01/04/2017 12:38 GMT+7

Vòng đeo hạt rừng từ vườn Núi Chúa

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - Mùa khô ở Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, lá cây không rụng mà khọp lại, giòn rụm. Lách qua bụi mọc xen đá núi, những người phụ nữ Raglai dang nắng đi lượm hạt rừng với giá 25.000 đồng/kg.

Chị Biểu (trái) có tay nghề khoan, xỏ hạt cây rừng giỏi nhất thôn Cầu Gãy. Chế tác từ hạt cây rừng là một phần nguồn sống mỗi ngày của gia đình chị và 26 chị em trong thôn - Ảnh: T.HÂN
Chị Biểu (trái) có tay nghề khoan, xỏ hạt cây rừng giỏi nhất thôn Cầu Gãy. Chế tác từ hạt cây rừng là một phần nguồn sống mỗi ngày của gia đình chị và 26 chị em trong thôn - Ảnh: T.HÂN

“Tôi nghĩ sản phẩm này có tương lai vì mang đậm bản sắc địa phương. Vĩnh Hy, Hang Rái là những địa điểm du lịch nổi tiếng, chỉ cần 10% du khách đến đây mua sản phẩm là cộng đồng đủ sống

Anh LƯƠNG ĐỨC THIỆN

Hạt cam thảo, bồ đề, gõ đỏ, mắt mèo bung ra từ lớp vỏ sần sùi rơi vãi đầy vùng sơn cước. Người già, trẻ nhỏ lượm về bán lại cho tổ thủ công mỹ nghệ ở thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận).

Qua bàn tay khéo léo của chị em người Raglai, hạt cây rừng trở thành món trang sức óng màu nắng biển.

Kiểm lâm giúp mang hàng ra chợ

Nằm gần vịnh Vĩnh Hy, Cầu Gãy là một trong hai thôn dân tộc thiểu số được động viên di dời từ vùng lõi ra vùng đệm VQG sinh sống. Để hỗ trợ sinh kế cho người dân, cuối năm 2010 Hội Phụ nữ tỉnh Ninh Thuận và Viện Sinh học nhiệt đới đã hướng dẫn chị em làm vòng tay, dây chuyền, tràng hạt, móc khóa... từ hạt cây rừng.

Kỳ công mót lượm, khoan lỗ, đánh bóng, xỏ từng hạt nhỏ, mỗi chị em nhận tiền công 5.000 - 15.000 đồng/sản phẩm. Chuỗi hạt đến tay người tiêu dùng có giá 10.000 - 60.000 đồng, tùy loại. Siêng năng nhất nhóm thợ, chị Cao Thị Biểu có thể làm hàng trăm sản phẩm trong ba ngày.

“Khi hàng đặt nhiều, trong 3 ngày mình kiếm được hơn 700.000 đồng - chị nói - Lo rẫy điều, cơm nước, con cái xong thì tập trung làm hột. Ráng làm để có tiền cho bốn đứa con đi học”.

Sinh kế từ hạt cây rừng là một phần nguồn sống mỗi ngày của gia đình chị Biểu và 26 chị em trong thôn Cầu Gãy.

Là người đứng bán và giới thiệu sản phẩm giúp những người dân Raglai, anh Nguyễn Ngọc Hân - kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm VQG Núi Chúa - giải thích tường tận để khách khỏi lầm chuỗi hạt rừng làm thủ công với hạt nhựa nhân tạo.

Tiền lời không nhiều, nhưng nhóm cố gắng giữ chân khách bằng sự quan tâm và chân thành của những người thợ Raglai.

Lượm hạt rừng xâu thành chuỗi đeo tay là công việc kiếm thêm thu nhập của đa số phụ nữ Raglai ở đây, do đó cũng rất phập phù. Sáu năm duy trì với nhiều đơn vị và nguồn lực giúp đỡ, mô hình vẫn bấp bênh dù sản phẩm đầy tiềm năng du lịch và mỹ thuật. Thiếu thị trường tiêu thụ là bài toán đặt ra chưa giải được.

Trong hai năm đầu, các chuỗi hạt được nhà chùa mua, chủ yếu cho phật tử. Năm 2013 - 2014, thị trường bão hòa, người viếng chùa ưu tiên chọn vòng tay làm từ gỗ quý, mang màu sắc phong thủy.

Tổ trưởng tổ thủ công mỹ nghệ Cao Thị Thủy lặn lội ra Nha Trang, Phan Thiết, Lâm Đồng kiếm nguồn mua mới nhưng không khả quan. Kiểm lâm viên Nguyễn Ngọc Hân còn nhận mua, đem vào TP.HCM bán sỉ, bán lẻ từ đầu năm 2016.

“Mua sản phẩm cho bà con là động viên họ bớt vào rừng khai thác - anh Hân chia sẻ - Có sinh kế ổn định, có thêm thu nhập, bà con hạn chế hầm than, đốn củi, tìm đào cây thuốc, cây cảnh bán cho đầu nậu lâm sản. Một phần tiền lời dùng để mua quà, tổ chức vui chơi cho trẻ em trong thôn”.

Sinh kế nhiều nhưng không bền vững

Anh Nguyễn Khắc Giác, đại diện VQG Núi Chúa, cho biết sinh kế tạo ra cho đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhưng không bền vững. Trong nhiều năm, các chính sách hỗ trợ và dự án phát triển cộng đồng tại VQG đều ưu tiên cho thôn Cầu Gãy và Đá Hang.

Bà con tiếp cận, được hướng dẫn làm đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng, nuôi ong lấy mật, chăn nuôi, trồng điều, làm porter, khoán giữ rừng... Các dự án chỉ tập huấn và hỗ trợ bước đầu, nhưng sau đó bà con không tự duy trì vì nhiều nguyên nhân.

Từng tư vấn cho mô hình, anh Lương Đức Thiện, cán bộ nghiên cứu Viện Sinh học nhiệt đới, nói “người dân tộc thiệt thà không quen mua bán” là câu cửa miệng của nhiều người Raglai ở đây. Họ chưa thích nghi với làm dịch vụ, chỉ mặc định công việc có thể kiếm tiền chỉ là hái củi, lượm phân bò, hái cà phê mướn...

Chỉ một số ít con em học hành đến nơi đến chốn, tác phong chuyên nghiệp mới đạt yêu cầu làm việc tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch trong vùng. Đa số còn lại vẫn sống nhờ lâm sản ngoài gỗ như cây thuốc, lan rừng, mật ong để đắp đổi qua ngày.

“Kiếm thị trường bền vững cho mô hình này là việc nên làm và phải làm - anh Thiện chia sẻ sau một thời gian gắn bó với nhóm thủ công mỹ nghệ thôn Cầu Gãy - Tôi nghĩ sản phẩm này có tương lai vì mang đậm bản sắc địa phương.

Vĩnh Hy, Hang Rái là những địa điểm du lịch nổi tiếng, chỉ cần 10% du khách đến đây mua sản phẩm là cộng đồng đủ sống”.

Có tiềm năng nhưng đìu hiu

Do không có thị trường tiêu thụ ổn định, 27 người thợ Raglai phải chờ khách đặt hàng mới có việc làm. Hơn 20 máy đánh bóng, máy khoan đóng bụi, hư hỏng không ai sửa. Nhà trưng bày khang trang luôn khóa cửa vì không một bóng người tham quan, dù sát bên là suối Lồ Ồ thu hút nhiều du khách mỗi ngày.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên