19/03/2018 14:28 GMT+7

Vụ Mobifone mua AVG: Không thể 'mật hóa' đầu tư công

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TTO - Việc đóng dấu mật vào hồ sơ của thương vụ Mobifone mua AVG gần 9.000 tỉ đồng liệu có bình thường? Có nên bắt các công ty tư vấn thổi giá phải chịu trách nhiệm?

Vụ Mobifone mua AVG: Không thể mật hóa đầu tư công - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng bản chất của thương vụ Mobifone mua AVG là cơ quan nhà nước mua quyền kiểm soát gần như là tuyệt đối (95%) một doanh nghiệp tư nhân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông PHẠM DUY NGHĨA cho biết:

- Xét về khía cạnh doanh nghiệp, rõ ràng họ đã quá giỏi trong chiến lược chào bán giá hợp lý nhất.

Nhưng về phía cơ quan nhà nước, chúng ta lại có nhiều câu hỏi: Thứ nhất, liệu thương vụ này có cần thiết để Nhà nước bỏ ra số tiền lớn là gần 8.900 tỉ đồng để mua cổ phần của công ty này hay không? Thứ hai, quy trình mua đã diễn ra như vậy có đủ minh bạch, ổn chưa? Và cuối cùng, mức giá của thương vụ có tương xứng? Đây là câu chuyện của quản lý công sản.

Vụ Mobifone mua AVG: Không thể mật hóa đầu tư công - Ảnh 2.

Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) có trụ sở tại số 465B Hoàng Hoa Thám, Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

* Theo ông, những trường hợp nào Nhà nước nên tham gia kinh doanh, hay hiểu nôm na là bỏ vốn ra mua doanh nghiệp khác trên thị trường?

- Trong quản lý điều hành, Nhà nước sẽ tham gia kinh doanh những khu vực mà tư nhân không làm được hoặc làm không tốt để giảm bớt khuyết tật của thị trường, hoặc để điều tiết công bằng, ổn định xã hội.

Trong thương vụ Mobifone mua AVG vốn là công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền hình, cần xác định nhu cầu can thiệp của Nhà nước là như thế nào?

Trên thực tế, Việt Nam không cam kết tư nhân hóa các lĩnh vực truyền hình, báo chí, in ấn... Tuy vậy, thời gian qua, hoạt động của khối tư nhân trong các ngành này rất sôi động dưới hình thức xã hội hóa.

Chúng ta thấy khu vực tư nhân ẩn sau rất nhiều hợp đồng liên kết với các nhà in, hay tư nhân đầu tư vào các chương trình truyền hình mà thực ra họ mua quyền phát sóng, tương tự ngay trong lĩnh vực báo chí, rất nhiều ấn bản liên kết...

Những hình thức này cũng tương tự tư nhân đầu tư vào hạ tầng, đường sá, do đó cần phải thảo luận lại liệu truyền hình có cần phải để Nhà nước quản lý 100%.

Khi có đề xuất mua AVG, có ý kiến của nhiều bộ ngành cho rằng truyền hình là lĩnh vực nhạy cảm, không thể để nhà đầu tư nước ngoài mua được, nhưng việc mua lại hay đầu tư mới cái nào cần thiết hơn?

Vụ Mobifone mua AVG: Không thể mật hóa đầu tư công - Ảnh 3.

Ông Phạm Duy Nghĩa - Ảnh: N.B

“Chúng ta có thể đặt ra những nghi vấn không hẳn cơ quan nhà nước thiếu năng lực, mà là hành vi lợi ích nhóm, dùng thương vụ này để tham nhũng tài sản quốc doanh

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa

* Đã có tranh cãi nhiều về quy trình mua doanh nghiệp tư nhân này, đặc biệt là yếu tố mật hóa thương vụ mua bán, ông nghĩ gì về điều này?

- Trên cơ sở đề nghị của Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công an đã nhất trí đưa các tài liệu của thương vụ mua bán này trong danh mục các tài liệu bí mật, mức độ "mật". Việc "mật hóa" thương vụ cũng dấy lên suy nghĩ đầu tư công không thể công khai được nữa.

Nếu diễn ra bình thường, thương vụ cần trải qua quá trình kiểm duyệt và thảo luận. Khoản đầu tư gần 9.000 tỉ đồng này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi, được nhiều người biết đến hơn.

Khi được "mật hóa", thương vụ đó đồng nghĩa không được tiết lộ, ngăn cản mọi người tiếp cận, tranh luận. Việc mua sắm tài sản lớn như thế từ tiền túi của Nhà nước mà hạn chế sự tham gia của công chúng cũng như giới chuyên gia thảo luận thông qua dấu mật có bình thường?

Vụ Mobifone mua AVG: Không thể mật hóa đầu tư công - Ảnh 5.

* Trường hợp này, "mật hóa" đem lại những rủi ro nào, thưa ông?

- Các nước khác, các điều lệ dành cho doanh nghiệp nhà nước cũng hết sức chặt, khắt khe. Bản chất doanh nghiệp nhà nước phải chịu giám sát mạnh mẽ hơn các loại hình doanh nghiệp khác như công ty cổ phần đại chúng.

Một công ty niêm yết có đến vài ngàn cổ đông đã đòi hỏi sự minh bạch tài chính khắt khe, nhưng một doanh nghiệp nhà nước, bản chất cổ đông chính là nhân dân, là hàng triệu người dân thì đáng ra họ phải chịu giám sát sát sao hơn gấp nhiều lần.

Đáng ra những thương vụ lớn lên đến 9.000 tỉ đồng như mua AVG, tương đương đóng góp ngân sách của nhiều tỉnh thành, cần phải có ý kiến, sự can thiệp của Quốc hội, sau đó phải trải qua quy trình đấu thầu vô cùng chặt chẽ.

Tôi tin nếu không bị "mật hóa" sẽ có nhiều ý kiến khác nhau và người quyết định mua phải đưa ra nhiều lý lẽ thuyết phục hơn, khi đó những thiệt hại kiểu của các giao dịch bất thường sẽ không xảy ra.

Giá mà đừng "mật" để nhiều người biết hơn, nhiều ý kiến phản biện, lúc đó lòng tham của những người thực hiện cũng sẽ bị khống chế.

* Chúng ta đang hình thành những công ty quản lý tài sản công, làm sao để những thương vụ diễn ra sau này tạo được lòng tin của người dân?

- Trên thế giới không thiếu những mô hình công ty nhà nước quản lý vốn và không thiếu công ty hoạt động có lãi.

Luật chúng ta đã có, nhưng luật pháp có giới hạn của nó. Muốn bớt những thương vụ như vậy, tôi cho rằng chúng ta nên kiểm soát quyền công an đóng dấu mật các dự án đầu tư.

Phải hiểu rằng tiền của dân thì dân có quyền được biết nó sử dụng như thế nào. Nói dân ở đây thì có vẻ đông, nhưng đó phải là những người có hiểu biết, có trách nhiệm liên quan, có kinh nghiệm, kiến thức, có thể phản biện trước các khoản đầu tư đó. Tương tự, báo chí phải có quyền tiếp cận thông tin, đưa tin...

Với những khoản đầu tư, phải minh bạch chủ trương đầu tư, thảo luận ý nghĩa chính trị chủ trương cũng đảm bảo năng lực đàm phán tốt nhất có thể của cơ quan đi mua. Và quan trọng nhất là phải có người chịu trách nhiệm.

Nếu xảy ra thiệt hại thì phải có phương án đền bù, ví dụ người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về chính trị. Nhà tư vấn chuyên môn nếu tư vấn không dựa trên những chuẩn mực của nghề thì chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho Nhà nước.

* Theo ông, trách nhiệm của các nhà tư vấn như thế nào trong thương vụ này?

- Truy trách nhiệm của công ty tư vấn theo chuẩn mực nghề, nếu công ty đó vi phạm thì phải đền bù cho Nhà nước. Liệu chúng ta đã bỏ qua nhiều yếu tố để đánh giá đúng giá trị của doanh nghiệp mình sắp mua? Nếu xác định Nhà nước nghe theo lời tư vấn của doanh nghiệp mà bị thiệt hại thì công ty tư vấn phải bồi thường.

AVG được thổi giá lên tới 33.299 tỉ đồng như thế nào? AVG được thổi giá lên tới 33.299 tỉ đồng như thế nào?

TTO - Mobifone mua 95% cổ phần của AVG với giá 8.889 tỉ đồng, nhưng dưới bàn tay của các "phù thủy", AVG được định giá cao gấp đôi, gấp 3, thậm chí 33.299 tỉ. Họ đã làm điều đó như thế nào?

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên