17/12/2019 17:17 GMT+7

'Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ cách bán đặc sản cao cấp

N.AN
N.AN

TTO - Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng để các đặc sản vùng miền lên được quầy kệ tại các cửa hàng miễn thuế, các cửa hàng cao cấp ở sân bay, cần phải đề tên thương hiệu Việt Nam, thương hiệu vùng miền địa phương.

Vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ cách bán đặc sản cao cấp - Ảnh 1.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trao đổi về kinh nghiệm đưa hàng vào cửa hàng miễn thuế ở sân bay - Ảnh: CT

Đó là lời đề nghị của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đưa ra tại hội nghị "Kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP", do Bộ Công thương tổ chức ngày 17-12.

Ông Hạnh Nguyễn cho biết rất cần nguồn hàng lớn để cung cấp vào các cửa hàng miễn thuế, gian hàng quà tặng ở sân bay. Mặc dù đã làm việc với nhà cung cấp, yêu cầu số lượng và chất lượng nhưng không đơn giản.

Với khoảng 130 triệu khách lượt quốc nội và 30 triệu khách quốc tế qua các sân bay Việt Nam chính là tiềm năng lớn cho các đặc sản vùng miền giới thiệu và bán sản phẩm. 

Dẫn từ câu chuyện của người Philippines, ông Hạnh Nguyễn đưa ra lời khuyên là nên bán theo số lượng. 

Chẳng hạn, theo vị doanh nhân được biết đến là "Vua hàng hiệu" này, giỏ hàng của một thương hiệu ở Philippines bán tại sân bay được gói rất đẹp, lại còn khuyến mãi "mua 3 tặng 1" - một điều giúp người tiêu dùng phấn khích khi mua 4 sản phẩm mà chỉ phải trả tiền 3 sản phẩm. Do đó, theo ông Hạnh Nguyễn, sản phẩm của họ bán được số lượng lớn, thu hút được khách hàng.

Một trong những yêu cầu, theo ông Hạnh Nguyễn, là cần phải xây dựng các thương hiệu "mang tầm quốc tế", trái với việc nhiều đặc sản vùng miền hiện nay trên bao bì không ghi rõ thương hiệu Việt Nam mà chỉ đề tên nhà sản xuất khiến cho hiệu quả truyền thông và quảng bá không cao.

"Trong nội địa, ta khuếch trương thương hiệu của mình lên, nhưng khi ra nước ngoài thì quảng bá tên nước, tên tỉnh và chỉ nên để tên công ty rất bé. Ta để tên doanh nghiệp sản xuất rất lớn, mà quên không ghi quốc gia. Ra thị trường quốc tế thì phải ghi thương hiệu Việt Nam lớn lên, rồi ghi tên địa phương và cuối cùng mới xưng tên doanh nghiệp vì hàng trăm triệu tên công ty họ sẽ không quan tâm mà chỉ chú ý tên nước thôi" - ông Hạnh Nguyễn nói.

Dẫn thêm câu chuyện bán xoài hộp cách đây 6 tháng, ban đầu hàng rất đều và đẹp, in bao bì và mẫu mã hấp dẫn nhưng sau 6 tháng thì chất lượng đi xuống, bảo quản không tốt nên sản phẩm bị chuyển màu, không còn đồng đều, khiến khách hàng không lựa chọn, ông Hạnh Nguyễn nói: "Yếu tố quan trọng để hàng trụ được trên kệ, là mẫu mã, chất lượng đồng đều thì mới đáp ứng nhu cầu".

Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, với trọng tâm là phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tinh hoa, đặc biệt của mỗi vùng mà các địa phương khác không có, được chính quyền hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, vốn và thị trường nhằm mang lại giá trị gia tăng cao nhất.

Bà Lê Việt Nga - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết hàng hoá OCOP có các sản phẩm từ các nghệ nhân nhân dân có giá trị rất cao, hàng trăm triệu tới hàng tỉ đồng.

Ngoài việc kết nối đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ như BigC, SaigonCo-op, Bộ Công thương còn liên hệ với tour du lịch, các hệ thống cửa hàng bán lẻ cao cấp, sân bay, cửa hàng miễn thuế cũng như xây dựng gian hàng quốc gia Việt trên trang thương mại điện tử….

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên