31/08/2022 19:22 GMT+7

Xem truyền thống hiếu học của người Việt qua tranh của nhiều danh họa

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Từ các lớp học bình dân học vụ trong đình, chùa, các lớp học ở miền núi, dưới lòng đất, giữa rừng, ở Tây Nguyên hay ngay trong công viên Hà Nội… đều được các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh… đưa vào tranh.

Xem truyền thống hiếu học của người Việt qua tranh của nhiều danh họa - Ảnh 1.

Hai họa sĩ thích thú xem tác phẩm điêu khắc Đi học bình dân của Lê Công Thành - Ảnh: T.ĐIỂU

50 tác phẩm của 44 tác giả, trong đó có nhiều danh họa, được sáng tác từ những năm sau 1945 cho đến gần đây về cùng chủ đề học tập, trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, gỗ, thạch cao, gang đang được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm Truyền thống hiếu học tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Triển lãm được khai mạc ngày 31-8 nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945 - 2-9-2022) và chào đón ngày khai giảng năm học mới.

Đây là cơ hội cho những người yêu mỹ thuật, muốn tìm hiểu về truyền thống hiếu học của dân tộc được chiêm ngưỡng các bức họa, tác phẩm điêu khắc về chủ đề này của các họa sĩ, nhà điêu khắc như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Lê Công Thành, Phạm Gia Giang, Ngô Tôn Đệ, Nguyễn Văn Giáo, Xu Man, Phan Thông…

Trong đó có nhiều tác phẩm lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng.

Xem truyền thống hiếu học của người Việt qua tranh của nhiều danh họa - Ảnh 2.

Tác phẩm Trong công viên Thống Nhất của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Người xem sẽ được tìm hiểu về truyền thống hiếu học từ thời Bình dân học vụ, trải qua thời kỳ chiến tranh khắc nghiệt cho tới thời hòa bình.

Thời bình dân học vụ được thể hiện sinh động qua các tác phẩm: Lớp trung học đầu tiên (Diệp Minh Châu), Lớp học bình dân làng Bền (Trần Văn Cẩn), Bủ Đường biết đọc (Tô Ngọc Vân), Đi học bình dân (Lê Công Thành)…

Tới thời chiến tranh tàn khốc, truyền thống hiếu học của dân tộc vẫn tiếp tục được duy trì qua các lớp học dưới lòng đất, trong rừng, được thể hiện qua các tác phẩm: Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước), Giúp đỡ bạn (Cõng bạn đi học) (Đào Văn Can), Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh)…

Xem truyền thống hiếu học của người Việt qua tranh của nhiều danh họa - Ảnh 3.

Tác phẩm Lớp học bình dân của Nguyễn Thế Vinh - Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Thời hòa bình, truyền thống hiếu học vẫn được thể hiện sinh động trong tranh, qua các tác phẩm về trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, các lớp học mầm non, những buổi học vẽ trong công viên…

Những đứa trẻ quê hiếu học Những đứa trẻ quê hiếu học

TTO - Nhân dịp khai trường, tôi lại nhớ cái xóm quê xưa. Một xóm nghèo, nhà tôi ở đó và có những đứa trẻ học giỏi.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên