20/02/2019 08:41 GMT+7

Vì sao tàu liên tục trật bánh?

ĐỨC PHÚ - A LỘC
ĐỨC PHÚ - A LỘC

TTO - Chỉ trong vòng 20 ngày, thời điểm mà ngành đường sắt tổ chức chiến dịch phục vụ Tết Nguyên đán, đã xảy ra 4 vụ tàu trật bánh làm rối loạn biểu đồ chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Nguyên nhân vì đâu?

Vì sao tàu liên tục trật bánh? - Ảnh 1.

Tàu AH2 bị trật bánh khu vực ga Suối Kiết, Bình Thuận sáng 19-2 - Ảnh: T.N.

Từ các báo cáo hiện trường, phóng viên Tuổi Trẻ đi tìm nguyên nhân một số vụ tàu trật bánh trong thời gian qua.

Tàu... chạy qua 3m không có ray

Ở vụ tàu khách TN7 trật bánh tại khu vực Đồng Nai, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, các hồ sơ lập sau sự cố xảy ra thể hiện tàu TN7 rạng sáng 14-2 hướng Hà Nội - Sài Gòn chạy qua địa phận TP Biên Hòa (Đồng Nai), khi đến km1692 + 970 đã trật bánh 2 toa, đoàn tàu tiếp tục "trượt" thêm một đoạn đến km1694 +400 mới dừng lại hẳn.

Tại hiện trường, các thanh ray gãy thành nhiều khúc và việc khắc phục sự cố phải mất hơn 5 giờ mới xong.

Từ hồ sơ, một nguyên cán bộ đường sắt đánh giá sự việc nêu trên là một trong những sự cố hiếm có bởi quá trình tàu TN7 di chuyển, đoạn ray bị gãy đã tạo ra một khoảng trống mà các toa tàu lướt qua không có ray với khoảng cách 3m.

"Rất may, vị trí sự cố gãy ray có địa hình nằm trên đường thẳng, nếu là đường cong có thể dẫn đến nguy cơ cả đoàn tàu nghiêng đổ. Nhiều vụ gãy ray khác khi phát hiện ra, ray vẫn nằm trên đường. Còn với vụ này, các toa tàu chạy qua khoảng cách 3m mà không có ray" - vị này đánh giá.

Trong khi vụ tàu TN7 trật bánh ở Đồng Nai đã cơ bản xác định được nguyên nhân thì 3 vụ trật bánh trong chiến dịch tết đang nối đuôi nằm chờ lịch... phân tích.

Cụ thể, khoảng 2h sáng 27-1 đoàn tàu khách SE1 chạy hướng Hà Nội - Sài Gòn bị trật bánh tại ga Sông Lòng Sông (xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Phải mất 13 giờ sự cố này mới được khắc phục khiến hàng loạt chuyến tàu tết sau đó chậm giờ liên tục trong 7 ngày tết.

Đến 19h tối 18-2, tàu chở hàng SBN1 đi từ Bắc vào Nam bị trật bánh khỏi đường ray ở đoạn qua ga Mỹ Lý - Quán Hành (Nghệ An). Tiếp theo, khoảng 8h ngày 19-2, trong lúc vào ga Suối Kiết (Bình Thuận), đoàn tàu hàng AH2 đã trật bánh hai toa, một toa lật ngang khiến tàu AH2 đứt đôi.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết hiện các sự cố trật bánh nêu trên đang được hội đồng phân tích sự cố của ngành đường sắt đánh giá tìm nguyên nhân.

Mất hơn 89 năm mới thay hết ray cũ

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Cụ thể, hiện đơn vị đang quản lý 2.548km đường chính tuyến, 503km đường ga... trên tất cả mạng đường sắt.

Còn đối với ray trên tuyến đường sắt quốc gia, hiện chủ yếu vẫn xài thanh ray loại P43 (43kg/1m) dài 12,5m, các thanh ray đã mòn, nhiều khuyết tật do sử dụng qua nhiều năm mà chưa được thay thế.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết qua kiểm tra kỹ thuật trên toàn mạng đường sắt, cần phải có khoảng 206.900 thanh ray loại P50 (50kg/1m) với chiều dài 25m/thanh để thay thế các thanh ray loại P43 đã mòn, khuyết tật.

Tính bình quân, mỗi năm đường sắt phải cần bổ sung, thay thế 15.414 thanh ray trong khi với nguồn vốn ngân sách cấp cho bảo trì đường sắt hiện tại chỉ thay được 2.300 thanh ray/năm. Điều này cũng đồng nghĩa nếu vốn ngân sách cấp như hiện nay, phải mất hơn 89 năm mới có thể thay thế hết được.

Sau thanh ray là nền đường

Theo ông Đoàn Duy Hoạch - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện mỗi năm vốn từ ngân sách rót xuống cho việc duy tu, sửa chữa bảo dưỡng tuyến đường sắt chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu.

"Dù vậy, chúng tôi đã có các quy trình kiểm tra, tuần tra chặt chẽ và siêu âm các đoạn ray mọt, ray gãy... nhằm phát hiện các điểm mất an toàn. Trên thực tế, nhiều vụ ray hỏng, ray mục đã được các đơn vị kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự cố trước khi tàu chạy qua" - ông Hoạch nói.

Nhận định vấn đề trên, một chuyên gia đường sắt cho rằng về nguyên tắc, ray P50 sẽ có chất lượng và độ chịu lực tốt hơn. Tuy nhiên, đối với các vụ gãy ray, ngoài yếu tố chất lượng ray còn có thêm một yếu tố khác đó là chất lượng nền đường.

"Ray có cứng hơn nữa mà nền đường không tốt vẫn sẽ ảnh hưởng. Nền đường yếu quá, ray không chịu được, hàng tấn đầu máy đè lên thì nguy cơ gãy ray rất cao" - vị này nói.

Thông đường sắt Bắc - Nam qua Bình Thuận sau 7 giờ tê liệt

Lúc 14h23 ngày 19-2, tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn qua ga Suối Kiết (Bình Thuận) đã được thông tuyến sau sự cố tàu AH2 trật bánh vào sáng cùng ngày.

Sự cố làm tuyến đường sắt tê liệt khoảng 7 giờ. Nhiều đoàn tàu phải nằm chờ tại các ga lân cận chờ thông tuyến. Nhằm đảm bảo chuyện đi lại của người dân trong thời điểm tuyến đường sắt ách tắc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có công điện bãi bỏ tàu SQN5 chạy từ Quy Nhơn - Sài Gòn tại ga Bình Thuận.

Các hành khách tàu này được các đơn vị đường sắt chuyển tải bằng ôtô từ ga Bình Thuận về ga Sài Gòn. Các đoàn tàu khách khác như: SE8, 17, SE19 cũng được chuyển tải khi qua điểm sự cố.

Đầu máy tàu khách trật bánh vì xe container bất cẩn Đầu máy tàu khách trật bánh vì xe container bất cẩn

TTO - Tàu khách ĐĐ6 chở khách từ Lạng Sơn về Hà Nội đã va chạm với một xe container đang băng qua đường ngang khiến đầu máy bị trật bánh vào tối 19-2.

ĐỨC PHÚ - A LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên