nghiệm phải làm 100 lần xét nghiệm Realtime RT-PCR để phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2.

Phương pháp xét nghiệm từng người rất mất thời gian trong bối cảnh khả năng của các phòng xét nghiệm còn hạn chế.

Để khắc phục, các chuyên gia đề nghị phương pháp gộp mẫu xét nghiệm.

Một lần xét nghiệm cho nguyên nhóm

Nếu gộp mẫu xét nghiệm, 100 sinh viên nêu trên được chia làm 20 nhóm (mỗi nhóm 5 người).

Phòng xét nghiệm lấy mẫu nguyên nhóm rồi trộn một phần của mỗi mẫu bệnh phẩm gộp lại làm xét nghiệm RT-PCR. Phần còn lại của các mẫu sẽ được bảo quản.

Nếu nhóm mẫu cho kết quả âm tính, có nghĩa là các mẫu trong nhóm đều âm tính.

Nếu nhóm mẫu cho kết quả dương tính, sẽ làm lại xét nghiệm riêng rẽ từng mẫu trong nhóm đó để xác định ai là người dương tính.

Kỹ thuật gộp mẫu xét nghiệm đã từng được thử nghiệm từ năm 1943 để phát hiện bệnh giang mai trong quân đội Mỹ.

Hiện nay, một số nước như Mỹ, Đức, Israel, Rwanda đã áp dụng kỹ thuật này trong xét nghiệm COVID-19, kể cả Việt Nam.

Tại Pháp, bà Catherine Hill - chuyên gia dịch tễ học và thống kê sinh học, cho rằng cần phải thực hiện gộp mẫu xét nghiệm vì đây là giải pháp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Xét nghiệm theo nhóm: Giải pháp tiết kiệm đua tốc độ với COVID-19 - Ảnh 2.

Chuyên gia dịch tễ học và thống kê sinh học Catherine Hill - Ảnh: INFOLIBRE

Đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm

Tại Pháp, những người đi xét nghiệm COVID-19 phải mất hai tiếng chờ đợi. Các bệnh nhân khác có chỉ định xét nghiệm của bác sĩ cũng phải chật vật để có cuộc hẹn với phòng xét nghiệm.

Kết quả là thời gian trả kết quả xét nghiệm ngày càng chậm hơn.

Cuối cùng kết quả xét nghiệm thường đến tay bệnh nhân khi họ hầu như không còn lây nhiễm nữa bởi lẽ hầu hết trường hợp lây nhiễm xảy ra 4 ngày trước khi có các triệu chứng đầu tiên và từ 5-6 ngày sau đó.

Theo chuyên gia Catherine Hill, giải pháp khắc phục tình trạng trên là gộp mẫu xét nghiệm vì gộp mẫu xét nghiệm giúp sàng lọc quy mô hơn, tiết kiệm thời gian và nhân lực hơn.

Phương pháp này cũng ít tốn kém hơn, tiết kiệm sinh phẩm, tiết kiệm tiền bạc cho cơ quan bảo hiểm y tế và đáng tin cậy không kém xét nghiệm từng người.

Ngoài ra, gộp mẫu xét nghiệm còn có thể nhân rộng năng lực của các phòng xét  nghiệm.

Bà đánh giá với phương pháp gộp mẫu xét nghiệm, "chúng ta có thể xét nghiệm 4 triệu người mỗi tuần", ngoài ra còn tầm soát gần như toàn diện tại các khu dân cư trong trường hợp virus  lây lan nhanh chóng.

Bà nhấn mạnh: "Đơn giản và nhanh chóng xét nghiệm là các yếu tố quyết định để chiến thắng trong cuộc đua tốc độ chống virus".

Xét nghiệm theo nhóm: Giải pháp tiết kiệm đua tốc độ với COVID-19 - Ảnh 3.

Có thể chia nhóm đối với học sinh, sinh viên để gộp mẫu xét nghiệm - Ảnh: LA VOIX DU NORD

Độ nhạy của xét nghiệm có thể kém?

Trả lời tạp chí Challenges rằng liệu có nguy cơ bỏ sót các trường hợp dương tính nếu gộp mẫu xét nghiệm, chuyên gia Catherine Hill khẳng định rằng không.

Bà dẫn chứng nghiên cứu của Bệnh viện Bichat ở Paris chứng minh không có nhiều nguy cơ bỏ sót các trường hợp dương tính trong gộp mẫu xét nghiệm hơn xét nghiệm riêng lẻ nếu trộn không quá 32 mẫu với nhau.

Một nghiên cứu khác của Bệnh viện Đại học Hadassah (Israel) công bố cuối tháng 6-2020 cho thấy gộp mẫu xét nghiệm có thể phát hiện virus trong nhóm tối đa đến 8 người.

Đồng quan điểm với bà Catherine Hill, GS Darius Lakdawalla và PGS Erin Trish ở Đại học Nam California (Mỹ) giải thích: "Gộp mẫu xét nghiệm có nghĩa là bạn có thể kiểm tra nhiều người nhanh hơn với ít lần xét nghiệm hơn và chi phí thấp hơn".

Tuy nhiên tại Pháp, Hội đồng cấp cao về y tế công cộng đã khuyến nghị không áp dụng gộp mẫu xét nghiệm với lý do còn hạn chế về tổ chức và kỹ thuật.

Tiến sĩ sinh học y khoa Lionel Barrand ghi nhận gộp mẫu xét nghiệm vẫn còn là vấn đề tranh luận về sức khỏe cộng đồng.

Ông thừa nhận các ưu điểm của phương pháp gộp mẫu xét nghiệm nhưng ông cho rằng nếu trộn mẫu trước khi xét nghiệm, độ nhạy của xét nghiệm sẽ kém đi, như vậy cho ra nhiều kết quả âm tính giả hơn.

Việt Nam có thể xét nghiệm COVID-19 được 13.000 mẫu mỗi ngày Việt Nam có thể xét nghiệm COVID-19 được 13.000 mẫu mỗi ngày

TTO - Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp diễn ra sáng nay 20-4 cho biết hiện Việt Nam cơ bản đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm khẳng định COVID-19.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên