31/08/2022 16:19 GMT+7

Xây dựng Luật Tư pháp riêng dành cho người chưa thành niên

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Thay vì áp dụng hình phạt trong hệ thống pháp luật hình sự, việc xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên hướng tới biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh và các nguyên tắc pháp luật.

Xây dựng Luật Tư pháp riêng dành cho người chưa thành niên - Ảnh 1.

Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tham luận dự thảo đề cương Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên tổ chức sáng 31-8 tại Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Xây dựng Luật Tư pháp toàn diện cho người chưa thành niên

Đây là một trong những vấn đề được đưa ra tại hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tham luận dự thảo đề cương Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên, với sự tham gia của Liên minh châu Âu, Liên Hiệp Quốc và Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, ngày 31-8 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, cam kết bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em.

Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ trẻ em, bước đầu hình thành hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên.

Tuy vậy, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy còn những bất cập, hạn chế, đặc biệt là chưa có một đạo luật chuyên biệt về tư pháp cho người chưa thành niên.

Ông Bình nhấn mạnh: "Chúng ta hướng tới thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương, mặc cảm, mở rộng đường hoàn lương sau sai phạm cho lứa tuổi chưa thành niên. Vì vậy, nghiên cứu hình thành một đạo luật để phù hợp với đặc điểm lứa tuổi chưa trưởng thành, có chính sách ưu đãi với người chưa thành niên là một đòi hỏi tất yếu".

Thực hiện chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì dự án và biên soạn Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đến nay, dự thảo cơ bản đã hình thành 6 phần, 16 chương và 268 điều.

Ông Bình cho biết tại hội thảo sẽ lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm và tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo đề cương luật. Để từ đó, hoàn thành dự án luật với chất lượng cao để trình Quốc hội thông qua trong tương lai gần nhất.

Đề cao xử lý nhân văn, phù hợp lứa tuổi

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên xây dựng các nội dung: Tư pháp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tư pháp người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, đương sự; tư pháp người chưa thành niên bị cai nghiện ma túy bắt buộc; tư pháp người thành niên về thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng.

Tại hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao cũng đặt ra vấn đề về tư pháp người thành niên về thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng, trong đó nhấn mạnh biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

Cụ thể, xử lý chuyển hướng là quá trình thay thế nhằm xử lý những người chưa thành niên vi phạm pháp luật, thay vì xử phạt trong hệ thống tư pháp chính thống hoặc đưa vụ việc ra tòa.

Những đối tượng được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể quy định theo vi phạm (ví dụ các tội nhẹ hoặc ít nghiêm trọng) hoặc theo án phạt có thể áp dụng (ví dụ các tội có khả năng bị phạt dưới 10 năm tù).

Chỉ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho người chưa thành niên thừa nhận trách nhiệm cho hành động của mình. Người chưa thành niên khẳng định mình vô tội có quyền được xét xử công bằng.

Tuy nhiên, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng nhận định mặc dù pháp luật đã có quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhưng việc áp dụng còn chưa đạt như mong muốn, áp dụng được ít, còn nhiều bất cập.

Đại diện Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ Công ước quốc tế về quyền trẻ em khuyến cáo các quốc gia thành viên cần đề ra biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp như ra lệnh chăm sóc, hướng dẫn và giám sát; tư vấn, thử thách, thăm nuôi; các chương trình giáo dục, dạy nghề và những biện pháp thay thế khác phù hợp với phúc lợi của trẻ, tương xứng với hành vi phạm tội của trẻ.

Do đó, Luật Tư pháp dành cho người chưa thành niên Việt Nam cần hoàn thiện bổ sung. Ví dụ bắt buộc đi học, đặt dưới sự giám sát và có hướng dẫn; cấm đến hoặc xuất hiện thường xuyên tại một địa điểm; lao động công ích… theo từng mức độ vi phạm pháp luật cụ thể.

Đồng thời, nghiên cứu việc thi hành các biện pháp xử lý chuyển hướng không giao cho cơ quan công an như quy định của pháp luật hiện hành, mà chuyển sang cho cơ quan lao động - thương binh và xã hội hoặc cơ quan quản lý nhà nước khác để đảm bảo thân thiện với người chưa thành niên. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng về sự tham gia của nhân viên công tác xã hội trong quá trình thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Bộ Tài chính: Chưa xây dựng dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất Bộ Tài chính: Chưa xây dựng dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất

TTO - Trong thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí vào chiều 14-3, Bộ Tài chính khẳng định chưa xây dựng dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên