17/02/2019 10:03 GMT+7

Viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm

NHẬT LINH - MINH TỰ
NHẬT LINH - MINH TỰ

TTO - Phát biểu tại Hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên diễn ra tại TP Huế sáng 16-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví von tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Trung như "viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm".

Viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm - Ảnh 1.

Vùng biển Chân Mây - Lăng Cô của Thừa Thiên - Huế, nơi sẽ ra đời nhiều khu du lịch đẳng cấp cao trong tương lai - Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế

Dù đánh giá cao những thành quả đạt được của ngành du lịch khu vực này trong năm qua, nhưng Thủ tướng cho rằng tiềm năng du lịch khu vực này vẫn còn rất lớn, cần có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn, mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay nhằm đón các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

Phải biết cách mài giũa ngọc thô

"Tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như là viên ngọc thô chưa được mài giũa hoặc chưa tìm được người thợ mài giũa xứng đáng. Cần phải làm cho viên ngọc này sáng lên" - Thủ tướng nói, đồng thời khuyến cáo rằng tài nguyên dù có nhiều nhưng nếu không được khai thác đúng mức vẫn sẽ cạn kiệt.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh miền Trung cần phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành du lịch làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm. Các tỉnh phải xử lý, không để nạn "chặt chém", lừa đảo, chèo kéo du khách... làm mất hình ảnh con người và đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cũng tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết thế mạnh của du lịch vùng là tiềm năng du lịch sinh thái biển, đảo, núi rừng với nhiều bãi biển đẳng cấp quốc tế và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Ngoài ra, vùng còn có thế mạnh về du lịch văn hóa với 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, thời gian qua du lịch miền Trung và Tây Nguyên chủ yếu phát triển theo chiều rộng thông qua khai thác thô tài nguyên du lịch, sự phát triển của du lịch còn chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực.

Không thể mãi "có gì dùng nấy"

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và là thành viên của Tổ tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng Chính phủ cần phải có thể chế và giao quyền cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo được sự liên kết, phát triển chung về du lịch. Như vậy mới tránh được tình trạng "mỗi tỉnh phát triển một kiểu, mạnh ai nấy chạy" như hiện nay.

Cũng theo ông Thiên, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy ngoài mức độ bền vững môi trường thấp, Việt Nam còn hạn chế ở các chỉ số như thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ toàn diện của dữ liệu du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).

Theo ông Thiên, nguyên nhân chính của tình trạng này là sự lạc hậu của quy hoạch và chính sách đầu tư, phát triển ngành du lịch. "Tài nguyên du lịch tự nhiên đang được khai thác theo cách "tận khai" nhưng được coi là "phát huy tốt nhất tiềm năng". Thực chất của phương thức này là ăn sẵn, có gì dùng nấy" - ông Thiên nói.

Viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: N.LINH

Nhắc lại bài học "liên kết, kết nối"

Cùng quan điểm, TS Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, đề nghị Tổng cục Du lịch chủ trì cùng các địa phương xây dựng cơ chế liên kết để hình thành các sản phẩm du lịch theo vùng, cụ thể ở miền Trung là vùng phía bắc và phía nam.

Theo ông Lịch, vùng du lịch phía bắc của miền Trung gồm có Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Phía nam tính từ Bình Định đến Bình Thuận gắn liền với Tây Nguyên.

"Chính phủ không nên phân bố ngân sách đầu tư cho các địa phương theo kiểu "mỗi nơi mỗi chút" mà nên phân bố cho vùng du lịch. Sử dụng ngân sách này như "vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân theo các dự án ưu tiên cho toàn vùng" - ông Lịch nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc du lịch Vietravel - cho rằng du lịch miền Trung có nhiều thứ cần phải liên kết: giao thông, sản phẩm du lịch, thị trường, quảng bá thương hiệu, nguồn nhân lực.

Đặc biệt, giao thông là vấn đề đầu tiên cần phải liên kết, và hàng không là quan trọng nhất bởi hàng không phát triển thì du lịch chắc chắn sẽ phát triển theo mà Đà Nẵng là một ví dụ điển hình.

Cũng theo ông Kỳ, sản phẩm du lịch nếu manh mún, rời rạc, thiếu kết nối... sẽ vừa làm lãng phí tài nguyên vừa giảm sức cạnh tranh của du lịch cả vùng miền Trung. Tuy nhiên cần lưu ý kết nối vùng nhưng phải giữ bản sắc của từng địa phương.

Hàng không thúc đẩy tăng trưởng du lịch

Đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp hàng không trong việc phát triển du lịch ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay nhằm đón các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa.

Thủ tướng cũng hi vọng lãnh đạo địa phương cần nhanh chóng giải quyết những đề xuất của các chuyên gia và doanh nghiệp để làm đẹp hình ảnh du lịch của đất nước, thuận lợi cho khả năng thu hút đầu tư và hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch của cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo - cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, TP miền Trung - Tây Nguyên để tiếp tục tăng cường tần suất các chuyến bay, xúc tiến mở nhiều hơn các đường bay quốc tế, các hoạt động thu hút quảng bá du lịch, đặc biệt là các thị trường quốc tế đến 12 sân bay thuộc 19 tỉnh trong khu vực...

Theo bà Thảo, tại 12 sân bay (Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Vinh, Thanh Hóa) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Vietjet là hãng hàng không tiên phong mở đường bay tới các sân bay địa phương này, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Cần thu hút các nhà đầu tư lớn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phát triển kinh tế miền Trung là vấn đề của cả quốc gia và quốc tế, chứ không phải chỉ của các tỉnh miền Trung.

"Sự có mặt của lãnh đạo cao nhất các bộ ngành, các tỉnh thành, các nhà đầu tư hàng đầu tại miền Trung hôm nay đã khẳng định điều đó. Ai cũng đã thấy tiềm năng du lịch của miền Trung nhưng không được lấy tài nguyên làm đầu mà phải đặt nặng việc đầu tư", Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, tài nguyên của miền Trung hiện vẫn đang còn như viên ngọc thô.

Cần phải thu hút các nhà đầu tư lớn để khai thác nguồn tài nguyên du lịch to lớn của miền Trung.

Các nhà đầu tư chiến lược có vai trò rất quan trọng với việc phát triển du lịch miền Trung và sự có mặt của tập đoàn kinh tế, các hãng hàng không, các quỹ đầu tư... tại miền Trung thời gian qua đã cho thấy điều đó.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý phải tìm đúng nhà đầu tư có năng lực, tránh những nhà đầu tư làm cho tài nguyên suy thoái, môi trường ô nhiễm.



NHẬT LINH - MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên