15/05/2022 08:18 GMT+7

Vì sao Ukraine ngưng trung chuyển khí đốt?

TƯỜNG ANH
TƯỜNG ANH

TTO - Lần đầu tiên kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt", Ukraine đã gián đoạn trung chuyển khí đốt khi từ chối tiếp nhận khí đốt của Nga tại một trong hai cửa nhập.

Vì sao Ukraine ngưng trung chuyển khí đốt? - Ảnh 1.

Ukraine ngưng trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu từ 11-5 qua trạm Sokhranovka - Ảnh: Md.sputniknews.ru

Ngày 10-5, Tập đoàn khí đốt Ukraine Naftogaz thông báo từ 11-5 sẽ không tiếp nhận khí đốt của Nga để vận chuyển đến châu Âu ở một trong các hướng vì lý do "bất khả kháng": Kiev mất quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng tại điểm trung chuyển khí đốt Sokhranovka. Theo Ukraine, việc tiếp tục quá cảnh "gây nguy hiểm cho sự ổn định và an ninh của toàn bộ hệ thống vận chuyển khí đốt của đất nước".

Ai vi phạm thỏa thuận?

Khí đốt của Nga sang châu Âu quá cảnh Ukraine được chuyển qua ba đường ống dẫn khí chính: 1/Urengoy - Pomary - Uzhgorod, 2/Progress và 3/Soyuz. Hai hệ thống đầu đi qua Sudzha, trạm khí đốt ở biên giới Ukraine với tỉnh Kursk của Nga. Trạm Sudzha vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ukraine. Naftogaz đề xuất chuyển hướng dòng khí đến đây. Nếu điều này xảy ra, họ sẵn sàng tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình như trước.

Soyuz là hệ thống đường ống dẫn khí đốt cũ hơn, chạy qua Sokhranovka, nằm ở tỉnh Lugansk mà Ukraine đã mất quyền kiểm soát. 1/3 tổng lượng khí xuất khẩu của Nga sang châu Âu được bơm qua hệ thống này.

Trong khi đó, đại diện Công ty Gazprom (Nga) là ông Sergey Kupriyanov cho biết họ không nhận được bất kỳ xác nhận nào về các trường hợp bất khả kháng, và "quá cảnh qua Sokhranovka đã được cung cấp đầy đủ, không có khiếu nại từ các đối tác". Nga cho rằng Kiev đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bởi Nga vẫn cung cấp đủ lượng khí đốt cho châu Âu: gần 96 triệu m3/ngày. Riêng khí đốt quá cảnh qua Suzhda trong ngày 12-5 vẫn là 50,6 triệu m3, khối lượng đã được phía Ukraine xác nhận.

Quyết định ngăn dòng khí đốt quá cảnh (qua Sokhranovka), theo ông Sergey Kupriyanov, nhằm mục đích "giảm độ tin cậy việc cung cấp khí đốt của Nga". Ông nói thêm: "Ukraine đã tạo ra những điều kiện để lượng khí đốt vận chuyển qua lãnh thổ của họ thấp hơn 34% so với công suất mà Gazprom đã đặt hàng và thanh toán".

Đức là nạn nhân đầu tiên. Lượng khí đốt của Nga đến Đức thông qua Ukraine đã giảm 25% trong ngày 11-5. Berlin buộc phải khẩn cấp yêu cầu tăng cường khí đốt từ các kho dự trữ Na Uy và Hà Lan. Nạn nhân tiếp theo là Moldova và Pridnestrovie - các nước và lãnh thổ hiện đang nhận khí đốt Nga từ cổng Sokhranovka.

Ba kịch bản

Ông Aleksey Gromov thuộc Viện Năng lượng và tài chính Nga cho rằng Ukraine đã "ném thêm một viên đá nữa vào việc phá hủy mối quan hệ khí đốt Nga - châu Âu đã phát triển trong 50 năm qua", và "xuất phát từ động cơ chính trị".

Đại biểu Duma Nga ở Crimea Mikhail Sheremet nhắc rằng Kiev đã mất quyền kiểm soát trạm Sokhranovka suốt 4 tuần qua nhưng chỉ ngưng trung chuyển khí đốt vào 11-5 sau khi có các đồn đoán về thủ tục kéo dài để vào EU, một việc theo ông nhằm tăng sức ép với Brussels.

Cổng thông tin News-infront giả định ba kịch bản để giải quyết tình hình hiện tại. 

Trong trường hợp đầu tiên, châu Âu sẽ can thiệp và một giải pháp thỏa hiệp sẽ được tìm thấy tại các cuộc đàm phán ba bên. Giải pháp đơn giản nhất là đồng ý với đề xuất của Ukraine chuyển 30 triệu m3 khí lẽ ra phải quá cảnh ở Sokhranovka, sang cổng Sudzha. Tuy nhiên, Gazprom đã trả lời họ "không có khả năng kỹ thuật nào để chuyển hướng số lượng khí lớn như vậy sang Sudzha", chưa kể theo họ, Kiev đã vi phạm thỏa thuận.

Theo kịch bản thứ hai, châu Âu không đạt được thỏa hiệp giữa các bên và Gazprom sẽ chuyển hướng một phần khối lượng giảm sang các tuyến đường thay thế, cụ thể là Dòng phương bắc - 1 để đưa khí đốt vào Đức. "Tuy nhiên, đường ống dẫn khí này đã được bơm gần hết công suất", ông Alexey Gromov nói.

Hiện vẫn còn đường ống Yamal - châu Âu chạy qua Ba Lan đến Đức. Tuy nhiên, việc chuyển khí đốt từ Ukraine sang tuyến đường này là không thể chấp nhận về mặt kinh tế với Gazprom. Vì họ sẽ vừa phải trả tiền cho một phần quá cảnh (rỗng) qua Ukraine vừa phải trả thêm tiền cho việc quá cảnh (thật) qua Yamal - châu Âu.

"Nga sẽ bị thiệt hại chỉ vì Ukraine đơn phương từ chối tiếp nhận khí đốt thông qua Sokhranovka", theo ông Gromov. Đó là chưa kể các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga với 31 công ty năng lượng của Mỹ, EU và Singapore đã cấm sử dụng các cơ sở của Yamal - Europe để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ba Lan.

Kịch bản thảm khốc nhất là việc dừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine mà mỗi bên đều có thể là người khởi xướng. Chẳng hạn Gazprom sẽ chỉ trả cho Ukraine cho khối lượng khí được bơm thực tế (thấp hơn so với hợp đồng). Đáp lại Ukraine có thể từ bỏ hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt của Nga. Hoặc Gazprom sẽ coi toàn bộ câu chuyện này như một thời điểm lý tưởng để phá vỡ hợp đồng do chính Kiev là bên vi phạm thỏa thuận.

Việc Ukraine giảm trung chuyển đã làm tăng giá khí đốt: tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 12-5, giá khí đốt đã vượt quá 1.200 USD/1.000m3.

Trong khi đó, theo Hãng tin Bloomberg, 20 khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga đã mở tài khoản với Gazprombank (để thanh toán bằng đồng rúp) và 14 khách hàng khác đang yêu cầu các tài liệu cần thiết để mở tài khoản.

Chiến sự Ukraine và cục diện mới tại Bắc Âu Chiến sự Ukraine và cục diện mới tại Bắc Âu

TTO - Nếu không thay đổi bất ngờ vào phút chót, vào ngày 16-5, hai nước Phần Lan và Thụy Điển dự kiến sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp các cảnh báo từ Nga.

TƯỜNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên