10/12/2015 13:50 GMT+7

“Vương quốc” pơmu Chư Yang Nia

TIẾN THÀNH (tienthanh@tuoitre.com.vn)
TIẾN THÀNH (tienthanh@tuoitre.com.vn)

TT - Pơmu ở đây nhiều như mía. Chỉ riêng ở đỉnh Chư Yang Nia này có lẽ phải mất cả tháng trời mới đếm hết pơmu.

Một cây pơmu cổ thụ có đường kính hơn 1,5m, cao hơn 15m trên đỉnh Chư Yang Nia được đánh dấu - Ảnh: Tiến Thành
Một cây pơmu cổ thụ có đường kính hơn 1,5m, cao hơn 15m trên đỉnh Chư Yang Nia được đánh dấu - Ảnh: Tiến Thành

Vừa lên tới độ cao 1.700m, anh Bùi Văn Hải, kiểm lâm viên trạm 4 thuộc Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk), mở máy định vị GPS, mừng rỡ nói lớn: “Chúng ta đã tới đỉnh Chư Yang Nia, vùng đất của pơmu, mây và sương mù”.

Quả nhiên lẫn trong lớp sương mù, mây và mưa, những cây pơmu có bộ rễ cuồn cuộn bám đầy rêu, thân đỏ sẫm hiện ra, vút cao như chào đón khách.

“Nhiều như mía”

Sau gần tám giờ cuốc bộ, đỉnh Chư Yang Nia chào đón chúng tôi bằng những màn sương mù dày đặc cùng luồng không khí lạnh run người. Mưa xối xả. Mới 16g, khu rừng đã tối sầm lại vì tầng tầng lớp lớp lá cây che phủ.

Sừng sững giữa lối đi là hai cây pơmu có đường kính khoảng 80cm, cao gần 12m. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, anh Chu Văn Nguyên, kiểm lâm viên trẻ tuổi nhất trong đoàn, tếu táo: “Cây này chỉ là cháu chắt thôi. Chưa phải cụ pơmu đâu”.

Dứt lời, Nguyên dùng dao cạo một khoảnh nhỏ trên thân cây rồi đánh dấu bằng ký hiệu sơn màu đỏ.

“Những ký hiệu này sẽ giúp các cán bộ kiểm lâm thống kê được số lượng pơmu, vừa theo dõi được quá trình sinh trưởng của cây trước khi giao khoán cho các hộ dân địa phương trông giữ” - anh Mai Ngọc Lâm, cán bộ phòng khoa học - bảo tồn Vườn quốc gia Chư Yang Sin, giải thích thêm.

Đi thêm vài trăm mét, chỉ tay về phía vạt rừng lờ mờ trong lớp sương dày, anh Lâm bảo: “Kia mới là cụ pơmu kìa!”. Đó là cây pơmu có đường kính hơn 1,5m, cao khoảng 15m, bộ rễ phủ đầy rêu và ngạo nghễ đứng một góc rừng.

“Cụ” pơmu khoác lên mình bộ giáp đỏ sẫm với những đường vân kẻ thẳng và xoắn tuyệt đẹp. Những cái rễ to bằng cổ tay, dài gần 3m lòng thòng từ thân cây xuống mặt đất. Đứng cách gần 2m, tôi mở hết tiêu cự của ống kính máy ảnh cũng chỉ lấy được một nửa bộ rễ của cây pơmu này.

Phía trên, những nhánh cành lực lưỡng dang rộng như những cánh tay của lực sĩ. Cảm giác như chạm mặt “kỳ quan” của núi rừng.

“Pơmu ở đây nhiều như mía. Chỉ riêng ở đỉnh Chư Yang Nia này có lẽ phải mất cả tháng trời mới đếm hết pơmu” - anh Lâm nói.

Thực tế 4.000ha là diện tích pơmu phân bố rải rác trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã được cán bộ kiểm lâm tại đây thống kê, gấp 16 lần so với diện tích quần thể pơmu ở Tây Giang (Quảng Nam).

Chẳng thế, trước ngày lên đường tìm pơmu cổ thụ ở Chư Yang Nia này, phó giám đốc phụ trách vườn quốc gia Lộc Xuân Nghĩa đã dặn dò kỹ: “Nhà báo đừng viết quá chi tiết về những tiểu khu có pơmu, kẻo lại vẽ đường cho... lâm tặc”.

Chiến dịch bảo vệ pơmu

Bên bếp lửa bập bùng, kiểm lâm viên Y Biếu Niê (48 tuổi, người Êđê) đã công tác 11 năm ở trạm số 4 kể trong một lần bị lạc rừng năm 2006, anh đã phát hiện pơmu trên đỉnh Chư Yang Nia.

Theo Y Biếu Niê, từ khi phát hiện cây pơmu, cuộc chiến bảo vệ loài cây quý này chưa ngày nào được bình yên. Mỗi tháng, các kiểm lâm viên trạm 4 phải thay nhau tuần tra rừng thường xuyên. Chuyện sống chung với muỗi, vắt, ruồi vàng, bọ chó đã trở thành chuyện thường.

Từng “nếm mật, nằm gai” nhiều ngày trong rừng sâu, ông Lương Hữu Thạnh - phó giám đốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin - vẫn sởn da gà khi nhắc đến “chiến dịch pơmu”.

Đó là năm 2008, tin đồn về pơmu chỉ có ở Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã khiến người dân ở huyện Lắk (Đắk Lắk) đổ xô lên rừng chặt phá. Khi đó, hơn 40 cán bộ kiểm lâm của vườn quốc gia đã phải thay nhau lên ứng trực, hết tốp trước đến tốp sau.

“Biết chúng tôi đi với Ban chỉ huy quân sự huyện Krông Bông nhưng các đối tượng vẫn rất hung hăng, cầm dao rựa trong tay và thách đố, đòi đánh nhau.

Anh em phải bắn chỉ thiên vài lượt đạn mới trấn áp được. Sau gần bốn tháng ròng rã, chiến dịch pơmu mới kết thúc. Hơn chục cây pơmu bị cưa xẻ khiến anh em xót đứt ruột” - ông Thạnh kể.

Cũng theo ông Thạnh, từ sau chiến dịch này Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã triển khai giao khoán rừng cho các hộ dân địa phương để phối hợp tuần tra, bảo vệ.

Mối quan hệ giữa người dân vùng giáp ranh với vườn từ đó trở nên khăng khít hơn. Chính những người từng lầm đường lạc lối làm lâm tặc đã trở thành “tai mắt” cho kiểm lâm.

“Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, họ báo ngay cho đơn vị để kịp thời kiểm tra, xử lý. Mới thấy khi người dân có quyền lợi từ việc quản lý rừng và họ xem công việc này như một nghề, việc bảo vệ rừng trở nên hiệu quả hơn” - ông Thạnh nói.

Ông Y Quyết - buôn phó buôn Tul, xã Yang Mao - cho biết hiện có 25 hộ dân trong buôn đang nhận quản lý và bảo vệ 383,9ha rừng. Số tiền thu được hằng năm từ rừng nhận khoán được trả công cho người trực tiếp bảo vệ rừng, còn một nửa giữ lại làm quỹ của buôn.

Tính ra mỗi hộ dân nhận được 3 triệu đồng/năm nhờ việc bảo vệ rừng. Quỹ của buôn cũng có thêm tiền để làm đường điện chiếu sáng, tu sửa cổng chào, phục vụ cuộc sống cho người dân vùng cao này.

Tiềm năng du lịch

Ông Lộc Xuân Nghĩa - phó giám đốc phụ trách Vườn quốc gia Chư Yang Sin - cho biết bên cạnh công tác bảo vệ rừng, lãnh đạo vườn đã và đang hướng tới việc phát triển du lịch nhằm quảng bá hệ sinh thái đa dạng và độc đáo của vườn quốc gia.

Thực tế đã có bảy tuyến du lịch sinh thái - cộng đồng hình thành trong Vườn quốc gia Chư Yang Sin để phục vụ du khách khám phá, trải nghiệm.

TIẾN THÀNH (tienthanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên