06/11/2023 08:22 GMT+7

Việt Nam hấp dẫn các công ty bán dẫn Hà Lan

Đã có gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan tháp tùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam ngày 2-11 để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Hà Lan  - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte dự Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Hà Lan - Ảnh: VGP

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng mong muốn hai nước khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số...

Trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ tại TP.HCM ngày 3-11, ông Michiel Sweers, thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan, chia sẻ tiềm năng hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực nêu trên.

Đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, nhưng bầu không khí kinh doanh ở Việt Nam rất sôi động, tràn đầy năng lượng, rất cởi mở, sẵn sàng học hỏi và hợp tác.

Thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại Hà Lan trả lời Tuổi Trẻ.

* Được biết đã có gần 30 doanh nghiệp công nghệ cao Hà Lan đi cùng Thủ tướng Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam. Họ quan tâm gì, thưa ông?

- Đoàn doanh nghiệp của chúng tôi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau và chủ đề của chuyến thăm lần này là công nghệ cao, tập trung vào công nghiệp bán dẫn. Đoàn gồm các công ty bán dẫn lớn đang sản xuất trên toàn cầu với nguồn lao động đáng kể và các công ty khởi nghiệp. Họ có những công nghệ riêng có thể giúp ích cho ngành công nghiệp bán dẫn và đang tìm kiếm các nhà đầu tư và khách hàng mới để phát triển hoạt động sản xuất. Ngoài ra còn có các công ty sản xuất thiết bị, các công ty tài chính đang tìm kiếm dự án trong ngành bán dẫn.

Chúng tôi thấy rằng có rất nhiều cơ hội ở đây. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, nhu cầu về chất bán dẫn đang tăng lên rất nhiều trong khi nguồn cung đang bị tụt lại phía sau. Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn rất lớn trên toàn cầu. Vì vậy, các công ty trên thế giới đang tăng cường sản xuất, các công ty ở Hà Lan cũng vậy. Họ cố gắng đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình. Doanh nghiệp hiểu rằng họ sẽ dễ bị tổn thương nếu toàn bộ hoạt động sản xuất chỉ đến từ một hai nơi. Vì vậy họ đang tìm kiếm các nước khác để đầu tư.

Doanh nghiệp Hà Lan đặc biệt mạnh bởi chúng tôi có toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Chúng tôi có thế mạnh lớn về thiết bị sản xuất bán dẫn. Các nhà sản xuất Hà Lan đang tìm kiếm xem nhu cầu tăng lên ở đâu, sản xuất ở đâu, khách hàng của họ ở đâu. Và họ thấy rằng rất nhiều khách hàng đang hướng hoạt động hoặc đầu tư vào các cơ hội mới tại Việt Nam.

* Doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi gì từ Hà Lan để tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu?

- Đây là một ngành công nghiệp lớn và có rất nhiều bước mà các bạn có thể tham gia với tư cách là một quốc gia. Các bạn không cần phải có toàn bộ chuỗi cung ứng tại Việt Nam. Tôi cho rằng Việt Nam sẽ mạnh hơn ở khâu cuối của chuỗi sản xuất. Và điều đó thật hoàn hảo bởi các bạn không cần phải làm tất cả. Hãy làm những việc các bạn giỏi và làm chúng tốt nhất có thể.

Thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan Michiel Sweers trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ - Ảnh: NGHI VŨ 

Thứ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan Michiel Sweers trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ - Ảnh: NGHI VŨ

Tôi hiểu rằng tham vọng của Việt Nam về lâu dài là đẩy mạnh chuỗi cung ứng và tham gia vào các khâu cao hơn trong chuỗi cung ứng bán dẫn như sản xuất hoặc thiết kế chip. Quá trình này đòi hỏi môi trường ổn định cho đầu tư vào khoa học cũng như nghiên cứu và phát triển (R&D).

Kinh nghiệm của Hà Lan là các bạn phải có sự hợp tác chặt chẽ trong toàn hệ sinh thái bán dẫn để đạt được mong muốn của mình. Đó không phải một doanh nghiệp đơn lẻ, mà là cả một mạng lưới các công ty hợp tác chặt chẽ với nhau để nâng cấp trình độ và sự đổi mới mà bạn cần phải có ở khâu dẫn đầu.

Việt Nam cũng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty trong ngành để thực sự dẫn đầu và tiến gần đến mục tiêu, bắt đầu từ khoa học cơ bản. Vì vậy, khoảng cách giữa khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và việc thực sự sản xuất ra thứ gì đó cần phải được rút ngắn càng tốt. Để đạt được điều đó cần có thời gian. Đấy không phải là thứ bạn có thể tạo ra chỉ sau một đêm, nhưng là thứ có thể phát triển theo thời gian.

* Việt Nam cần làm gì để có cơ hội hợp tác tốt hơn với doanh nghiệp Hà Lan, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao?

- Chúng tôi cảm thấy rất được chào đón ở đây. Các công ty Việt Nam rất tích cực để liên lạc và kết nối. Tôi nghĩ điều đó cũng giải thích tại sao rất nhiều công ty nước ngoài đang tìm đến đất nước này.

Việt Nam có điểm mạnh về quy mô dân số, người dân cởi mở, tinh thần kinh doanh, năng lực tiếng Anh cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tất cả các cơ hội mà điều này mang lại. Một điều nữa là Việt Nam có số lượng công ty đáng kể và họ sẵn sàng hợp tác.

Chúng tôi cũng có những cuộc đàm phán rất mang tính xây dựng với Chính phủ. Nếu nhìn vào chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan ngày 2-11 và sự tương tác giữa chúng tôi với Chính phủ Việt Nam, tôi cảm thấy tích cực rằng chuyến thăm này mang tính xây dựng và rất hiệu quả.

Nếu hỏi về mối lo ngại chính của các doanh nghiệp ngoại ở đây thì đó là các thủ tục hành chính, luật lệ và chất lượng cơ sở hạ tầng. Không có gì là hoàn hảo.

Việt Nam có nhiều tiềm năng

Theo ông Michiel Sweers, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng với tăng trưởng kinh tế đáng kể. Rất nhiều người ở Việt Nam cũng sẵn sàng làm việc trong những ngành công nghệ cao và được đào tạo bài bản. Ngoài ra, Việt Nam còn có một chính phủ rất ổn định. Vì thế, đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi đến đây, để xem chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam, để tạo các đầu mối liên lạc giữa doanh nghiệp Hà Lan và các công ty Việt Nam, giữa hai bên chính phủ. Chúng tôi cũng tìm kiếm cơ hội và làm quen với Việt Nam. Và tôi tin chắc việc phát triển ngành công nghệ cao ở Việt Nam sẽ thành công", thứ trưởng Hà Lan nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vi mạch bán dẫn Hà Lan đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCMDoanh nghiệp vi mạch bán dẫn Hà Lan đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM

Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã được ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 2-11, dự kiến doanh nghiệp này sẽ lắp đặt thiết bị vào năm 2024 và vận hành vào 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên