21/12/2017 20:17 GMT+7

Volvo Ocean Race - 'Hành trình marathon' thách thức biển cả

HUY ĐĂNG - Ảnh: Volvo Ocean Race
HUY ĐĂNG - Ảnh: Volvo Ocean Race

TTCT - 45.000 hải lý (hơn 83.000km) trên biển, xuyên qua 4 đại dương, trải qua 6 lục địa và cập bến 12 cảng biển, đó là một cuộc phiêu lưu có thật của những thủy thủ gan dạ, những người tham dự vào cuộc đua Volvo Ocean Race 2017.

Những pha tăng tốc, ganh đua nhau đầy ấn tượng ở Volvo Ocean Race. -Ảnh: VOLVO OCEAN RACE
Những pha tăng tốc, ganh đua nhau đầy ấn tượng ở Volvo Ocean Race. -Ảnh: VOLVO OCEAN RACE

Ngày càng có nhiều những giải đua thuyền buồm, từ cự ly ngắn cho đến những chuyến hải trình dài hạn. Nhưng không có giải đấu nào dữ dội, khắc nghiệt và đằng đẵng như Volvo Ocean Race - nơi được xem là giải vô địch thế giới dành cho những người đam mê chinh phục biển cả.

Được tổ chức 3 năm một lần, Volvo Ocean Race là một hành trình dài khủng khiếp với khoảng 8 tháng trời chu du trên biển của những đội tham dự - một cuộc ultramarathon trên biển thực sự.

Hành trình cuộc đua 2017-2018

World Cup của giới thuyền buồm

Volvo Ocean Race ra đời năm 1973 với cái tên ban đầu là Whitbread World Race, đến năm 2005 giải mới chính thức mang tên như hiện tại. Và ngay trong lần đầu được tổ chức, cuộc đua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Ngày 14-9-1973, hơn 3.000 người tụ tập ở cảng biển Portsmouth của Anh chứng kiến khoảnh khắc 17 chiếc thuyền, với tổng cộng 167 thủy thủ xuất phát, bước vào một cuộc hải trình tưởng chừng chỉ có trong các câu chuyện của những nhà thám hiểm.

Cuộc đua năm đó dài 27.500 hải lý (tương đương 50.900km), được chia làm 4 chặng, bao gồm: Portsmouth - Cape Town (Nam Phi), Cape Town - Sydney (Úc), Sydney - Rio de Janeiro (Brazil) và Rio de Janeiro - Portsmouth. Một cung đường hình vuông!

Kết quả, chiếc Sayula II của những thủy thủ người Mexico cập bến đầu tiên sau 133 ngày 13 giờ. Một biển người chờ đón họ ở Portsmouth - ngày trở về như những người hùng.

44 năm sau cuộc đua đầu tiên đó, Volvo Ocean Race giờ đây đã nâng độ dài quãng đường lên hơn gấp rưỡi, với cả thảy 10 chặng đua khác nhau, trải dài từ Alliance (Tây Ban Nha) đến Lisbon (Bồ Đào Nha) rồi Cape Town (Nam Phi), Melbourne (Úc), Hong Kong - Quảng Châu (Trung Quốc), Auckland (New Zealand), Itajai (Brazil), Newport (Mỹ), Cardiff (Wales), Gothenburg (Thụy Điển) và Hague (Hà Lan), tất cả 83.000km.

Độ dài chỉ là một cách hình dung đơn giản nhất cho những khó khăn mà các thủy thủ gan dạ phải đối mặt. Suốt 6 tháng trời, họ phải chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt, những cơn bão bất chợt, những con sóng khổng lồ cùng vô số hiểm nguy khó lường khác trên biển.

Các thủy thủ phải trải qua sự thay đổi nhiệt độ từ -50C cho đến 400C, và chỉ có duy nhất 2 loại quần áo để lựa chọn. Thức ăn tươi cũng không được sử dụng trên thuyền, toàn bộ đều là thực phẩm khô hoặc đông lạnh.

Volvo Ocean Race

Cuộc đua tử thần

Thuyền buồm không phải là một con tàu viễn dương, những cơn bão, cuồng phong hoặc đơn giản chỉ là những con sóng lớn đủ để tạo nên nguy hiểm vô cùng giữa đại dương.

Thêm vào đó, sức ép tốc độ của một cuộc đua, số lượng thủy thủ khá ít (chỉ khoảng 10 người/đội) càng khiến khả năng ứng phó của những chiếc thuyền buồm khi tham dự Volvo Ocean Race trở nên kém đi.

Và những tai nạn xảy ra thường xuyên, không ít thuyền bị vỡ vụn vì các con sóng khổng lồ, những bãi đá ngầm hiểm trở.

Ngay trong năm đầu tiên, chiếc Burton Cutter của những thủy thủ Anh bị vỡ vụn và phải bỏ cuộc. Chỉ có 14/17 chiếc thuyền về đích thành công ở cuộc đua năm đó. Số người thiệt mạng trong cuộc đua cũng không ít.

Thủy thủ Paul Waterhouse của chiếc Tauranga là người đầu tiên thiệt mạng trong cuộc đua, anh bị sóng đánh văng khỏi thuyền, chỉ 12 ngày sau khi khởi hành từ Cape Town - chặng đua thứ 2.

Ba ngày sau tai nạn của Waterhouse, đến phiên đội trưởng của 33 Export - Dominique Guillet, rồi Bernie Hosking của Great Britain II ở chặng đua thứ 3 cũng mất tích vì lý do tương tự. Riêng thi thể của Waterhouse và Guillet đã không bao giờ tìm ra được.

Ba cái chết ngay trong năm đầu tiên khiến cuộc đua đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ. Nhưng rồi lòng khát khao của các thủy thủ đã duy trì nó.

Cả 3 chiếc thuyền gặp nạn - Tauranga, 33 Export và Great Britain II đã về đích an toàn sau đó mà không có thêm tai nạn nào nữa. Những người tổ chức giải rút ra những bài học đắt giá về công tác bảo hộ.

Ở những giải sau đó, các chặng đua được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh các cơn bão, trang thiết bị bảo hộ cho mỗi đội đua cũng nhiều hơn.

Nhưng rồi thảm kịch vẫn xuất hiện, hơn 30 năm sau cuộc đua đầu tiên. Hans Horrevoets, thủy thủ 32 tuổi người Hà Lan, cùng một đồng đội khác là Jon Buoy trên chiếc ABN Amro One bị cơn sóng khổng lồ cuốn văng khỏi sàn thuyền.

“Sàn thuyền đã bị dọn sạch hoàn toàn, Jon và Hans thì không còn ở đó nữa. Chúng tôi phát hiện họ cách thuyền khoảng 2,5km và quyết định quay ngược đầu thuyền. Thật khó khăn để làm điều gì đó trong sức gió 74km/h, nhưng rồi chúng tôi cũng tìm thấy Jon và Hans.

Thật đáng tiếc, mọi nỗ lực hồi sức cho Hans đã thất bại” - đội trưởng Sebastian Josse kể lại trong cuộc họp báo tổ chức ngay sau khi họ cập bến.

Những mất mát không làm chùng chân các thủy thủ gan dạ. Họ vẫn bơi đều trên đại dương và tiếp tục đối mặt những thách thức đáng sợ khác. Cá mập là một nỗi lo khác.

Cuộc đua gần nhất vào năm 2014 chứng kiến một phen hú hồn khi chiếc Vestas Wind dài 20m đâm vào một rặng san hô ở Mauritius - nơi thường xuyên có những vụ cá mập tấn công. Những con cá mập to lớn đã được du khách phát hiện lởn vởn gần đó, nhưng may mắn thay đội cứu hộ đã xuất hiện kịp thời.

Sau tất cả, phần thưởng dành cho người chiến thắng Volvo Ocean Race là gì? Không có bất kỳ khoản tiền nào, đơn giản chỉ là một chiếc cúp bạc chạm khắc dày đặc tên tuổi của những thủy thủ từng tham dự và hoàn tất cuộc đua. Với họ, chừng đó là đủ để viết một cuốn sách về chuyến hải trình để đời của mình.

Thay vì sự ổn định, bền bỉ, Volvo Ocean Race giờ đây tràn ngập những màn nước rút ngoạn mục. Có cả thảy 7 đội đua năm nay, khởi hành từ ngày 22-10 và dự kiến sẽ về đích vào cuối tháng 6-2018. Cuộc đua hiện đang trong chặng thứ 3 từ Cape Town đến Melbourne.

Volvo Ocean Race 2017-2018

Nữ giới vẫn có chỗ

Trong những năm đầu tiên, lượng thành viên mỗi đội tham dự cuộc đua được giới hạn vào khoảng 10 người. Và không thể có chỗ cho nữ giới trong một cuộc đua khắc nghiệt đến thế. Những năm sau này, ban tổ chức giải quyết định cải biến điều lệ để giúp các chị em có thể tham dự giải đấu.

Theo luật mới cập nhật năm nay, một đội tham dự sẽ có 5 công thức để hình thành nhóm đua của mình: 11 nữ; 7 nam; 7 nam + 1 hoặc 2 nữ; 7 nữ + 1 hoặc 2 nam và 5 nam + 5 nữ. Tức nếu muốn đội mình toàn nam giới, đội chỉ có thể có 7 người. Phương án 7 nam + 2 nữ và 5 nam + 5 nữ được đông đảo lựa chọn nhất.

HUY ĐĂNG - Ảnh: Volvo Ocean Race
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên