10/04/2020 16:12 GMT+7

Vụ công hàm Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc: Luật pháp sẽ thắng 'luật rừng'

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Tồn tại nhiều khác biệt trong vấn đề Biển Đông nhưng Việt Nam, Philippines và Malaysia vẫn gắn kết một cách tự nhiên theo góc độ đặt trọng tâm sâu sắc vào luật pháp quốc tế.

Vụ công hàm Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc: Luật pháp sẽ thắng luật rừng - Ảnh 1.

Tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm tại bãi Cỏ Rong ngoài khơi Philippines hồi tháng 6-2019, buộc 22 ngư dân phải nhảy xuống biển thoát thân - Ảnh: Cảnh sát biển Philippines

Sau khi Trung Quốc lấy tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông để phản bác các công hàm của Philippines và Malaysia, phái đoàn thường trực Việt Nam ngày 30-3 đã có công hàm bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi pháp ấy tại Liên Hiệp Quốc.

"Luật lệ dựa trên luật pháp sẽ có lợi cho Việt Nam, Philippines và Malaysia hơn nhiều so với luật rừng, nơi kẻ mạnh săn đuổi và chiến thắng kẻ yếu", PGS Jay Batongbacal - giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines) - khẳng định với Tuổi Trẻ.

Việt Nam đã hành động phù hợp bằng cách ra công hàm phản đối. Điều này sẽ ngăn không để tuyên bố hoặc bất kỳ hành động nào của Trung Quốc trở nên có hiệu lực pháp lý và từ đó ngăn nguy cơ sau này có chuyện ai đó ghi nhận rằng Việt Nam đã từng chấp nhận lập trường của Trung Quốc trong bất kỳ thời điểm nào đó.

PGS Batongbacal

Việt Nam, Philippines "cùng tông"

Công hàm của Việt Nam đề ngày 30-3 nhưng đến ngày 7-4 thông tin này mới được phổ biến. Vô tình hay hữu ý, đây cũng là quãng thời gian Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc tới vụ việc tàu cá Quảng Ngãi (Việt Nam) bị Trung Quốc đâm chìm ở vùng nước gần Hoàng Sa từ ngày 2-4.

Một chuỗi những diễn biến liên tiếp này gợi ra một câu hỏi: phải chăng các nước Đông Nam Á liên quan tới Biển Đông đang đoàn kết chống lại chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc?

Câu trả lời là có. Nhưng sẽ không đơn giản như vậy. Giới quan sát Biển Đông lâu năm thừa hiểu bản thân Việt Nam, Philippines hay Malaysia vẫn tồn tại khác biệt trong vấn đề chồng lấn chủ quyền.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Carl Thayer - nhà nghiên cứu kỳ cựu của khu vực - cho biết sở dĩ nội dung đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) rất khó được thông qua cũng vì bản thân nó không định nghĩa được khu vực hàng hải ở Biển Đông mà nó sẽ áp đặt tính ràng buộc, bởi nội bộ Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng chưa nhất trí về hiện trạng.

Ông Thayer lưu ý rằng trong một công hàm ngày 12-12-2019, Malaysia liên tục khẳng định đó là bản đệ trình một phần, và được thực hiện "không ảnh hưởng tới việc phân định thềm lục địa" và "không ảnh hưởng tới lập trường của các nước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ hoặc lãnh hải".

"Điều đó để ngỏ khả năng Malaysia, Philippines và Việt Nam có thể phân định khu vực chồng lấn để giải quyết tranh chấp. Philippines và Việt Nam hiện "cùng tông" đối với chuyện tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài (ở The Hague, Hà Lan) bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Một lập trường nhất trí của ba nước sẽ phục vụ cho việc cô lập Trung Quốc về chính trị nhưng không thay đổi hiện trạng trên thực địa" - GS Thayer nói với Tuổi Trẻ.

Tương tự, PGS Jay Batongbacal - một chuyên gia về Luật biển và có tiếng nói uy tín đối với lập trường biển đảo của Philippines - cũng khẳng định Việt Nam, Philippines và Malaysia không phải đang "đoàn kết" chống lại Trung Quốc nếu hiểu theo lẽ thường. "Rõ ràng mỗi nước vẫn hành động độc lập với nhau và không nhất thiết nhất trí với từng chi tiết khi đưa ra một lập trường đơn nhất đối diện với Trung Quốc" - ông nhận xét.

Bàn về khả năng Việt Nam, Malaysia và Philippines tìm thấy một lập trường chung để phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, PGS Batongbacal cho rằng ông chưa xem lập trường của các nước vừa qua là "đoàn kết" theo nghĩa ba nước đã "nhất trí một cách có ý thức" để cất lên tiếng nói duy nhất, hoặc đưa ra một lập trường chung nhất trong các tranh chấp.

"Tôi nghĩ chúng ta chưa đến thời điểm cố ý và chủ động phối hợp cho các quyết định, chính sách và hành động về vấn đề này. Nhưng tôi cho rằng cái chúng ta đang chứng kiến là một sự nhất quán tự nhiên, hợp lôgic trong lập trường của mỗi bên, vốn dĩ đang là kỳ vọng vì tất cả đều cam kết với quy định pháp luật và đang đặt trọng tâm sâu sắc vào luật pháp quốc tế" - ông nói.

Theo ông Batongbacal, chú trọng luật quốc tế là điều hợp lẽ vì Việt Nam, Philippines hay Malaysia đều là nước nhỏ, đang phát triển với sức mạnh quân sự và chính trị còn hạn chế hơn các nước lớn. Việc tuân thủ luật pháp, đứng về lẽ phải là điều kiện và nhu cầu hiển nhiên để đảm bảo lợi ích.

"Đối với các nước này, tuân thủ luật pháp quốc tế đã được đồng thuận và áp dụng lên tất cả mọi người là yêu cầu cần thiết để họ đảm bảo sự độc lập và chủ quyền" - vị PGS của Philippines nhấn mạnh.

Vụ công hàm Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc: Luật pháp sẽ thắng luật rừng - Ảnh 3.

Công hàm Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc ngày 30-3-2020 nhằm phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông

Đấu tranh để khẳng định chính nghĩa

Trả lời báo chí tại họp báo chiều 9-4 liên quan đến công hàm mới nhất gửi Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết việc lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc là bình thường, thể hiện lại lập trường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

"Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này", bà Hằng nói. Đồng thời tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là "giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, như đã được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".

Công hàm ngày 30-3 của Việt Nam được các học giả quốc tế nhận xét là một động thái đúng đắn, phù hợp và cần thiết trong việc bảo vệ lợi ích của Việt Nam trên biển.

Theo GS Thayer, Việt Nam phải tiếp tục phản đối bất kỳ hành động nào của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. "Rất cần cung cấp một dấu vết pháp lý trên giấy để chứng minh tính nhất quán (trong lập trường về Biển Đông - PV) trong một thời gian dài" - ông Thayer nói.

Cả GS Thayer lẫn PGS Batongbacal đều cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và có thể thắng thậm chí trong trường hợp kiện Trung Quốc. Tuy nhiên để đảm bảo thành công, Việt Nam cần triển khai một chiến lược sâu rộng, kết hợp sự ủng hộ từ các nhân tố khác.

"Những vi phạm mới nhất của Trung Quốc, ví dụ đưa giàn khoan vào khu vực tranh chấp hàng hải, triển khai nghiên cứu khoa học trên biển ở vùng đặc quyền kinh tế của nước khác và đâm chìm tàu cá nước khác, có thể là cơ sở cho những đơn kiện trong tương lai.

Tuy nhiên, lưu ý rằng một đơn kiện chỉ là công cụ pháp lý. Việc dùng biện pháp này cần phải được cân nhắc và phối hợp với những hành động ngoại giao và chính trị, vốn phải được tiến hành đồng thời và độc lập trong giai đoạn vụ kiện được xử. Bên kiện phải xem nó là một phần trong một chiến lược rộng lớn hơn.

Vì thế, bất kỳ động thái hay diễn biến nào trong vụ kiện cũng phải phối hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc và các khía cạnh khác trong mối quan hệ song phương này" - nhà nghiên cứu Philippines nhận định.

Công hàm gửi Liên Hiệp Quốc để làm gì?

Công hàm ngoại giao là một hình thức tuyên bố chính thức do một quốc gia đưa ra, trong đó chứa đựng quan điểm chính thức và có giá trị pháp lý hướng tới một vấn đề nào đó. Trong trường hợp Biển Đông, công hàm ngày 30-3 của Việt Nam chính là quan điểm chính thức của Việt Nam về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Công hàm này đặc biệt quan trọng vì đây là cách Việt Nam đánh dấu căn cứ pháp lý quan trọng về sau. Nói cách khác, nếu Việt Nam im lặng, tức không gửi công hàm phản đối, khi ấy Việt Nam mặc nhiên công nhận công hàm trước đó của Trung Quốc - chứa nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông.

GS Thayer giải thích: "Theo Quy tắc về thủ tục của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS), ủy ban này có thể nhận đệ trình từ một quốc gia nhằm mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý. Tuy nhiên, nếu các nước khác phản đối, CLCS không thể tiến hành các bước phê chuẩn tiếp theo. Các quốc gia liên quan tới tranh chấp phải tự giải quyết tranh chấp".

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xử nghiêm, bồi thường vụ đâm chìm tàu cá ở Hoàng Sa Việt Nam yêu cầu Trung Quốc xử nghiêm, bồi thường vụ đâm chìm tàu cá ở Hoàng Sa

TTO - Việt Nam trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Quảng Ngãi ở Hoàng Sa.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên