13/08/2017 09:54 GMT+7

Vui buồn đột xuất ra phố hát vang có cần xin phép?

VŨ VIẾT TUÂN - NGỌC HIỂN - MAI HOA ghi
VŨ VIẾT TUÂN - NGỌC HIỂN - MAI HOA ghi

TTO - Biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật trên đường phố, nơi công cộng là nhu cầu có thật của một bộ phận người dân. Thế nhưng ứng xử như thế nào cho phù hợp ở không gian công cộng?

Các hoạt động văn nghệ đàn hát tại phố đi bộ Hà Nội vào dịp cuối tuần - Ảnh: T.T.D.
Các hoạt động văn nghệ đàn hát tại phố đi bộ Hà Nội vào dịp cuối tuần - Ảnh: T.T.D.

Hát ca một chút có cần xin phép? Hay nơi công cộng “muốn làm gì thì làm”?...

Không được tự ý tổ chức

TP Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo Nội quy quản lý các hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Dự thảo đưa ra quy định: cá nhân, tổ chức không được tự ý tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, trò chơi, ảo thuật; không sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống... phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ.

Các hoạt động phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

Hai tuần trở lại đây, nhóm chúng tôi đã chọn cách ra phố đi bộ Nguyễn Huệ biểu diễn sau 23h đêm, bởi lúc này các lực lượng trật tự đã hết ca. Vài ba nhóm khác cũng như vậy.

Tuy chỉ diễn trong vòng một giờ nhưng cũng đem lại niềm vui cho cả người diễn, người xem bởi người nghệ sĩ được gặp lại công chúng. Có những bạn trẻ chỉ ra phố giờ đó để chờ và xem chúng tôi nhảy hip hop.

Trước đây chúng tôi tập luyện ở công viên Lê Văn Tám, nhưng chúng tôi rất muốn biểu diễn ở những nơi đông người bởi ở công viên quá đìu hiu. Ở chỗ đông người chúng tôi có sự giao lưu, tương tác với công chúng và cũng có thêm thu nhập từ sự chia sẻ của người xem.

Sau khi bị cấm diễn ở đường Nguyễn Huệ, chúng tôi đã thử đến khu vực có đông người như cầu Ánh Sao ở quận 7 biểu diễn nhưng lại bị bảo vệ ở đây ngăn cản, còn khu vực phố Tây thì quá chật chội.

Một năm qua, chúng tôi đã chạy lòng vòng rất nhiều cơ quan chức năng tại TP để tìm hiểu và xin giấy phép biểu diễn ở đường Nguyễn Huệ, nhưng tới bây giờ còn... chờ.

Chúng tôi vẫn hi vọng có một địa điểm biểu diễn cho nghệ sĩ đường phố, ở đó họ được phân chia thời gian hoạt động, có sự quản lý nhưng không mất đi “chất” đường phố.

Vào các buổi sáng chủ nhật, chúng tôi thường ôm đàn guitar ra công viên 30-4 giao lưu. Còn các buổi tối thì tập trung ở khu vực cầu Mống (quận 1). Trước đây, chúng tôi thường tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng từ khi bị cấm cản thì ngưng, không còn ra đó nữa.

Chúng tôi chỉ là những người trẻ đam mê ca hát, thích ôm đàn guitar nghêu ngao nên tìm đến những nơi có không gian, có đông người trẻ để cùng nhau thỏa thích hát ca. Cứ nơi nào đông đúc thì nơi đó càng có nhiều người trẻ ngồi xuống với chúng tôi “hát ca rất tự do”.

Tất cả chỉ chung một niềm đam mê là được hát, được đàn giữa không khí náo nhiệt của đường phố Sài Gòn, chứ không phải hát để kiếm tiền.

Ở cầu Mống hay tại công viên 30-4 chúng tôi có thể hát hò thoải mái, nhưng ít có sự tương tác của những người tản bộ, thường chỉ là những thành viên của nhóm hát cho nhau nghe.

Do đó, chúng tôi vẫn hi vọng TP có những không gian mở để những bạn trẻ mê đàn hát được góp sức mình tạo nên những không gian âm nhạc đường phố sống động.

Những sự việc ồn ào mới đây như cậu bé không được phép biểu diễn violon ở bờ hồ (Hà Nội), hoặc nữ du khách ngồi thiền xin tiền ở Phú Quốc... là những hiện tượng mới và thực tế các cơ quan quản lý đã lúng túng trong việc ứng xử với các hành vi đó.

Theo tôi được biết thì TP.HCM đến nay chưa có Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng như ở Hà Nội. Trước đây, ngày 25-9-2012, UBND TP.HCM có ban hành 12 tiêu chuẩn văn hóa giai đoạn 2012-2015 thuộc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Mới đây, Sở Du lịch cũng đưa ra Bộ quy tắc ứng xử cho khách du lịch khi tới TP.HCM...

Tôi cho rằng những quy tắc ứng xử là cần thiết, tuy nhiên cũng cần có sự thống nhất, tránh việc đưa ra nhiều bộ quy tắc với những tiêu chí trùng lắp, nhưng khi cần áp dụng trong các trường hợp cụ thể lại thiếu.

Có thể có một bộ quy tắc rộng, thống nhất, được bổ sung, cập nhật và mọi ứng xử nơi công cộng được điều chỉnh bởi bộ quy tắc này.

Những vụ việc tạo ra bức xúc dư luận vừa qua bởi chúng ta chưa quen với các quy định về hoạt động biểu diễn nơi công cộng, và chúng ta nghĩ rằng đã là không gian công cộng là của tất cả mọi người, ai muốn làm gì cũng được.

Nhưng không phải như vậy. Khi đã là không gian công cộng thì phải tôn trọng những quy định chung. Vấn đề là: quy định chung đó là gì, phải rõ.

Theo tôi, hoạt động biểu diễn có thu nhập hay không có thu nhập nhưng đã vào không gian công cộng như phố đi bộ hồ Gươm (hay phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM) thì phải được kiểm soát.

Bởi đã vào không gian văn hóa phải có tổ chức và nhà quản lý cần nắm được những hoạt động đó.

Tôi thấy quy định các cá nhân, tổ chức muốn biểu diễn tại không gian đi bộ hồ Gươm thì thông báo trước năm ngày cho cơ quan quản lý là điều rất phù hợp.

Nó phù hợp ở chỗ thể hiện thiện chí của Sở VH-TT đối với các hoạt động biểu diễn ở phố đi bộ hồ Gươm.

Tôi là người từng biểu diễn ở phố đi bộ hồ Gươm và thấy rằng chỉ nên quy định các cá nhân, tổ chức muốn biểu diễn thì cần thông báo đến cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý phải làm việc với nghệ sĩ để nghệ sĩ được biết họ được biểu diễn ở địa điểm nào, thời gian nào, lượng âm thanh ra sao...

Ngược lại, để cơ quan quản lý biết nghệ sĩ là ai, nội dung biểu diễn là gì.

Cơ quan quản lý phải đưa ra được những quy định chung trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất, trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính nhất cho việc biểu diễn nghệ thuật công cộng.

Tiến tới cần có một hội đồng nghệ thuật của TP để xét duyệt những vấn đề như vậy.

 

Với nhiều nước trên thế giới, để được biểu diễn ở nơi công cộng thì cá nhân, tổ chức phải thi lấy chứng nhận thông qua hội đồng giám tuyển nghệ thuật, chứ không phải với bất cứ chất lượng nào cũng mang ra cho cộng đồng.

Bởi nếu biểu diễn nơi công cộng mà chất lượng tệ thì đó là gây ra rác, chứ không phải biểu diễn nghệ thuật.

Vì vậy, tôi cho rằng về mặt lâu dài phải có cấp phép trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nơi công cộng. Nếu biểu diễn có xin tiền - về bản chất là có thu nhập - phải có đóng thuế, kê khai với chính quyền.

Cơ quan quản lý cần xây dựng những quy định về việc này. Nhưng cần làm thế nào để quy định đó đến được với người dân; làm sao để các cá nhân, các nhóm biểu diễn nhỏ và bất cứ ai cũng phải có cơ hội được biểu diễn nơi công cộng, phục vụ cộng đồng.

Dĩ nhiên phải có giám tuyển về chất lượng và phải được cấp phép. Quy trình cấp phép phải công khai, thuận tiện, dễ hiểu để người dân thực thi pháp luật được tốt. Nên cấp phép qua mạng, cả cho người nước ngoài.

Ở những vụ việc vừa qua, khi phản đối việc cấp phép biểu diễn ở phố đi bộ, mọi người chỉ nghĩ rằng: vì sao mang cho người khác món ăn tinh thần mà lại phải cấp phép?

Nhưng phải suy nghĩ xem người nhận là cộng đồng có muốn nhận “món ăn” đó hay không?

VŨ VIẾT TUÂN - NGỌC HIỂN - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên