25/02/2021 09:27 GMT+7

Việt Nam có 117.600 liều vắc xin đầu tiên: Ưu tiên trước cho lực lượng tuyến đầu

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - 117.600 liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về đến Việt Nam vào ngày 24-2. Đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, qua đó mở ra cơ hội 'phủ sóng' vắc xin ngừa COVID-19 trong toàn dân.

Việt Nam có 117.600 liều vắc xin đầu tiên: Ưu tiên trước cho lực lượng tuyến đầu - Ảnh 1.

Đúng 11h ngày 24-2, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên đã về tới Việt Nam qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bộ Y tế cho biết lô vắc xin này là sản phẩm phối hợp nghiên cứu sản xuất giữa Hãng dược phẩm AstraZeneca với Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Đầu tháng 2-2021, lô vắc xin phòng COVID-19 này đã được phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. 

Như vậy, ngoài bốn đơn vị trong nước đang "chạy đua" sản xuất vắc xin, Việt Nam chính thức có vắc xin nhập khẩu sau nhiều tháng nỗ lực đàm phán.

Bảo vệ tối đa sau 22 ngày tiêm

Đại diện hệ thống tiêm chủng VNVC, đơn vị nhập khẩu, cho biết lô vắc xin này nằm trong 30 triệu liều vắc xin của AstraZeneca, được đơn vị đặt mua trong năm 2021. Số vắc xin này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.

Sau hai liệu trình thử nghiệm, vắc xin này được chứng minh dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19. Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin giúp bảo vệ con người tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. 

Trong 90 ngày sau liều tiêm đầu tiên, hiệu lực của vắc xin đạt được 76% và được duy trì đến liều thứ hai. Nếu khoảng thời gian giữa hai liều từ 12 tuần trở lên, hiệu lực vắc xin tăng lên 81%. Các phân tích cũng cho thấy vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.

Vắc xin COVID-19 AstraZeneca được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8OC) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. 

"Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu của lô vắc xin này trong quá trình sản xuất và vận chuyển, vắc xin sẽ được đưa về kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca để thực hiện các thủ tục theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. 

Bên cạnh hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vắc xin từ AstraZeneca, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Bộ Y tế, VNVC tiếp tục đàm phán để mua thêm vắc xin COVID-19, đồng thời cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để triển khai tiêm loại vắc xin đặc biệt này" - bà Vũ Thu Hà, giám đốc cung ứng hệ thống VNVC, chia sẻ.

Ưu tiên tuyến đầu chống dịch

Có mặt trực tiếp tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 24-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định để thực hiện được mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế", nhất định cần thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng. 

Ngoài lô vắc xin này, Bộ Y tế đang tiếp tục xúc tiến việc nhập các vắc xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để triển khai tiêm vắc xin nhanh chóng và đúng theo thứ tự ưu tiên.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế - khẳng định những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên này đã có mặt kịp thời trong lúc cả nước đang ứng phó với đợt bùng phát mới. 

"Chúng tôi sẽ ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng tuyến đầu và các đối tượng theo quy định của Chính phủ, và hướng đến cung cấp đầy đủ vắc xin cho người dân trong năm 2021. Vắc xin này sẽ giúp chúng ta tiến một bước gần hơn tới việc vượt qua đại dịch COVID-19 và đưa cuộc sống trở lại bình thường", ông Long nói.

Trong khi đó, ông Nitin Kapoor - chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam - cho biết theo hướng dẫn, những liều vắc xin đầu tiên này sẽ trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Việt Nam tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên. 

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC để cung cấp vắc xin cho người dân nhanh chóng và an toàn nhất có thể", ông Nitin Kapoor nói.

Có kho chứa 170 triệu liều

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca sử dụng công nghệ vectơ virus được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia; Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vắc xin cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vắc xin trong cơ chế "tiếp cận toàn cầu với vắc xin ngừa COVID-19".

Bà Vũ Thu Hà - giám đốc cung ứng hệ thống VNVC - cho biết với hệ thống 51 kho lạnh (đạt chuẩn GSP) gồm từ 2-8ºC, 3 kho lạnh âm sâu đến -86ºC được kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt sẽ đảm bảo chất lượng vắc xin khi đưa vào sử dụng. Các kho lạnh này có tổng diện tích hơn 1.000m2, dung tích hơn 4.000m3, sức chứa có thể lên tới 170 triệu liều vắc xin tại một thời điểm ở nhiệt độ từ 8ºC đến âm sâu -86ºC.

Xã hội hóa vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm Xã hội hóa vắc xin để mở rộng đối tượng tiêm

TTO - Ngành y tế đề nghị cần sớm xã hội hóa vắc xin để mở rộng việc tiếp cận vắc xin của người dân. Ngoài ra, chiến lược “vắc xin + 5K” cần được thực hiện hiệu quả, không vì có vắc xin mà chủ quan, phải có thứ tự ưu tiên.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên