26/11/2022 15:38 GMT+7

Vì sao hơn 127.000 doanh nghiệp trong nền kinh tế không có kết quả sản xuất kinh doanh?

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam vừa được công bố, có tới 127.300 doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế không có kết quả sản xuất kinh doanh, không có doanh thu, con số này có xu hướng tăng lên trong những năm COVID-19.

Vì sao hơn 127.000 doanh nghiệp trong nền kinh tế không có kết quả sản xuất kinh doanh? - Ảnh 1.

Có tới hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có doanh thu - Ảnh: Q.P.

Cụ thể, trong năm 2020 cả nước có hơn 811.500 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có hơn 684.200 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Phí Hương Nga - phó vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê - cho biết đây là con số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mới nhất được công bố trong Sách trắng doanh nghiệp năm 2022.

Về xu hướng kinh doanh, bà Nga thừa nhận những năm COVID-19 vừa qua số doanh nghiệp không có kết quả sản xuất kinh doanh đang tăng lên.

Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, tính đến hết năm 2021 cả nước có hơn 857.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Cũng trong năm này, cả nước có hơn 116.800 doanh nghiệp thành lập mới, 43.116 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hơn 54.900 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, và hơn 16.700 doanh nghiệp giải thể.

Giải thích về con số hơn 127.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh, bà Nga cho hay con số doanh nghiệp đang hoạt động là số do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hằng tháng trên hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thực tế chỉ những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh, có phát sinh doanh thu, lỗ, lãi mới là những doanh nghiệp thực sự đóng góp cho nền kinh tế, còn những doanh nghiệp đang hoạt động theo ghi nhận từ cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh không có nhiều ý nghĩa.

Tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên hệ thống này theo bà Nga gồm các trường hợp: doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp có đăng ký nhưng không hoạt động và không đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh; doanh nghiệp đã dừng hoạt động kinh doanh nhưng còn nợ thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, chưa cho ngừng hoạt động. Đây là những doanh nghiệp treo thuế.

Tất cả những doanh nghiệp nhóm nói trên thì hệ thống đăng ký kinh doanh vẫn báo đang hoạt động bình thường, bà Nga cho biết thêm.

Cũng theo bà Nga, có những doanh nghiệp thực tế đã ngừng hoạt động nhưng họ không làm thủ tục ngừng hoạt động thì cơ quan quản lý không rõ tình trạng của họ thế nào. Kể cả những doanh nghiệp đang hoạt động nhưng khi cơ quan thống kê thu thập thông tin mà không có kết quả sản xuất kinh doanh thì cơ quan thống kê cũng loại ra, không tính vào số doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ những doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn 0 mới được tính là doanh nghiệp có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quan sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp cố duy trì hoạt động dù không có doanh thu. Họ cũng chấp nhận trả lương lao động. Họ không làm thủ tục giải thể để chờ COVID-19 qua đi sẽ kinh doanh tiếp.

Đó là lý do số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế vênh với số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh, bà Nga nhấn mạnh.

Còn theo một lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên hệ thống đăng ký kinh doanh là những doanh nghiệp có kê khai thuế thường xuyên, đúng định kỳ, thực sự đang sống, và cơ quan thuế vẫn theo dõi hoạt động một cách sát sao.

Số doanh nghiệp có phát sinh doanh thu được công bố theo điều tra của Tổng cục Thống kê, căn cứ vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Sự vênh nhau này là bình thường trong nền kinh tế vì có những doanh nghiệp đang đầu tư mọi thứ để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh thì chưa thể có doanh thu được.

Ví dụ như khi Apple, Samsung vào Việt Nam thì trong năm đầu tiên họ xây dựng nhà xưởng, nhà máy thì không thể có doanh thu. Chỉ khi nào doanh nghiệp bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ mới có doanh thu phát sinh.

Và ngay trong quá trình chuẩn bị đầu tư, không có doanh thu thì doanh nghiệp vẫn đóng góp cho GDP nền kinh tế vì chủ doanh nghiệp vẫn phải tiêu dùng, vẫn mua sắm trang thiết bị, máy móc, vẫn kê khai thuế giá trị gia tăng, nộp thuế môn bài. Đây là chuyện bình thường trong nền kinh tế. Không có mâu thuẫn giữa hai con số được công bố, đây là hai góc nhìn khác nhau, vị đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khẳng định.

Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy điều gì? Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy điều gì?

TTO - Theo Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, trong đó riêng TP.HCM có 268.400 doanh nghiệp, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp cả nước.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên