13/01/2014 13:20 GMT+7

Vó ngựa đồng bằng

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TT - Con đường qua hai xã Tân Thạch và Quới Sơn (huyện Châu Thành, Bến Tre) từ 20 năm nay vẫn luôn là đường chính dành cho… xe ngựa. Cuối năm, những vó ngựa kéo theo thùng xe chở 5-6 khách Tây phía sau vẫn miệt mài gõ nhịp dưới tay cương những người con xứ dừa.

Vó ngựa buồn Giữ lại vó câu Vó ngựa có còn vang đất An Xuân?

eQAbY6Tu.jpgPhóng to
Vó ngựa nhộn nhịp đường quê - Ảnh: Sơn Lâm

Đây có lẽ là nơi lưu giữ lớn nhất tiếng vó ngựa, từ lúc trường đua Phú Thọ ngừng hoạt động cho đến nay. Để “biết được miền Tây chỉ trong một ngày”, hầu hết các công ty du lịch tại TP.HCM chọn điểm đến cho khách du lịch tại các cồn Long, Lân, Quy, Phụng trên dòng Tiền Giang. Đi từ phía bờ Mỹ Tho, khách sẽ được thuyền chở vượt sông qua thăm các cồn, quan sát xưởng kẹo... rồi được đưa đi một vòng xe ngựa phía bờ Bến Tre trước khi xuống thuyền về lại bờ Mỹ Tho.

Nhộn nhịp đường quê

6g, tại “bến trên”, nơi đón khách du lịch của các công ty Quê Dừa, Bến Tre, Hương Dừa… đã có hơn 30 xe ngựa sẵn sàng chờ khách. Vừa đổ cỏ tươi cho ngựa của mình trong lúc chờ khách, chị Phạm Kim Khảm (ấp 8, xã Quới Sơn) cho hay: “Hôm nay chủ nhật, là ngày đông khách nhất trong tuần. Đội xe ngựa Hương Dừa của mình có 23 xe, thay phiên nhau trực ở bến này và bến dưới chuyền khách”. Nói rồi, chị Khảm vào căn chòi lá lụp xụp giăng cái võng bên cạnh hơn chục người đánh xe khác, lấy phần cơm đã chuẩn bị từ nhà ra ăn. Còn quá sớm, khách chưa có nhưng những chuyện đầu làng cuối xóm của một vùng dừa ven sông Tiền đủ để xôm tụ. Thỉnh thoảng những con ngựa đực hí dài, chồm sang phía các nàng ngựa cái. Cả bến xe ngựa lại thay nhau hò hét, huýt sáo, dậm dựt “ổn định” tinh thần cho từng con ngựa.

8g, đoàn khách đầu tiên sau khi xem xong các xưởng kẹo dừa đi bộ lững thững vòng đến. “Tám xe”, anh hướng dẫn viên như đã quen thuộc nói mà chẳng thèm nhìn bất cứ phu xe nào. Anh vừa nói xong cũng là lúc tám người đánh xe xuống bến sớm nhất chuẩn bị xong ngựa, xe, cầm cương dắt ra cho những khách Tây leo lên. “Khách Đức đó, mấy ông bà này thì chỉ năm người là xe hết chỗ” - vừa nói chị Khảm vừa quày quả cười tươi “Hello”, “Hi” với khách. Khách ổn định chỗ xong, chị cầm dây cương búng hai chân nhẹ nhàng ngồi lên một bên vành xe cùng với tiếng “ồ” reo vang của họ. Cùng lúc với chị Khảm, bảy người khác cũng lần lượt lo xong đoàn khách đầu tiên đến với bến xe ngựa ổn định chỗ, chuẩn bị du hí một vòng làng.

Đoàn khách đầu tiên vừa ổn định xe, trên 20 khách du lịch đã lững thững đi bộ tới bến. Các anh hướng dẫn viên lúc này thấy khả năng phải chờ đợi, mới nhanh chóng tranh nhau “đặt cọc” xe. Ông Phạm Chí Bình, ba của chị Khảm, vừa ghì con ngựa của mình vào cần xe, cười hể hả: “Bắt đầu nhộn nhịp rồi đó, từ rày tới một, hai giờ trưa là chạy liên tục”. Đúng như lời ông nói, một đoàn mười mấy khách du lịch khác tiếp tục nối nhau đi đến. Bến xe ngựa lúc này nhộn nhịp thật sự không khác gì… cảnh đón xe đò về tết ở các bến xe.

Tiếng vó ngựa bắt đầu vang lên rộn ràng, theo hành trình khoảng 2km từ bến trên xuống bến dưới. Con đường “cưỡi ngựa xe hoa” lởm chởm ổ voi, ổ gà, cả xe lẫn người dằn xóc liên tục. Thế nhưng, đã một lần đi xe ngựa thì chuyện dằn xóc mới chính là đặc sản của loại hình này. Mỗi lần xóc mạnh, tiếng cười sảng khoái của những vị khách du lịch đều giống nhau dù họ đến từ Đức, Nga, Pháp, Anh… lại vang lên. Cũng có lúc qua những chiếc cầu cong vút không có thành cầu, người đánh xe phải nhảy xuống dắt ngựa khách mới dám đi tiếp.

“Ngựa chứng”

Trong buổi sáng chủ nhật hôm ấy, người vất vả nhất chính là anh Bùi Hữu Tài, 30 tuổi, cầm cương đã hơn năm năm, nhưng hôm ấy anh phải nhiều lần xuống dắt ngựa đi bộ. Con ngựa đực anh Tài mới mua 20 triệu đồng từ Đức Hòa (Long An) chưa được một tuần, đang trong giai đoạn thuần và chỉ mới đi chở khách được ba ngày. “Nãy đang chạy hứng, ông khách đòi cầm roi thúc nó. May mà mình cản kịp, chứ để ổng quất một roi vào mông nó là cả xe lật nhào như chơi”, vừa quệt mồ hôi sau một đợt khách, anh Tài thở phào. Anh giải thích: “Ngựa đánh xe thường phải kiếm ngựa cỏ, vì ngựa đua quá to, lại rất chứng, khó thuần. Ngựa đực, ngựa cái gì cũng được, mỗi dòng có ưu điểm riêng”.

Theo anh Tài, ngựa cái tuy hợp với việc kéo xe vì ngoan, chỉ chừng một tháng thì có thể thuần để chạy chở khách, nhưng lại hay đau yếu và thỉnh thoảng lại phải… nghỉ đẻ. Còn ngựa đực thì khỏe, dẻo dai, ít đau ốm nhưng bù lại thuần chúng kéo xe cho đàng hoàng rất vất vả. “Nhiều khi chạy ngang mấy con ngựa cái, ngựa đực dễ… kéo cả khách xông vào ngựa cái như chơi” - anh Tài cười kể. Vừa về đến bến, chị Khảm kể chen vào: “Con ngựa của mình mua 16 triệu đồng từ đầu năm, tinh quái lắm. Hôm nào yếu người, cầm dây cương không chắc là nó biết. Nó không chịu chạy như ý mình mà còn giật ngược lại nữa”.

Ngoài ra, nỗi sợ lớn nhất của những người đánh xe là ngựa chết. Nguyên nhân có thể vì tai nạn như lọt cầu, hoặc từ cảm dẫn đến suy nhược, chữa không được. “Một con ngựa chết, gọi thương lái đến mua thì chỉ được mức 4-5 triệu đồng” - anh Tài nói thêm.

14g, khách đã vãn. Những người đánh xe lại quây quần tính số lượt đưa khách. Cả huyện Châu Thành hiện có hơn 50 xe ngựa, chia thành từng đội phục vụ nhiều điểm du lịch khác nhau. “Đông khách như hôm nay, mỗi xe cũng chạy được chín vòng. Mỗi vòng được 25.000 đồng. Chủ nhật mới được vậy chứ ngày thường thì lèo tèo lắm” - chị Khảm cho biết.

17g, tiền đánh xe ngựa được chủ đội xe chia cho mọi người. Những con ngựa sau đó được dắt về chuồng nghỉ ngơi. Ngựa nghỉ, nhưng người đánh xe thì chưa. Họ còn phải tỏa ra khắp các rạch nước, cánh đồng cắt đủ một bao cỏ về cho ngựa của mình. “Mỗi con ngựa thích một loại cỏ khác nhau, phải chủ nó mới biết - vỗ về con ngựa của mình, chị Khảm lại cười - Sinh mạng của nó cũng như sinh mạng của cả hai mẹ con mình mà. Mùa tết thường khách rất đông, đang tính dành dụm tiền để tô luôn tường cái nhà cho trọn vẹn. Mẹ con có tết vui hơn”.

Công phu chăm ngựa

Những người đánh xe ở đây cho biết giờ giá một con ngựa kéo xe tốt phải trên 14 triệu đồng, cộng thêm tiền đóng xe khoảng 4 triệu đồng nữa. Những con ngựa ở vùng này thường phải đi lùng mua tận huyện Đức Hòa hoặc thị trấn Tầm Vu (Long An). Nói qua thì dễ nhưng tồn tại với nghề không phải dễ. Thúc dây cương cho xe chạy nhanh hơn, bà Trần Kim Chấn, mẹ chị Khảm, cho biết thêm: “Con ngựa nhạy cảm thời tiết còn hơn người mình. Dầm mưa lạnh hay trời nóng quá nó cũng cảm. Nghề này phải chạy quanh năm nên cứ thấy biến đổi thời tiết là phải mua thuốc cho nó uống trước”. Bà Chấn nói tiếp: “Hằng ngày ngoài việc cho nó ăn cỏ, phải cho ăn thêm lúa để bổ gân cũng như uống thêm nước cám để béo và tăng sức đề kháng. Nhưng nếu mình cho nó uống nước cám nhiều quá thì lại bị hóc, bủng da…”.

Đời phu xe ngựa

FHBjV2HF.jpgPhóng to
Chị Khảm tranh thủ cho ngựa ăn lúc vãn khách - Ảnh: Sơn Lâm

Ở vùng Châu Thành này, gia đình chị Khảm là gia đình đông người sống với nghề xe ngựa đưa khách du lịch nhất. “Bắt đầu đâu từ thời ông kỵ đã chuyên đánh xe ngựa chở vật dụng quanh làng. Rồi truyền nghề cho đến đời ông ngoại mình là Trần Kim Hồng, mệnh danh là trùm xe ngựa ở vùng này” - chị Khảm kể. Ông Hồng và ba mẹ chị Khảm là ông Bình, bà Chấn cũng là thế hệ đầu tiên đánh xe ngựa đưa khách du lịch 20 năm trước, khi chỉ mới có một điểm mở ra dịch vụ này. Cũng tuổi con ngựa, năm nay đã 72 và lẽ ra sẽ là người già nhất còn đánh xe ở bến này, nhưng ông Hồng đã phải… về hưu sớm cách đây ba hôm vì gãy tay. “Qua cầu đang sửa, ông ngoại phải xuống dắt ngựa cho khách. Con ngựa chứng lên hất một cái ông lọt luôn xuống cầu gãy tay. Hôm qua mới đành đoạn nói sẽ nghỉ luôn” - chị Khảm kể.

30 tuổi, sinh ra bên chuồng ngựa nên chị Khảm biết cưỡi ngựa, đánh xe thuần thục từ rất sớm. Nhưng phải đến 24 tuổi, chị Khảm lấy chồng mới cùng chồng theo nghề đánh xe ngựa đưa khách của ông bà truyền lại. “Được một năm, chồng tui chắc là không chịu nổi cảnh đưa xe ngựa nữa nên bỏ tui ngay lúc có thai thằng con - giọng chị Khảm chùng xuống - ổng ra đi đem luôn hết mọi thứ, mình đang bầu bì cũng phải chạy vạy mượn tiền mua ngựa, sắm xe lại…”. Đứa con trai chị Khảm cũng phải từng tập đi trong cái cũi tre đặt ngay bến xe ngựa này. Thế mà cái khổ cũng qua. Chị Khảm vừa mới cất được căn nhà nhỏ sát nhà cha mẹ, đủ để làm tổ ấm cho hai mẹ con cách đây hai tháng. Ở bến xe ngựa này, ngoài cha mẹ và người em trai út còn có hơn chục người là cậu, mợ, chú… của chị Khảm đang theo nghiệp cầm cương.

“Nghề này khổ thì khổ nhưng chịu khó cũng sống được” - giọng miền Bắc của ông Tường Duy Sơn nãy giờ ra rả đếm số vòng xe cho từng người, giờ cũng góp chuyện. Gốc Bắc nhưng ông đã làm dân Mỹ Tho hơn 40 năm nay. Năm năm trước, vợ chồng chị Tường Kim Chi, con gái ông Sơn, theo nghề đánh xe ngựa tại bến này, còn ông đi làm bảo vệ cho một công ty. Năm ngoái đến tuổi hưu, nghỉ việc nhưng còn sức khỏe, ông Sơn lại theo con của mình học việc, hai tháng sau thì dành dụm tiền hưu mua ngựa, đóng xe để… “có nghề an dưỡng tuổi già” như lời ông tếu táo. Thứ bảy, chủ nhật, chị Chi cũng đem theo đứa con gái đang học tiểu học sang bến xe ngựa. “Mình đánh xe cũng là để giúp con nuôi cháu, nhất định cháu mình sẽ không phải đánh xe ngựa nữa” - ông Sơn nói như thầm hứa với lòng mình.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên