25/10/2018 14:25 GMT+7

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Nguy cơ bất ổn cả khu vực

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Saudi Arabia đang ra sức giảm thiểu thiệt hại sau khi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi dần sáng tỏ khiến Mỹ và các nước phản ứng dữ dội.

Vụ sát hại nhà báo Khashoggi: Nguy cơ bất ổn cả khu vực - Ảnh 1.

Biểu tình ở Madrid, Tây Ban Nha, ngày 24-10 đòi ngưng mua bán vũ khí với Saudi Arabia - Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 23-10 chỉ trích vụ giết hại nhà báo Khashoggi là một trong những màn “che đậy tội ác tồi tệ nhất lịch sử”, sau khi Washington trừng phạt hơn 20 quan chức của đồng minh thân cận.

Giám đốc CIA tới Thổ Nhĩ Kỳ

"Chuyện này không nên xảy ra. Một cách hành xử tệ hại chỉ nghĩ đến thôi đã không nên. Ai đó đã thực sự gây chuyện. Và họ đã thực hiện màn che đậy tội ác tồi tệ nhất lịch sử" - tổng thống Mỹ nói và cho biết ông muốn được báo cáo toàn bộ về vụ giết hại nhà báo Khashoggi.

Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã tới Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp điều tra vụ việc và một số nguồn tin cho biết bà Haspel yêu cầu được nghe đoạn ghi âm ghi lại vụ giết người.

Trong động thái đầu tiên, Washington ngày 23-10 cũng thông báo sẽ hủy thị thực của 21 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ giết hại ông Khashoggi. Các đối tượng này thuộc các cơ quan tình báo, tòa án hoàng gia, bộ ngoại giao... của Saudi Arabia.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, nước này đã "xác định ít nhất một số cá nhân" đứng sau và khẳng định đây chưa phải là động thái cuối cùng.

"Sự trừng phạt này không phải là lời cuối của Mỹ về vấn đề này. Chúng tôi muốn thể hiện rõ rằng Mỹ sẽ không dung thứ hành động tàn nhẫn bịt miệng nhà báo Khashoggi bằng bạo lực" - ông Pompeo nhấn mạnh.

Nhiều nước cũng phản ứng mạnh mẽ trước vụ giết người. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và nghiêm túc về cái chết của nhà báo Khashoggi.

Ngoại trưởng các nước G7 cũng "lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất" và kêu gọi Riyadh phải đảm bảo vụ việc như vậy không bao giờ tái diễn. Cứng rắn nhất là Đức đã tuyên bố phong tỏa tất cả thỏa thuận mua bán vũ khí với Saudi Arabia và kêu gọi các đồng minh hành động tương tự.

Trong khi Đan Mạch hủy chuyến công du của các chính trị gia đến Saudi Arabia và triệu tập đại sứ nước này đến giải trình. Hàng chục doanh nghiệp và chính trị gia cũng tẩy chay một hội nghị đầu tư tại Riyadh để phản đối.

Chỉ trích gay gắt nhất vẫn là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ông Erdogan ngày 24-10 khẳng định sẽ trừng trị những người đứng sau vụ giết nhà báo Khashoggi ngay tại Istanbul.

Theo Ankara, vụ giết người được lên kế hoạch từ nhiều ngày trước trong khi Riyadh cho rằng ông Khashoggi đã tử vong sau một cuộc ẩu đả trong Lãnh sự quán Saudi Arabia hôm 2-10.

Nguy cơ bất ổn

Saudi Arabia đến nay vẫn ra sức giảm thiểu tổn thất, bao gồm mời Salah - con trai ông Khashoggi - đến chia buồn. Tuy nhiên, những thiệt hại có thể còn lớn hơn nếu nghi vấn thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ này được xác định.

"Ông ta điều hành mọi thứ và nếu có ai liên quan thì đó là ông ta" - Tổng thống Trump nói ngày 23-10. Trên tờ Wall Street Journal, ông Trump cho biết đã hỏi thẳng thái tử 32 tuổi của Saudi Arabia nhưng ông Salman phủ nhận. "Tôi thực sự muốn tin ông ta" - tổng thống Mỹ nói.

Không chỉ Saudi Arabia đối mặt với cuộc khủng hoảng, sự ổn định của cả khu vực Ả Rập có nguy cơ bị lung lay.

"Tình hình đẩy khu vực vào thế tiến thoái lưỡng nan bởi sự bất ổn có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ với Mỹ về lâu dài" - Washington Post dẫn lời quan chức cấp cao một nước vùng vịnh Ba Tư, lo ngại về nguy cơ an ninh nếu Mỹ rút khỏi quan hệ đồng minh với Riyadh, một cầu nối giữa thế giới Ả Rập với Mỹ, và "Iran sẽ có cơ hội gây bất ổn".

Đến nay, nhiều nước láng giềng như Bahrain, Kuwait, Ai Cập và Jordan đều nhất mực ủng hộ Saudi Arabia.

Mọi việc phụ thuộc vào động thái tiếp theo của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, người đến nay vẫn nắm chắc cờ trong tay. Ankara đã liên tục gây sức ép lên chính quyền Saudi Arabia, gieo rắc cáo buộc đối với Riyadh và được cho là đã rò rỉ vô số tin tức sốt dẻo cho cánh truyền thông.

"Những thông tin nóng như vậy vốn từ các cơ quan an ninh và nhắm vào một đối trọng lớn trong khu vực, sẽ không được công bố mà không có sự chấp thuận từ phía trên - nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Ilhan Tanir nhận định - Chuyện gì xảy ra tiếp theo sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ông Erdogan".

Anh hủy thị thực các nghi can sát hại nhà báo Khashoggi

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 24-10 cho biết nước này sẽ chặn những đối tượng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi nhập cảnh. "Bộ Nội vụ đang hành động chống tất cả nghi can trên, ngăn chúng vào Anh. Nếu những đối tượng đó đã có thị thực, chúng sẽ bị hủy trong hôm nay" - AFP dẫn lời Thủ tướng May.

Tuy nhiên khi được hỏi liệu London cũng sẽ phong tỏa các thỏa thuận mua bán vũ khí với Saudi Arabia như Đức đã làm trước đó hay không, bà May cho biết đang xem xét lại chính sách mua bán với Riyadh. Còn Pháp cho biết sẽ có hành động cụ thể một khi xác định được vai trò của Saudi Arabia trong vụ giết hại ông Khashoggi.

Một số nguồn tin từ điện Elysee ngày 24-10 nói Paris sẽ "không đưa ra quyết định hấp tấp về tương lai của mối quan hệ chiến lược của mình". Úc cũng để ngỏ khả năng xem xét lệnh cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: nhà báo Khashoggi bị chính phủ Saudi Arabia mưu sát Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: nhà báo Khashoggi bị chính phủ Saudi Arabia mưu sát

TTO - Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan nói các quan chức Saudi Arabia đã lên kế hoạch sát hại nhà báo Jamal Khashoggi từ nhiều ngày trước cái chết của ông tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên