23/05/2019 17:56 GMT+7

'Vùng hồ tiêu lớn nhất nước sẽ phá sản nếu không được hỗ trợ'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết chưa bao giờ nợ nần, dịch bệnh lại gây kiệt quệ cho người trồng tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên như lúc này.

Vùng hồ tiêu lớn nhất nước sẽ phá sản nếu không được hỗ trợ - Ảnh 1.

Dịch bệnh đang biến vùng trồng hồ tiêu lớn nhất nước thành những cánh vườn bỏ hoang - Ảnh: B.D

"Nhiều nông dân giờ bỏ vườn, diện tích hồ tiêu chết toàn Tây Nguyên lên tới hàng trăm ngàn hecta. Nông dân kiệt quệ, ngồi trên đống nợ", ông Ngô Thanh Danh nói bên hành lang Quốc hội sáng 23-5.

* Đắk Nông là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước, nhưng hiện nay rất nhiều nông dân đã rơi vào cảnh trắng tay?

Phải nói rằng thời gian qua, cây hồ tiêu và cây cà phê đang làm khốn đốn người trồng. Nông dân chồng chất khó khăn khi chịu thiệt hại kép: vừa mất mùa lại mất cả giá. Đặc biệt, cây hồ tiêu hiện nay đang chết hàng loạt khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Đắk Nông và Gia Lai là hai địa phương có diện tích hồ tiêu, cà phê lớn nhất Tây Nguyên. Cây trồng này đã đóng góp rất lớn vào bức tranh kinh tế - xã hội của hai tỉnh, đặc biệt như ở vùng Nâm N’Jang, huyện Đắk Song.

Có những giai đoạn, nông dân mỗi năm thu hàng tỉ đồng từ vườn tiêu, nhiều gia đình trở thành "đại gia", xây được biệt thự, cho con đi học nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh hoành hành đã khiến nhiều vườn tiêu xơ xác, nông dân đang ngồi trên đống lửa, đống nợ.

* Các tỉnh đã có chính sách gì để hỗ trợ bà con nông dân lúc khó khăn?

Chúng tôi cũng đã có chính sách hỗ trợ cấp bách cho bà con nông dân những diện tích bị chết lớn nhất và những gia đình mới trồng lần đầu, hỗ trợ các gia đình này chuyển đổi cơ cấu cây trồng để làm sao đảm bảo đời sống. 

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho nông dân vay vốn trồng tiêu. Các ngân hàng đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay, cho vay mới...

Các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều có nguồn thu thấp. Do đó, chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ của trung ương, đặc biệt là các bộ có liên quan như là Bộ NN&PTNT, để giúp tỉnh vượt qua lúc khó khăn này nhằm khôi phục sản xuất. 

Có những nơi bà con bỏ vườn, các hộ thì vay ngân hàng, nợ nần chồng chất, ngân hàng cũng khốn khổ mà bà con lại càng bi đát hơn, không có nguồn lực nào khác.

Vùng hồ tiêu lớn nhất nước sẽ phá sản nếu không được hỗ trợ - Ảnh 2.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội - Ảnh: B.D

* Nguyên nhân của dịch bệnh cây trồng hiện nay đã được xác định chưa?

Diện tích hồ tiêu chết ở Tây Nguyên hiện nay rất lớn, tại tỉnh Đắk Nông chúng tôi cũng đã lên tới hàng ngàn hecta. Nguyên nhân chính là do sâu bệnh, hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm, bà con không thể tự xử lý được. 

Chúng tôi nhận thấy đối với chủng bệnh này, ở những gia đình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP bệnh tật gần như được hạn chế. Nhưng hầu hết diện tích hồ tiêu của Đắk Nông và các tỉnh khác đang thu hoạch hiện nay được trồng trước đây, chủ yếu theo cách canh tác cũ, nguy cơ bệnh tật rất lớn, giống thì được mua trôi nổi, nông dân cứ mua rồi về trồng dẫn tới bệnh lây lan càng nhiều hơn.

Riêng Đắk Nông, hiện UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền cơ sở lên danh sách, tìm hiểu hoàn cảnh từng hộ trồng tiêu. Chúng tôi cũng giao cho Sở NN&PTNT, từng huyện đề xuất, có giải pháp hỗ trợ cấp bách cho nông dân trong lúc khó khăn.

* Về lâu dài, để phát triển bền vững cho hồ tiêu, cà phê thì tỉnh đã tính phương án gì?

Chúng tôi đang cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông sản của bà con phải phù hợp với tình hình thổ nhưỡng, khí hậu... Những định hướng này mình phải đưa ra cho bà con. Về lâu dài thì phải huy động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng các giống sạch, truy xuất được nguồn gốc...

Cái chính lâu nay để xảy ra tình trạng dịch bệnh hoành hành là bà con không chịu nghe theo khuyến nông, cứ theo nhau trồng tràn lan, sử dụng giống trôi nổi dẫn đến dịch bệnh càng khó kiểm soát. 

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết hiện hai tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đã có hơn 10.000ha hồ tiêu bị chết khô. Bệnh chết nhanh chết chậm đã hoành hành từ nhiều năm nay khiến vùng trồng tiêu lớn nhất nước xơ xác, nông dân nhiều nơi bỏ vườn, ôm nợ, khó khăn chồng chất khó khăn.

Hồ tiêu bệnh, mất giá, nhiều nông dân vỡ nợ phải bỏ xứ Hồ tiêu bệnh, mất giá, nhiều nông dân vỡ nợ phải bỏ xứ

TTO - Cây tiêu bệnh, giá tiêu chỉ còn 40.000 đồng/kg, chưa đầy 20% so với mức cao nhất, nông dân không có vốn chăm sóc khiến hàng chục ngàn hecta hồ tiêu tại Tây Nguyên 'chết đứng', nhiều nông dân ôm nợ và bỏ trốn.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên