22/01/2009 10:44 GMT+7

Vùng cao Sơn La đón tết

HỒNG THẢO
HỒNG THẢO

TT - Tại bản Mô Cổng, xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La), bà con đồng bào Mông đón tết sớm. Đâu đâu cũng bắt gặp không khí rộn ràng, háo hức đón xuân, chuẩn bị tết.

Trong những ngày đầu xuân này ngoài việc cúng tổ tiên, bà con còn tổ chức vui chơi, trẻ thì đánh cù, thanh niên trai gái thì ném pao, thổi khèn. Ngày tết của đồng bào Mông ngoài thịt lợn, thịt gà và rượu, thứ không thể thiếu là bánh giầy mà đồng bào gọi là “trú”, nhà nào cũng chuẩn bị bánh cho cả mùa tết. Trước bàn thờ tổ tiên của người Mông không có mâm cao cỗ đầy, mà thay vào đó là các dụng cụ sản xuất.

Cứ đến chiều 30 tết, người đàn ông chủ nhà gom toàn bộ dụng cụ sản xuất như dao, cuốc, xẻng, cày, bừa dán giấy bản màu vàng vào chuôi các dụng cụ đó rồi đặt lên trước bàn thờ tổ tiên. Họ quan niệm rằng đây là những vật linh thiêng đã gắn bó, giúp con người làm ra của cải vật chất, tạo nên sự no ấm. Do đó những dụng cụ này cũng phải được nghỉ ngơi để “ăn tết”, chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.

Tại các bản làng vùng cao huyện Bắc Yên, đồng bào Mông ăn tết đơn giản, không cầu kỳ tốn kém. Bà con chuẩn bị tết rất sớm. Ngay sau khi gặt hái, thu hoạch xong mùa màng, phụ nữ Mông bắt tay vào việc may, thêu váy áo. Đàn ông thì nấu rượu, vỗ béo lợn thịt, dọn dẹp nhà cửa, gia đình nào cũng tất bật chuẩn bị tết. Năm nay gia đình ông Giàng A Thái (ở bản Xím Vàn, xã Xím Vàn, huyện Bắc Yên) có một năm bội thu.

Gia đình ông Thái thu được 6 tấn thóc cả nếp cả tẻ, lợn gà tuy không nhiều nhưng cũng đủ để gia đình ông đón cái tết vui vẻ, đầm ấm. Ông Thái phấn khởi: “So với mọi năm thì năm nay được mùa hơn. Gia đình tôi đã chuẩn bị một con lợn khoảng 100kg để mổ, mời bạn bè, anh em cùng đến vui tết. Tôi đã đi chợ vùng thấp để mua vải cho vợ con may quần, váy áo đón tết”. Còn gia đình ông Vàng A Sênh (ở bản Cáo B, xã Làng Chếu) cũng bội thu mùa màng, dự định mổ một con lợn thật to để ăn trong dịp tết, đồng thời đón các con đi học xa nhà về sum họp gia đình.

“Năm mới sắp đến, tôi đã cùng con cháu trong gia đình chuẩn bị mọi thứ cho cái tết thật đầm ấm, mong giữ gìn sức khỏe để cả gia đình cùng vui tết, tiết kiệm và yên vui’’ - ông Sênh nói. Theo ông Sênh, người Mông ngoài những chiếc bánh giầy bình thường, còn làm một chiếc bánh giầy to hơn để cúng trong ngày 30 tết, tùy từng dòng họ khác nhau mà làm ngày cúng tết cũng khác nhau.

hgdaKNoh.jpgPhóng to
Chọn mua lá dong gói bánh chưng xanh - Ảnh: H.Thảo
Chợ tết ở Bản Xèo

Lên các chợ vùng cao Bản Xèo, Mường Hum, Ý Tý của huyện biên giới Bát Xát (Lào Cai) ngày giáp tết, chúng tôi bắt gặp không khí náo nức đón xuân của bà con dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì... nơi đây.

Người ta bày bán đủ thứ ngay trên nền đất trải tấm nilông. Đông vui nhất là các sạp hàng bán đồ thổ cẩm, các bà mế, các cô gái đan nhau vây kín mua chỉ thêu, khăn màu, váy áo mới diện tết. Các anh con trai thì tìm mua giày, ủng, đèn pin, thuốc lào. Chúng tôi bắt gặp mấy mẹ con một gia đình người Hà Nhì chọn mua chiếc cassette, bật băng nghe đi nghe lại, ưng ý cả mấy mẹ con trả tiền xong, gương mặt hoan hỉ, kéo nhau vào quán phở chua ngay bên cạnh liên hoan.

Lạ nhất ở chợ tết vùng cao là không có kiôt, ngăn ô bán hàng như vùng xuôi. Mọi người chen vai thích cánh chọn mua hàng, ồn ào như đi hội, nhưng rất trật tự, không có xô xát, cãi vã. Có anh mua rượu, thoải mái uống thử từ đầu đến cuối chợ, lăn ra say mèm, vợ phải dìu đi khật khưỡng.

Trong âm thanh hỗn độn, thỉnh thoảng đâu đó lại cất lên tiếng kèn môi, tiếng sáo trúc của nam nữ thanh niên gọi bạn.

HỒNG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên