16/02/2024 22:08 GMT+7

Việt Hương bảo mùa Tết là coi như không còn biết chồng con luôn

Mùa Tết là mùa sôi động nhất của sân khấu. Khi xuân về sân khấu nào cũng chuẩn bị 2, 3 vở diễn mới để phục vụ khán giả. Bởi vậy, nghệ sĩ Việt Hương đã nói vui: “Mùa Tết là coi như em không còn biết chồng con luôn”.

Nghệ sĩ Việt Hương (thứ 2 từ phải qua) tâm sự với khán giả sau suất diễn vở kịch Tết 'Lẹ lẹ trễ phà' - Ảnh: LINH ĐOAN

Nghệ sĩ Việt Hương (thứ 2 từ phải qua) tâm sự với khán giả sau suất diễn vở kịch Tết 'Lẹ lẹ trễ phà' - Ảnh: LINH ĐOAN

Sở dĩ Việt Hương nói vậy vì năm nay sân khấu kịch thành phố ra quân rầm rộ với gần 30 vở kịch mới và mười mấy sân khấu phục vụ khán giả.

Mỗi sân khấu diễn 2 - 3 suất/ngày nên nghệ sĩ coi sân khấu là nhà và ăn Tết luôn tại sân khấu.

Việt Hương, Đại Nghĩa, Đình Toàn… ăn ngủ cùng sân khấu

Sân khấu Trương Hùng Minh do thầy trò nghệ sĩ Minh Nhí và Việt Hương thành lập đã bước sang mùa kịch Tết thứ hai.

Năm nay, mỗi ngày sân khấu diễn hai suất lúc 16h và 20h từ mùng 1 đến mùng 9.

Nghệ sĩ Việt Hương chia sẻ dù suất chiều đến 16h mới bắt đầu nhưng có những vở như Truy lùng thái tử phải đầu tư về hóa trang nên 1h chiều là mọi người lục tục tập trung vô sân khấu.

Cứ vậy nên mùa Tết diễn viên ai cũng ở sân khấu nhiều hơn ở nhà. Việt Hương vui vẻ nói: 

"Diễn liên tục cũng đuối nhưng mà vui lắm. Ai là nghệ sĩ sân khấu mới hiểu được cảm giác hạnh phúc khi diễn kịch Tết".

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Idecaf năm nay không chỉ diễn kịch người lớn mà còn có kịch thiếu nhi.

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Idecaf vui vẻ ăn Tết trong hậu trường sân khấu - Ảnh: LINH ĐOAN

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Idecaf vui vẻ ăn Tết trong hậu trường sân khấu - Ảnh: LINH ĐOAN

Kịch thiếu nhi bắt đầu lúc 10h và kịch người lớn là 16h và 20h. Đình Toàn vừa hóa trang vừa nói: "Thử năm nào mà không diễn kịch Tết coi, buồn chết. Ngày ba suất cũng cực lắm nhưng mình cảm thấy vui vì còn được khán giả yêu thương, được biểu diễn phục vụ mọi người".

Nghệ sĩ Đại Nghĩa Tết năm nay "cày" suốt 2-3 suất/ngày. Anh chia sẻ trong những công việc mà anh làm thì sân khấu luôn là nơi lãnh tiền thấp nhất.

Tuy nhiên, anh vẫn khẳng định niềm đam mê với sân khấu: "Vậy mà tôi vẫn mê diễn sân khấu. Nếu lịch diễn sân khấu có trước, các sô khác đến sau bị đụng lịch thì tôi đành phải từ chối, ưu tiên cho sân khấu".

Anh khoe bao thơ lãnh cát sê sau mỗi suất diễn và cho biết ngày Tết anh em sân khấu được diễn nhiều hơn, giá vé tăng chút đỉnh nên ông bầu tăng thêm "lương". Nhỏ nhỏ vậy mà ai cũng vui.

Các diễn viên sân khấu Thế Giới Trẻ ăn Tết rôm rả sau suất diễn vở kịch Tết 'Mỹ vị nam vương' - Ảnh: GIA BẢO

Các diễn viên sân khấu Thế Giới Trẻ ăn Tết rôm rả sau suất diễn vở kịch Tết 'Mỹ vị nam vương' - Ảnh: GIA BẢO

Ngày Tết ăn cơm đoàn, góp bánh chưng, bánh tét

Vào thời thịnh của đoàn hát ngày xưa thì chuyện nghệ sĩ ăn cơm đoàn hát không có gì lạ. Nhưng trong điều kiện hôm nay, nghệ sĩ sân khấu chỉ có cơ hội ăn cơm đoàn vào mùa Tết.

Bà bầu Mỹ Uyên của Nhà hát kịch 5B cho biết ngày nào chị cũng đổi món bánh bao, cơm hộp, hủ tiếu… để phục vụ diễn viên ăn giữa suất chiều và tối.

Diễn viên Nhà hát kịch 5B ăn bánh bao giữa hai suất diễn chiều và tối ngày 16-2 - Ảnh: NVCC

Diễn viên Nhà hát kịch 5B ăn bánh bao giữa hai suất diễn chiều và tối ngày 16-2 - Ảnh: NVCC

Nhà hát kịch Idecaf còn có cữ ăn sáng vì diễn suất 10h.

Thế nhưng Đình Toàn cười cho biết anh em toàn ăn hàng nên tới bữa bỏ cơm đoàn bị ông bầu nhằn hoài.

Vì cứ mùa Tết, cạnh bàn hóa trang trong hậu trường lúc nào cũng có một bàn đầy ắp đồ ăn mà các diễn viên đem từ nhà vô. Nào bánh tét, bánh chưng, củ kiệu, tôm khô, bánh mứt, trái cây…

Nghệ sĩ diễn xong cảnh vô cánh gà đi ngang tiện tay bốc món này món kia. Cứ nhóp nhép nhai suốt nên tới giờ cơm bụng đâu mà ăn.

Các diễn viên sân khấu than bánh tét, bánh chưng, dưa hấu… ăn nhiều nóng rất dễ tắt tiếng. Đặc biệt trong điều kiện ngày diễn ba cữ, cổ họng phải phát huy hết công suất.

Vậy nhưng vì Tết ăn bánh dường như ngon hơn nên mọi người tự "buông thả". Bởi vậy vô hậu trường sân khấu, ngoài đồ ăn thì cái mà người ta thường thấy diễn viên chuyền tay nhau là nước uống bổ phổi, những viên kẹo, thuốc ngậm trị ho, khan giọng…

Mùa này đi coi kịch thường xuyên gặp tình trạng đang diễn nghệ sĩ nói không ra hơi. Và lúc đó khán giả vỗ tay động viên để nghệ sĩ cố gắng lấy lại "tiếng nói".

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Idecaf vui vẻ sau cánh gà trong buổi diễn chiều tối ngày 16-2 - Ảnh: LINH ĐOAN

Các nghệ sĩ Nhà hát kịch Idecaf vui vẻ sau cánh gà trong buổi diễn chiều tối ngày 16-2 - Ảnh: LINH ĐOAN

Những sự cố đó với nghệ sĩ Quang Thảo là chuyện bình thường. Anh nói: "Mỗi nghề có đặc trưng riêng, nghề của mình ngày lễ Tết phục vụ khán giả là chuyện đương nhiên, và tôi xem đó là hạnh phúc.

Diễn kịch ngày Tết không khí rất sung. Khán giả mặc những bộ đồ mới, đẹp, tâm trạng vui vẻ khiến người nghệ sĩ cũng cảm thấy vui theo. Có thể nói, diễn kịch mùa Tết là những kỷ niệm khó quên với một diễn viên sân khấu".

Nghệ sĩ Nghệ sĩ 'chốt kèo' kịch Tết

Còn hơn một tháng nữa là Tết. Với làng kịch TP.HCM, đây là mùa nóng nhất và rần rần nhất trong năm: khán giả đông nhất, thu lợi nhuận nhiều nhất và nghệ sĩ khởi đầu năm mong suôn sẻ, hanh thông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên