05/02/2015 10:30 GMT+7

​Vì sao NatGeo đồng ý SonDoong 360?

HUY TƯỜNG
HUY TƯỜNG

TT - Martin Edström đã hết sức tự hào khi được lọt vào danh sách nhận tài trợ của Quỹ khám phá toàn cầu...

Nhóm thực hiện dự án SonDoong 360 trao đổi với ông Howard trước khi chính thức vào rừng - Ảnh: H.Tường

Quỹ khám phá toàn cầu của NatGeo (National Geographic) là một nguồn tài trợ mà các nhà thám hiểm, các nhà khoa học, các nhà báo trên thế giới luôn khát khao được nhận tài trợ. Mục tiêu của quỹ là thúc đẩy, khích lệ khoa học, thám hiểm, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa.

Từ năm 1888 đến nay, quỹ đã trao tài trợ cho hơn 10.000 dự án với tổng số tiền hơn 153 triệu USD.

Trong đó có những dự án nổi tiếng thế giới như năm 1909 tài trợ cho đô đốc Robert E. Peary thực hiện chuyến thám hiểm Bắc cực, năm 1938 tài trợ cho một đoàn thám hiểu tìm ra bằng chứng về sự tồn tại của nền văn minh Olmec, tài trợ cho nhà khảo cổ học Johan Reinhard và tìm ra xác ướp 500 năm tuổi của một cô gái Inca...

Từ nỗi lo cho Sơn Đoòng

Như bài trước đã nói, vào đầu năm 2014, trong một lần xem và đọc một cách nghiêm túc về Sơn Đoòng, cảm nhận của Martin về di sản thiên nhiên này là sự choáng ngợp về vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng đầy mỏng manh của nó do được cấu tạo bởi đá vôi.

Ngay lập tức Martin nghĩ ngay đến việc thực hiện dự án SonDoong 360 và phác thảo nó gửi ngay đến NatGeo.

Cùng thời điểm này, giới quan tâm đặc biệt đến Sơn Đoòng cũng lao xao bàn tán về câu chuyện Quảng Bình đang nghiên cứu thực hiện một đề án xây dựng cáp treo vào đó nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương.

Vì vậy, khi đọc trong phác thảo dự án SonDoong 360 của Martin có nêu “mục tiêu của dự án là ghi lại hình ảnh của một Sơn Đoòng nguyên vẹn, như cất giữ một báu vật thiên nhiên ban tặng đang có khả năng bị hủy hoại trong tương lai. Và cách thức thực hiện - ảnh 360 - là phương tiện hiệu quả nhất trong vấn đề tương tác với người xem”, thì lập tức NatGeo đồng ý tài trợ cho dự án này từ Quỹ khám phá toàn cầu.

NatGeo hi vọng sẽ nhiều người cảm nhận được cảm giác được thám hiểm hang động lớn nhất thế giới này, đồng thời làm giảm bớt áp lực cho hệ sinh thái của di sản tự nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tiền tài trợ từ Quỹ khám phá toàn cầu thật ra không lớn nhưng là “thương hiệu bảo chứng” cho giá trị của dự án, giúp các tác giả có thể dễ dàng tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài trợ khác để đảm bảo cho việc thực hiện.

Nhờ vậy, dù trong năm 2014 phải thực hiện đến ba dự án 360 khác nhưng Martin cũng đã giải quyết được mọi vấn đề trong vòng chín tháng, thu hút được 11 nhà tài trợ khác nhau, và đều là những thương hiệu nổi tiếng thế giới về máy tính, sản xuất trang thiết bị phục vụ thám hiểm... cho dự án SonDoong 360.

Và dĩ nhiên, một chuyện cũng quan trọng không kém là lập một êkip làm việc ăn ý. Chiều 21-1-2015, Martin cùng với sáu cộng sự đã rời Thụy Điển để trực chỉ đến Phong Nha, Quảng Bình nhằm thực hiện dự án SonDoong 360.

Đội hình bao quanh Martin bao gồm Katja Adolphson, Mats Kahlström, Fredrik Edström, Erik Hinnerdal, Sebastian Zethraeus và Alfred Runow, phần lớn là bạn bè của Martin từ những năm 6, 7 tuổi, trong đó có Fredrik là em trai và Katja là bạn gái của Martin.

Nghề nghiệp chính của họ có thể khác nhau, như Katja hiện đang học y tại Đại học Uppsala, Mat là nhiếp ảnh gia hiện sống tại Norway, Fredrick là cố vấn truyền thông, Erik vừa tốt nghiệp y khoa từ Đại học Uppsala, Sebastian làm phát triển game và Alfred làm giám sát xây dựng.

Các cộng sự tuy không phải là dân làm báo chuyên nghiệp nhưng nhiếp ảnh, quay phim cũng là nghề tay trái của họ, đặc biệt tất cả đều chung một nỗi đam mê, quan tâm đến thiên nhiên, di sản văn hóa.

Một porter với hàng chục ký hàng hóa phục vụ hành trình - Ảnh: Huy Tường

Lên đường...

Sau 26 giờ bay từ Stockholm, đoàn của Martin đã đặt chân tới sân bay Đồng Hới cách Phong Nha 53km. Sau 45 phút lái xe, Phong Nha hiện lên như một bức tranh vẽ với ruộng lúa xanh hai bên con đường, những ngọn núi đá vôi mọc lên phía xa xa.

“Di sản thiên nhiên thế giới - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng” - dòng chữ lớn trên ngọn núi đá vôi bên đường hiện lên như một niềm tự hào của người dân nơi đây.

Trụ sở chính của Oxalis nằm bên con sông Son xanh biếc, lâu lâu thấp thoáng bóng đò của người vớt rong. Oxalis là công ty duy nhất được phép thực hiện tour vào Sơn Đoòng, đồng thời tổ chức nhiều tour khác khám phá hệ thống hang động đá vôi đặc sắc tại Phong Nha.

Oxalis là tên khoa học của loài hoa chua me đất mọc ven bờ sông Son, giản dị khiêm tốn nhưng lại là cái duyên của vùng làng quê vốn nghèo khó này.

Ở đây đoàn gặp Howard Limbert, người sẽ giám sát và hỗ trợ dự án này. Howard chính là người dẫn đầu đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Anh tới Sơn Đoòng năm 2009. Ông đã gắn bó với Phong Nha từ những năm 1990. Cùng với vợ mình, Deb Howard, họ đã khảo sát thêm nhiều hang động mới tại Phong Nha.

Mỗi khi có những đoàn làm phim, nhiếp ảnh từ các quốc gia trên thế giới đến đây, ông cũng chính là người đi theo hướng dẫn và hỗ trợ. Howard phổ biến các thông tin về Sơn Đoòng, đồng thời giúp chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho chuyến đi.

Sau cuộc gặp gỡ với Howard, đoàn của NatGeo khẩn trương bắt tay vào việc chuẩn bị cho chuyến đi vào Sơn Đoòng.

Để thực hiện một tường thuật về Sơn Đoòng dưới hình thức ảnh 360, nhóm Martin đã mang theo gần 40 máy ảnh to nhỏ khác nhau, trong đó có rất nhiều máy nhà nghề trị giá cả trăm triệu đồng/chiếc cùng với những ống kính “mắt cá” (fish eye), ống kính góc rộng 24mm, 35mm.

Ban đầu tôi thấy làm lạ vì sao họ không mang ít máy hơn và thay đổi ống kính để hành lý nhẹ hơn? Mãi đến khi vào Sơn Đoòng, tôi mới biết nếu cứ tháo tháo lắp lắp trong môi trường luôn va chạm với bùn cát và nước thì khó mà giữ sạch được cảm biến của máy ảnh.

Cùng với dàn máy ảnh khủng là lủ khủ máy tính, bộ đàm, thiết bị vệ tinh, máy phát điện... Trong đó tôi đặc biệt ấn tượng với ba cây đèn không lớn lắm, nhưng mỗi cây có độ sáng đến 30.000 lumen, tương đương với 60 chiếc đèn compact 11W mà chúng ta thường sử dụng trong gia đình.

Tôi mừng thầm trong bụng, kiểu này mình “ăn theo” để chụp ảnh được rồi, bởi nhiều người từng đi trước đã than cái khó nhất là chụp ảnh trong hang cho đẹp vì không đủ ánh sáng.

Nhóm Martin ngồi tính toán những thiết bị nào cần ở đâu, ai phụ trách và phân chia kỹ lưỡng để cho nhân viên khuân vác (porter) có thể sắp xếp và mang theo một cách khoa học nhất. Anh cho tôi biết tất tần tật các loại thiết bị phục vụ cho dự án cân nặng khoảng 220kg!

Kết thúc việc chuẩn bị, các thiết bị đã được đóng gói xong, mọi người đi con đường dọc bờ sông Son, rẽ vào ngôi làng một bên, nơi những phụ nữ đang gieo mạ cho một mùa lúa mới. Phong Nha mùa lúa mới tràn ngập sức sống.

Những phụ nữ vừa làm ruộng vừa tươi cười, nụ cười rực rỡ. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy thật thoải mái trước giờ G - vào sáng 25-1 sẽ xuất phát vào Sơn Đoòng.

_________

Anh Toàn, một người dân địa phương làm porter (nhân viên khuân vác), trả lời cho sự háo hức của chúng tôi: “Trong ấy đẹp lắm em ạ. Anh đi không biết bao nhiêu lần rồi mà lần nào vào cũng thấy đẹp. Mỗi lần thấy một vẻ đẹp khác nhau, không từ nào tả xiết”.

Kỳ tới: “Đẹp, không từ nào tả xiết!”

HUY TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên