23/05/2009 06:20 GMT+7

"Vú nuôi" rong nho biển

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Ngụp lặn với nước biển 4-6 giờ mỗi ngày, thay nước biển định kỳ cho rong nho phát triển tốt, tỉ mỉ phân loại từng nhánh rong nho biển sau khi thu hoạch... Đó là công việc của các “vú nuôi” rong nho biển, một công việc khá mới mẻ hiện nay.

1HFo9DWJ.jpgPhóng to

Một “vú nuôi” làm vệ sinh đìa nuôi trồng rong nho biển - Ảnh: N.N.

Cứ chừng vài ba phút anh Nam (30 tuổi, quê Đồng Nai) ngoi đầu lên cho những chùm rong nho xanh mọng vào giỏ và mở kính lặn ra lấy hơi để thở. “Rong lứa này mượt và to quá, cho bõ công chăm sóc mấy tháng nay”.

“Sống với biển nhìn lên thấy núi”

* Kỹ sư Lê Bền (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho biết do khí hậu nước ta phù hợp với loại rong nho biển này nên khi đem giống từ Nhật về, rong nho biển phát triển rất tốt, cho trái to hơn và năng suất cao hơn.

* Giá rong nho biển xuất sang thị trường nước ngoài hiện nay (chủ yếu là Nhật) từ 8-10 USD/kg. Còn giá bán cho các đại lý trong nước là 130.000 đồng/kg. Rong nho được dùng như một loại rau ăn kèm trong các bữa cơm, được nhiều người Nhật ưa chuộng vì tính bổ dưỡng của nó.

Trước đây anh Nam từng làm qua nhiều nghề nhưng khá chật vật. Có lẽ việc chăm sóc rong nho biển tại thôn Đông Hà, xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) khiến anh hài lòng nhất, từ mức lương cho đến môi trường làm việc. “Năm ngoái nghe nói ở quê cần thợ trồng rong nho biển, dù chưa hình dung được công việc thực tế ra sao nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử sức...” - anh Nam cho biết. “Kết quả thế nào?”. Anh Nam cười: “Mới làm một năm mà có vẻ thấy “kết” nó rồi”. Công việc hằng ngày của anh là lặn xuống nước kiểm tra sự phát triển của rong nho, làm vệ sinh lòng hồ và thu hoạch rong nho trưởng thành.

“Mỗi tháng lương được 2,5 triệu đồng, chi phí sinh hoạt nơi này thấp nên cũng dư được ít nhiều” - Nguyễn Hà Ngọc Phúc (24 tuổi, quê Khánh Hòa), một thợ lặn chăm sóc rong nho biển khác, cho biết. Trước đây Phúc làm nghề nuôi tôm tại xã Ninh Hải, cái nghề mà theo anh là “đánh số đề” với ông trời. Từ khi trong vùng xuất hiện cơ sở trồng rong nho biển, Phúc xin vào làm “vú nuôi”. “Sống với biển, nhìn lên lại thấy núi xanh bạt ngàn nên tôi thấy mình yêu thiên nhiên hơn, tinh thần xem ra thoải mái hơn” - anh Phúc nói.

Đặng Ngọc Cảnh (37 tuổi), một nhân viên kỹ thuật, cho biết do rong nho biển chỉ sinh trưởng tốt trong vùng nước biển sạch nên địa điểm trồng phải cách khu dân cư và các cơ sở sản xuất khác. Nguồn nước dùng để trồng rong nho biển phải được thay đổi định kỳ theo thời tiết, ít nhất mỗi tháng một lần. Đìa trồng rong nho biển của công ty anh được cải tạo từ các đìa nuôi tôm cũ và đã qua xử lý không còn nhiễm các tạp chất khác.

“Quá trình xử lý nước biển trước khi đưa vào nuôi trồng được tiến hành rất công phu - anh Cảnh cho biết - Ngoài ra, người nuôi trồng phải theo dõi rong nho từng ngày để kịp thời xử lý những thay đổi trong sự phát triển của chúng, phải tỉ mỉ giống như làm “vú nuôi” chăm sóc em bé vậy”.

QJA3TVzw.jpgPhóng to
Một nữ công nhân phân loại sản phẩm sau khi thu hoạch -Ảnh: N.N.

“Ba đẻ ba nuôi, má bận quần bận áo”

Sau khi thu hoạch, rong nho biển được cho vào các máy quay ly tâm để làm sạch rồi chuyển đến bộ phận phân loại rong. Việc nuôi trồng và nhân giống ở ngoài đìa cần những công nhân nam lặn giỏi, chịu đựng nắng mưa.

Trong khi đó những công nhân làm khâu phân loại đều là nữ bởi công đoạn này đòi hỏi thao tác nhẹ nhàng, chỉn chu để rong không bị giập. Đó là công việc như “mặc áo” cho rong để đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều anh chị em nơi đây ví von: “Ba đẻ ba nuôi, má bận quần bận áo”.

Cọng rong được cắt thành những đoạn dài 8cm, sau đó đóng gói thành phẩm. Hiện nay có hai sản phẩm chính từ rong nho biển là rong tươi và rong muối. Rong tươi được đóng hộp xuất đi ngay, còn rong muối được bảo quản trong dung dịch nước muối nên có thể để lâu hơn. Chị Trần Thị Kim Dương (19 tuổi) gắn bó với nghề “loại xấu lấy tốt” này hơn một năm nay khoe: “Công việc nhẹ nhàng, tháng được gần triệu đồng cũng đủ trang trải cuộc sống và phụ giúp các em ở nhà ít tiền ăn học. Mỗi ngày làm đúng tám tiếng, chủ nhật nghỉ nên tôi có thời gian lo việc nhà và đi buôn bán kiếm thêm thu nhập”.

Còn với các nữ công nhân khác như chị Nguyễn Thị Diệu (28 tuổi), Nguyễn Thị Phú (18 tuổi), Lê Thị Doanh Doanh (25 tuổi) thì việc hằng ngày được tiếp xúc với rong nho biển khiến họ cảm thấy “yêu” loài rong này từ lúc nào không hay. “Đây là một loại sản phẩm khá mới, làm nghề này nhiều khi nói ra không ai biết mình làm gì. Nâng niu những cọng rong nho mình có cảm giác vừa lạ vừa thân thuộc...” - các cô công nhân chia sẻ.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên