25/06/2021 12:50 GMT+7

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ 3: Hai cuộc gặp hữu duyên và 'phép lạ' vắc xin HPV

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - 'Tôi tình cờ đến phòng thí nghiệm ở Melbourne gặp những người phù hợp và bàn tính đúng công việc thôi. Trong khoa học, ngoài lao động vất vả, có lúc bạn cũng cần may mắn'.

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ 3: Hai cuộc gặp hữu duyên và phép lạ vắc xin HPV - Ảnh 1.

GS Ian Frazer (trái) và TS Jian Zhou dự hội nghị quốc tế về HPV tại Seattle (Mỹ) vào tháng 7-1991 - Ảnh: Ian Frazer

Thông điệp quan trọng nhất tôi muốn truyền đạt cho thế hệ nghiên cứu tiếp theo là các bạn có thể làm được điều gì đó thực sự hữu ích nếu các bạn nghĩ điều đó xứng đáng.

GS IAN FRAZER

GS miễn dịch học Ian Frazer đã hóm hỉnh phát biểu như trên tại Liên hoan Khoa học thế giới ở Brisbane (Úc) cuối tháng 3-2017. Ông đã cùng TS virus học Jian Zhou bào chế thành công vắc xin ngừa virus sinh u nhú ở người (HPV). Quá trình nghiên cứu của ông là câu chuyện khó quên về lòng kiên trì và khao khát cống hiến cho khoa học.

Cơ duyên từ hai nhà khoa học có chí lớn

GS Ian Frazer đã khiêm tốn gọi vắc xin HPV là vắc xin hữu ích chứ không dùng từ ngữ đao to búa lớn như "phép lạ" dù đây là vắc xin đầu tiên ngừa ung thư, có thể cứu sống hơn 300.000 ca tử vong mỗi năm và HPV là virus gây 90% bệnh ung thư cổ tử cung vốn là nguyên nhân tử vong thứ hai nơi phụ nữ.

Năm 1981, nhà khoa học lâm sàng trẻ tuổi Ian Frazer từ Scotland chuyển đến Melbourne (Úc) với nỗi háo hức nghiên cứu miễn dịch học. Ban đầu ông nghiên cứu bệnh viêm gan B và nguyên nhân gây các bệnh về gan. Trong thời gian này, ông đã có hai cuộc gặp tình cờ, từ đó cuộc đời ông chuyển hướng sang nghiên cứu vắc xin HPV.

Ông bộc bạch với BBC: "Tôi may mắn đến thăm một chuyên gia về bệnh gan ở Đức. Người này giới thiệu tôi với người phụ trách là GS Harald zur Hausen - người đầu tiên phát hiện virus HPV liên quan đến ung thư. Giáo sư đã bảo tôi: Anh đừng quan tâm đến bệnh gan nữa, tại sao không nghiên cứu virus gây ung thư nhỉ?".

Trở lại Úc, ông bắt đầu chú ý vấn đề mụn cóc sinh dục do virus HPV gia tăng nơi các bệnh nhân nhiễm HIV và trao đổi mối quan tâm với TS bệnh lý phụ khoa Gabrielle Medley. Tương tự GS Hausen, TS Medley khuyến khích ông tìm hiểu mối liên quan giữa virus HPV với ung thư.

Vào thời điểm đó, giới khoa học biết rất ít về tính chất miễn dịch học của virus HPV. Không có thí nghiệm nào về quá trình virus HPV lây nhiễm tế bào cũng như không có chỉ định xét nghiệm máu để biết có nhiễm virus HPV hay không.

Năm 1989, Ian Frazer có cơ duyên gặp TS Jian Zhou. Muốn biết virus HPV có gây ung thư hay không cần có mẫu động vật nhiễm HPV để nghiên cứu, vì vậy Ian Frazer sang Đại học Cambridge (Anh) gặp TS Margaret Stanley - người đang nghiên cứu các protein gây ung thư E6 và E7 của virus HPV để tạo chuột chuyển gene.

Cùng lúc đó, TS Jian Zhou từ Trung Quốc sang Anh thăm một phòng thí nghiệm gần đó vì quan tâm đến cơ chế biến đổi tế bào của virus HPV. Cả hai đều cần một virus HPV nguyên vẹn để nghiên cứu. Chí lớn gặp nhau, năm 1990 Jian Zhou đồng ý sang Đại học Queensland làm việc trong phòng thí nghiệm của Ian Frazer.

Theo tài liệu của Thư viện Y học quốc gia Mỹ, năm 1991 Ian Frazer và Jian Zhou bắt đầu quá trình nghiên cứu vắc xin HPV kéo dài suốt 15 năm. Cách tiếp cận ban đầu là xác định xem có thể phát triển liệu pháp nào cho người nhiễm virus HPV hay không. Muốn vậy phải nuôi cấy virus HPV nhưng không thể phát triển virus HPV bằng cách nuôi cấy tế bào. Sử dụng virus sống giảm độc lực cũng không ổn vì virus vẫn còn khả năng gây ung thư.

GS Ian Frazer kể lại: "Khi gần đến mức phải bỏ cuộc, chúng tôi đã sản xuất và tinh chế được một số vỏ bọc protein của virus... Trong lúc thiết kế virus, chúng tôi nhận ra có thể lắp ráp vỏ virus mà không cần làm gì ngoài việc xây dựng một khối rồi để các protein tự lắp ráp với nhau. Đây là điều bất ngờ mà chúng tôi không hề chờ đợi".

Vỏ bọc protein của virus được gọi là hạt giả virus (VLP). Hạt giả VLP có cấu trúc giống virus HPV nhưng không lây nhiễm vì không chứa vật liệu di truyền nhưng có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch rất tốt nếu kết hợp với chất bổ trợ thích hợp. Chúng được cơ thể dung nạp tốt và không gây tác dụng phụ. Đây là công nghệ phát triển vắc xin thế hệ mới vẫn đang được áp dụng đến hiện nay.

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ - Kỳ 3: Hai cuộc gặp hữu duyên và phép lạ vắc xin HPV - Ảnh 3.

Năm 2006, GS Ian Frazer đích thân tiêm liều vắc xin ngừa HPV đầu tiên cho một cô gái trẻ - Ảnh: Đại học Queensland

Đưa nghiên cứu vào sản xuất

Năm 1991, Ian Frazer và Jian Zhou đăng ký bằng sáng chế bảo vệ cách thức sản xuất hạt giả VLP. Sau đó, họ tiếp tục nghiên cứu cơ chế lây nhiễm virus HPV. GS Ian Frazer giải thích: "Cuối cùng chúng tôi phát hiện quả thật virus HPV gây bệnh ung thư không chỉ ở cổ tử cung phụ nữ mà còn ở đường hậu môn nam giới. Dư luận quốc tế bắt đầu chú ý sau khi chúng tôi viết bài đăng trên một tạp chí quốc tế lớn xác nhận đã phát hiện bệnh ung thư do virus HPV gây ra".

Sau đó xảy ra tranh chấp bằng sáng chế về công nghệ VLP với bốn trường đại học Mỹ tham gia. Năm 2006, tòa phúc thẩm tuyên Đại học Queensland ở Úc thắng kiện. Kế đến Ian Frazer lại tiếp tục thuyết phục các công ty dược rằng lây nhiễm virus HPV có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và sản xuất vắc xin HPV sẽ có thị trường tiêu thụ.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy quả thật vắc xin HPV có thể ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Năm 2007, vắc xin HPV được cấp phép ở nhiều quốc gia. TS Jian Zhou đã qua đời trước đó 8 năm.

Công nghệ phát triển vắc xin HPV bằng hạt VLP trở thành một trong những khám phá y học vĩ đại nhất trong lịch sử gần đây và là nghiên cứu mang tính bước ngoặt trong cuộc chiến chống ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỳ vọng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ cuối cùng còn tồn tại bệnh ung thư do virus HPV.

GS Ian Frazer tâm sự: "Tôi luôn cảm thấy có trách nhiệm vì tôi đã học ngành y và đã chọn nghiên cứu y học thay vì phục vụ lâm sàng. Hơn thế nữa, tôi đã được cấp công quỹ để theo đuổi nghiên cứu và có cơ hội làm việc với các nhà khoa học thực sự thông minh và tận tụy... Thông điệp quan trọng nhất tôi muốn truyền đạt cho thế hệ nghiên cứu tiếp theo là các bạn có thể làm được điều gì đó thực sự hữu ích nếu các bạn nghĩ điều đó xứng đáng".

Ông tiếp tục làm việc trên nhiều lĩnh vực như cố vấn cho WHO và Quỹ Bill & Melinda Gates, thành viên Hội đồng khoa học khối Thịnh vượng chung, chủ tịch Học viện Y tế và khoa học y tế Úc, viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng y học (Brisbane). Ông được trao giải thưởng "Công dân Úc tiêu biểu của năm" năm 2006 và từ đó tiếp tục nhận hàng chục danh hiệu như Huân chương AC năm 2012.

Tháng 3-2012, ông được vinh danh là một trong bảy báu vật sống quốc gia của Úc. Bảy báu vật sống này được bổ sung vào danh sách 100 công dân Úc được chọn là bảo vật sống quốc gia từ năm 1997. Giải thưởng do Tổ chức National Trust of Australia và tạp chí Woman's Day điều hành theo kết quả bỏ phiếu từ độc giả.

Nghiên cứu thuốc trị COVID-19

Hiện nay, Công ty công nghệ sinh học Implicit Bioscience ở Brisbane do GS Ian Frazer là người đồng sáng lập đang thử nghiệm thuốc IC14 dùng để kiểm soát tình trạng viêm nghiêm trọng do hệ miễn dịch gây ra. IC14 được dùng trong điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có nguy cơ tử vong.

GS Ian Frazer giải thích: "Đây là một kháng thể được đưa vào máu nhắm đến một phân tử quan trọng trên bề mặt tế bào bạch cầu giữ vai trò điều chỉnh phản ứng viêm. Nếu chúng ta chặn con đường đó, chứng viêm sẽ biến mất". IC14 đang được dùng trong hai thử nghiệm ở Mỹ với hơn 300 bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ tử vong tham gia. Kết quả sẽ được công bố sớm nhất vào cuối năm 2021.

-----------------------------

Một ngày nọ tại Angola, TS Steven Jones bước vào phòng cách ly bế một bé trai bụ bẫm. Hai ngày sau, bé trai tử vong. Những cái chết như thế đã ám ảnh ông suốt 14 năm.

Kỳ tới: Thung lũng tử thần của vắc xin Ebola

Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ của loài người - Kỳ 2: Cái giá cuộc chiến chống bại liệt Virus dịch bệnh - cuộc chiến xuyên thế kỷ của loài người - Kỳ 2: Cái giá cuộc chiến chống bại liệt

TTO - Bệnh bại liệt hiện đã bị xóa sổ 99,9%. Virus này chỉ còn tồn tại trong số ít cộng đồng nghèo nhất và bị thiệt thòi nhất thế giới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên