04/09/2021 06:16 GMT+7

Vừa tìm đường đi chợ vừa tự tiết giảm nhu cầu

LINH TRANG
LINH TRANG

TTO - Chợ búa, cơm nước cho gia đình là chuyện hằng ngày với bao bà nội trợ. Nhưng mua gì, làm sao mua được, khi nào nhận hàng... cũng phải xoay trở đủ cách từ mọi người thân quen, tổ dân phố đến cả cơ hội mua nhanh trên mạng.

Vừa tìm đường đi chợ vừa tự tiết giảm nhu cầu - Ảnh 1.

Đoàn viên thanh niên xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM đi chợ mua thực phẩm giúp người dân - Ảnh: T.TRUNG

Sau đây là hai câu chuyện "đi chợ" từ bài viết của bạn đọc.

Đi chợ trên điện thoại

Khi có thông tin ở yên trong nhà từ ngày 23-8, người người ùn ùn đi siêu thị mua đồ. Tôi đã nói không với xếp hàng ngoài siêu thị. Những ngày đầu thì ổn do trong tủ lạnh còn đủ thức ăn cho ba mẹ con, chúng tôi ăn đơn giản hơn nhưng về sau thấy thiếu đủ thứ.

Những thứ như mì gói, bột ngọt, muối, đường, dầu ăn... cứ đinh ninh là còn dư ở nhà vì trước giờ tôi hay mua gia vị để dành, chứ không phải đợi hết mới mua.

Theo hướng dẫn, tôi ghi ra 8 món cần mua, gửi anh tổ trưởng. Rất nhanh trong ngày, anh giao hàng nhưng chỉ có 2 món (200gr cá viên chiên và tỏi). Gay rồi đây! Tôi tích cực lên máy tính mò vào các đường link do khu phố, tổ đưa để mua thực phẩm giúp, đặt tiếp. Thấy anh công an đưa lên nhóm khu phố thông tin đăng ký mua thực phẩm, có chị báo có ít thịt, tôi chốt nhanh như chớp liền được 2kg.

Đọc báo biết có vụ mua combo lại vào đặt tiếp, họ bảo phải từ 5 combo trở lên mới giao, tôi vận động chị em trong xóm liền. Đặt từ ngày 28 đến 30-8 mới được chấp nhận, còn không biết khi nào nhận hàng. Máy tính, điện thoại cập nhật liên hồi, biết có sữa cho trẻ em giá khuyến mãi, lại hùn cùng chị em xóm đặt mua tiếp. Người quen có cá từ Bình Định giá rẻ, phải mua số lượng lớn, lại gom mua chung cùng tổ dân phố, có tình nguyện viên giao hàng phụ. 

Tôi đăng tin lên nhóm, bà con vô mua nhiều. Thôi thì tìm kiếm mọi cơ hội để xoay, lo thức ăn thôi cũng tháo vát, thạo tin và rành công nghệ mới được à! Lo tìm hàng, lo chốt đơn, liên hệ nhận hàng, lo cho mình và lo cho người xung quanh luôn thể. Tôi chuyển khoản trước ít tiền để người ta mua giúp, hy vọng mọi chuyện suôn sẻ để giao đầy đủ đến bà con.

Tôi cũng phải cảm ơn đến chị Đào, người mua thịt rẻ cho tổ, anh Lượng, chú Kim mua thực phẩm và hứa hỗ trợ cho người giao cá giúp. Thật cảm động khi 7h tối trời mưa, anh công an còn chở đậu côve đi giao cho các hộ, anh vội vàng nên đậu rớt lên rớt xuống nhìn mà thương. Rồi ba em tình nguyện viên 9h tối còn đi giao hàng. Dịch ơi qua mau, tình người còn lại.

Thanh Thanh (tổ 63, KP5, P.Linh Tây, Thủ Đức, TP.HCM)

Bữa ăn tối giản

Xem hình ảnh anh bộ đội vai ướt đẫm mồ hôi gõ cửa từng nhà dân giao hàng sau chuyến đi chợ mà không khỏi chạnh lòng. Tôi nghĩ đến việc tiết giảm mọi nhu cầu về cái ăn trong những ngày này để vơi áp lực và cũng bớt "làm khó" lực lượng phòng chống dịch hơn.

Trước dịch, nhà tôi ra chợ mỗi ngày để có đồ tươi ngon. Nhưng từ 20 ngày qua, tôi đặt theo combo của tổ dân phố, rau xanh tự trồng nhờ khoảnh đất cạnh nhà. Những bữa cơm chỉ quanh quẩn vài món "căn bản" như thịt kho, cá chiên, rau xào. Hai đứa trẻ không quen đồ ăn thời giãn cách nên ăn không ngon miệng. Nhưng chẳng có cách gì hơn!

Tôi tìm trên mạng cách chế biến các món ăn lạ để con mình có thể ăn ngon. Tôi ra vườn chăm bẵm khoảnh rau, tự muối dưa cà... Một tuần trôi qua, trẻ con cũng vui vẻ chấp nhận các bữa ăn tối giản ngày dịch. Phải thích ứng, biết cách chấp nhận, chúng ta "sống trong thời chiến" thì việc ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày không thể như "thời bình" được.

Trên mạng có rất nhiều câu chuyện về việc người dân đặt hàng nhờ đi chợ hộ nhưng đơn hàng dài mấy chục món. Tôi không hiểu cán bộ đi mua hàng giúp dân đó sẽ xoay xở thế nào với thực đơn ám ảnh như vậy. Bác tổ trưởng chỗ tôi nhận được gần chục đơn đi chợ của bà con mà có đơn ghi tới 24 món cần mua. Một người có tuổi như bác khó có thể đáp ứng, ông đành phải trả về cho "khổ chủ" và đề nghị lên đơn hàng tối giản, tối đa chỉ 5 món cần thiết nhất.

Dịch đã nhắc chúng ta chấp nhận sự không trọn vẹn để thích nghi. Chúng tôi cũng học được cách bớt nhu cầu, bớt chi tiêu, sáng tạo xoay xở trong khó khăn nhiều hơn và nghĩ cho người khác nhiều hơn chút nữa. Khi muốn mua hay thèm bất chợt một món gì, tôi lại hỏi: có cần thiết phải mua hay chưa, có dễ mua khi người khác mua giúp mình? Ngày khó thì phải nghĩ cho nhau để bớt phiền toái. Mỗi người biết ý một chút, tất cả khó khăn rồi cũng sẽ qua.

'Đi chợ hộ' vẫn quá tải, các phường nợ đơn liên tục, nhiều người đuối sức

TTO - "Hơn 10 ngày trước, tôi có đăng ký mua hộ qua phường nhưng đến nay mới tới lượt. Các phường vẫn đang quá tải và giải quyết đơn hàng của người dân đặt từ tuần trước" - chị Linh nói.

LINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên