19/08/2019 10:23 GMT+7

Vì sao ông Trump muốn có Greenland?

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)

TTO - Tổng thống Donald Trump sẽ thăm chính thức Đan Mạch trong 2 ngày đầu tháng 9 tới. Chuyến thăm chưa diễn ra mà đã được bàn tán rần trời.

Vì sao ông Trump muốn có Greenland? - Ảnh 1.

Trẻ em Greenland chơi đùa với một tảng băng ở Nuuk - Ảnh: REUTERS

Nếu Greenland bị bán cho Mỹ thì đó sẽ là một thảm họa đúng nghĩa.

Rufus Gifford (cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch)

Theo Nhà Trắng, ngoài các cuộc gặp lãnh đạo chính trị, Tổng thống Trump sẽ gặp "các nhà lãnh đạo doanh nghiệp" trong chuyến thăm này nhưng không đưa ra chi tiết. 

Vấn đề là báo Wall Street Journal của Mỹ tung tin trong một bữa ăn, ông Trump nói muốn mua Greenland - đảo lớn nhất thế giới, hiện là một khu vực tự trị về hành chính của Đan Mạch.

Cho dù là không chính thức, tuyên bố này cũng đủ để gây xôn xao dư luận quốc tế và khiến người Đan Mạch đứng ngồi không yên.

Mấu chốt là Bắc Cực

Lời ông Trump thốt ra, dù vô tình hay cố ý, đã nói lên sự quan tâm mà Mỹ dành cho Greenland và ý đồ tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng Bắc Cực, cũng như quyết tâm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng hé mở cho biết bà và Tổng thống Trump sẽ thảo luận về "các vấn đề toàn cầu về lợi ích chung và làm thế nào chúng ta có thể tăng cường hợp tác giữa Đan Mạch và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như chính sách an ninh, vấn đề Bắc Cực, thúc đẩy thương mại và đầu tư". 

Tổng thống Trump cũng sẽ tiếp xúc với lãnh đạo Greenland là Kim Kielsen và Aksel V. Johannesen, lãnh đạo quần đảo Faroe, cũng thuộc Đan Mạch.

Thế nên thông tin ông Trump có ý tưởng mua Greenland, một nơi cách Mỹ không xa và có một vị trí chiến lược quan trọng đối với Mỹ, không phải là không có cơ sở. 

Các cố vấn của ông Trump vẫn luôn nói tới chuyện Mỹ nên tăng cường khả năng chiến lược của mình ở Bắc Cực. 

Tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực ở Rovaniemi (Phần Lan) vào tháng 5 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu ngụ ý hội đồng phải ngăn chặn sự bành trướng của Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. 

Ngoại trưởng Pompeo lưu ý là "Trung Quốc cách Bắc Cực 1.450km" và "không được xem là một quốc gia Bắc Cực", cho dù Bắc Kinh đang cố gắng phát minh ra khái niệm "gần Bắc Cực".

Đáng chú ý là việc cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định "Mỹ đã đến quá muộn cho cuộc chơi" vì khi Washington tập trung vào Thái Bình Dương và Trung Đông thì người Nga và Trung Quốc phát triển sức mạnh của họ xung quanh Vòng Bắc Cực. 

Với kinh nghiệm là cựu giám đốc điều hành của Công ty dầu mỏ ExxonMobil, ông Tillerson có đủ tư cách để nói về tài nguyên dầu khí dưới lòng đất Greenland và Bắc Cực. 

ExxonMobil từng hợp tác với Công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga, thành lập liên doanh Exxon Neftegas năm 2013. 

Do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga nên các công ty dầu mỏ của Mỹ gần như không có mặt ở Bắc Cực.

Trung Quốc đòi can thiệp

Trong khi đó, các công ty Trung Quốc và các công ty có sự đầu tư của Trung Quốc đã tích cực và nhanh chóng triển khai các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng biển tại thủ phủ Nuuk, các dự án khai thác đất hiếm tại nam Greenland từ nhiều năm qua. 

Quan trọng hơn là Trung Quốc đã chế tạo một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân khổng lồ và đang chế tạo tàu thứ hai, cho dù trên thực tế Trung Quốc không được định nghĩa là một quốc gia vùng Bắc Cực.

Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ không "can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Bắc Cực", nhưng nếu có những vấn đề liên quan đến các vấn đề toàn cầu thì Trung Quốc sẽ can thiệp.

Do vậy, cùng với sự hiện diện quân sự gia tăng của Nga và NATO ở Bắc Cực thì đây có thể được xem như cuộc đấu tranh quyền lực giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ, với Greenland và Đan Mạch bị kẹt ở giữa (theo nhận định của báo Berlingske của Đan Mạch ngày 16-8).

Cả Đan Mạch lẫn lãnh đạo Greenland đều nhanh chóng khẳng định sẽ không bán Greenland, nhưng người ta có thể dễ dàng đoán được ít nhất hai trong số những nội dung liên quan tới Bắc Cực trong cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Frederiksen.

Một là bằng cách nào đó Mỹ sẽ phải giành được nhiều quyền lực hơn tại Greenland. Đây có thể là các thỏa thuận đầu tư mới, thí dụ xây dựng một sân bay mới hoặc cải tạo sân bay cũ ở Sdr. Strømfjord, nay được gọi là Kangerlussuaq. 

Vấn đề thứ hai là phòng thủ, liên quan đến trách nhiệm chung để bảo vệ không chỉ Greenland mà còn liên minh NATO. 

Đan Mạch vẫn chưa đạt mức đóng góp 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quỹ NATO theo quy định, cho dù nguyên thủ tướng Lars Løkke Rasmussen đã hứa với Mỹ điều này.

Phía Đan Mạch chẳng bao giờ muốn Greenland trở thành trung tâm của một trận chiến giành lãnh thổ, các thềm lục địa và lãnh hải giữa các nước lớn. 

Đây là khả năng rất dễ xảy ra nếu như họ bán, dù chỉ một phần nhỏ của Greenland, cho Mỹ. 

Khi đó Nga chắc chắn sẽ không đối xử như hiện nay với Greenland - hòn đảo lớn nhất thế giới thuộc về một vương quốc chỉ có 5,5 triệu dân.

Tại sao ông Trump để ý và muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch? Tại sao ông Trump để ý và muốn mua đảo Greenland của Đan Mạch?

TTO - Giới quan sát dồn sự chú ý vào Greenland khi người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump, được ghi nhận đang mong muốn mua lại hòn đảo to lớn Greenland, xứ tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch.

QUẾ VIÊN (từ Đan Mạch)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên