Vì sao họ ở lại với nghề giáo?

ĐINH THU HỒNG 20/11/2022 09:28 GMT+7

TTCT - Đã có quá nhiều bài viết, bình luận, phân tích, thậm chí cả hội thảo, nghiên cứu... về việc giáo viên bỏ nghề. Những thông tin như lương thấp, căng thẳng, thiếu hỗ trợ… tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng với những người đang ở lại với nghề, điều gì giữ họ ở lại?

Vì sao họ ở lại với nghề giáo? - Ảnh 1.

Một buổi tập huấn chuyên môn về môn viết do cô Thu Hồng thực hiện với giáo viên trong trường. Ảnh tác giả cung cấp

Đã 6h30 chiều, cô Hills vẫn loay hoay trang trí nốt cho lớp học của mình. Cô tỉ mẩn từng chi tiết, quên cả thời gian và khoảng tối đang loang rộng ngoài sân trường. Mỗi chi tiết đều để trả lời một câu hỏi: Như thế này thì bọn trẻ có thích không. Cô Hills đã đi dạy được 15 năm. Thường thì những người ở lại sau 5h chiều ở trường là các giáo viên mới ra trường.

"Học trò chính là điều khiến tôi đi sớm về muộn mỗi ngày, khiến tôi không bỏ nghề. Gương mặt của các em, sự hứng thú của các em trong từng buổi học làm nồng ấm trái tim tôi" - cô Akilah Williams, giáo viên lớp 5 tại học khu Clayton, bang Georgia (cùng học khu với cô Hills) chia sẻ.

Nghề dạy học, về bản chất là xử lý những mối quan hệ, nhất là với những đứa trẻ, hiểu nhu cầu của trẻ, nuôi dưỡng niềm đam mê của chúng, tìm hiểu xem điều gì làm chúng hạnh phúc. Tôi đã đi dạy 10 năm nhưng vẫn luôn thấy mình trong những cảm giác này: nỗi nhớ học sinh của mình mỗi khi có kỳ nghỉ lễ, thấy thương khi học trò mình nhiều khi đi học mà bụng còn đói, hay đến trường với tâm trạng không vui khi vừa phải chứng kiến một bi kịch nào đó của gia đình. 

Đối với rất nhiều học sinh của tôi, đặc biệt là học sinh nhập cư, lớp học và trường học là nơi duy nhất các em cảm thấy được an toàn, được ăn no, được quan tâm. Các em chính là động lực để chúng tôi ra khỏi giường đi vào nơi giá rét mỗi sáng mùa đông, lái xe cả trăm cây số đi về mỗi ngày qua nhiều đoạn đường tắc, là lý do chúng tôi vào nghề và cũng là lý do chúng tôi ở lại. Các em với những nụ cười và vòng tay ôm chặt... làm chúng tôi quên đi những vất vả băn khoăn khó khăn của mình.

Làm việc với các em tự nó đã là một phần thưởng, bởi chúng tôi không thể thay đổi hoàn cảnh gia đình của các em, không thể tự biến lớp học của mình thành một không gian hiện đại bậc nhất với đầy đủ các tài nguyên. Chỉ còn lại mối quan hệ giữa người với người là điều quan trọng. Nếu không yêu trẻ thì khó có giáo viên nào có thể trụ lại với nghề.

Thế nhưng, liệu sự hài lòng với công việc nói chung của giáo viên chỉ phụ thuộc vào mối quan hệ và gắn bó, tình yêu thương với học sinh?

Đã có những sáng kiến cụ thể tại tiểu bang của tôi để hỗ trợ giáo viên như tăng lương (thống đốc bang Brian Kemp đã ký ngân sách 2023, trong đó tăng thêm 2.000 USD cho lương giáo viên bậc phổ thông K12 - mẫu giáo đến lớp 12); nhiều sáng kiến để khuyến khích gia tăng giáo viên do các đại học có chương trình đào tạo giáo viên như Georgia Gwinnett College thực hiện - Education Fellowship, cho sinh viên năm cuối vừa đi học (vào cuối tuần) vừa đi làm trực tiếp tại các trường học vào các ngày trong tuần.

Tuy nhiên, theo tôi, bốn yếu tố sau đóng vai trò quan trọng đặc biệt và gây ảnh hưởng tích cực đến việc "giữ chân" giáo viên:

Sự lãnh đạo tốt của ban giám hiệu: "Giáo viên muốn được làm trong môi trường họ có quyền tự chủ hơn, được ban giám hiệu hỗ trợ và các kỳ vọng được đưa ra một cách rõ ràng" (trích nghiên cứu năm 2011 của E.M. Slaalvik về động lực và thỏa mãn nghề nghiệp của giáo viên trên tạp chí Teaching and Teacher Education).

Ban giám hiệu hay hiệu trưởng cần trao quyền cho giáo viên, đối xử chuyên nghiệp, không nên quản lý vi mô tiểu tiết, khuyến khích giáo viên phát triển năng lực và hợp tác với nhau. 

Ở trường tôi, việc không quản lý vi mô tiểu tiết thể hiện ở cách giải quyết những việc hay khiến giáo viên lo lắng, gây căng thẳng cho họ như chuẩn bị giáo án: cứ miễn upload lên nền tảng soạn giáo án chung thứ năm hằng tuần là được, sẽ không ai kiểm tra rà soát từng câu chữ; để giáo viên chủ động tự giác thực hiện, thúc đẩy hợp tác giữa các giáo viên qua việc cho phép phân chia viết giáo án trong cùng một khối lớp. 

Ví dụ, kế hoạch bài giảng môn ngữ văn (English Language Arts) của khối lớp 3 do tôi đảm nhận cùng hai giáo viên nữa. Tùy thỏa thuận, có thể phân công mỗi tuần một người viết hay mỗi tháng một người viết rồi quay vòng lại.

Trên hết là sự tôn trọng lẫn nhau giữa ban giám hiệu và giáo viên, phụ huynh cũng như học sinh. Tôi từng gặp vài sự cố khi phải đối mặt với những phụ huynh hay đòi hỏi và gây hấn nhưng trong tình huống đó, tôi luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía hiệu trưởng. Tại Mỹ, có một luật bất thành văn ở những ngôi trường được cho là tốt: ban giám hiệu luôn đứng về phía thầy cô khi xảy ra mâu thuẫn.

Quan hệ với đồng nghiệp/tinh thần tập thể: ở Mỹ có một từ dùng để chỉ những đồng nghiệp cùng là giáo viên nữ dạy cùng một trường và hay hỗ trợ lẫn nhau: work wife (vợ ở chỗ làm). Năm học nào, tôi cũng có vài người "vợ ở chỗ làm" như thế: chúng tôi ăn trưa cùng nhau, chuyện trò trong giờ giải lao hay cuối mỗi ngày học, chia sẻ các tài liệu tham khảo, hỏi thăm tin tức gia đình rồi tình hình sức khỏe mỗi ngày, nhớ đến nhau vào những dịp đặc biệt hay trọng đại như sinh nhật, tốt nghiệp... 

Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau, là điểm tựa cho nhau, giúp đỡ nhau trong cả công việc lẫn cuộc sống, chia sẻ mục tiêu thực hiện những gì là tốt nhất cho học sinh của mình. Chúng tôi giúp nhau giải quyết vấn đề, chia sẻ ý tưởng và luôn tôn trọng ý kiến của nhau.

Vì sao họ ở lại với nghề giáo? - Ảnh 2.

Một giờ dạy mẫu của môn ngữ văn. Ảnh tác giả cung cấp

Ở quy mô toàn trường, ngoài email và bản tin tuần, chúng tôi sử dụng nền tảng trao đổi tin nhắn GroupMe để thường xuyên cập nhật thông tin. 

Chúng tôi gọi đó là "Bức tường xã hội"/Social Wall, nơi chúng tôi có thể hỏi về địa chỉ bác sĩ gia đình tốt, sáng nay đoạn đường nào bị tắc nghẽn hoặc có tai nạn, hôm nay ai tốt nghiệp hoặc có coupon, khối lớp nào đang cần trợ giúp, ai có ít giấy màu có thể cho đi... 

Thầy cô có thể hỏi hay chia sẻ bất cứ điều gì trên bức tường này, kể cả khi không tìm thấy chìa khóa xe của mình hay để quên điện thoại đâu đó mà không nhớ ra.

Yếu tố quan hệ với đồng nghiệp này trùng khớp với kết luận từ một nghiên cứu tại Thụy Điển được công bố vào tháng 5-2022 trên tạp chí Teaching and Teacher Education do Jeffrey Casely-Hayford và cộng sự thực hiện về những yếu tố giữ chân giáo viên. 

Nghiên cứu kéo dài từ 2004 đến 2011 được thực hiện với 5.903 giáo viên tiểu học ở Thụy Điển cho thấy ý định giáo viên ở lại với nghề chủ yếu do những nhân tố như tình trạng sức khỏe, động cơ nghề nghiệp và nhất là hỗ trợ từ đồng nghiệp.

Ở đây có một khía cạnh phát triển chuyên môn vô cùng quan trọng. 5/10 tiêu chuẩn đánh giá giáo viên ở Mỹ (xem box) là về năng lực chuyên môn. Một giáo viên khi thiếu hụt kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp sư phạm thì sẽ hoang mang, kém tự tin và thấy không gắn bó với công việc.

Ở trường tôi và học khu của tôi có vài cách để giúp các giáo viên phát triển chuyên môn: Để các giáo viên quan sát, dự giờ, học hỏi lẫn nhau; Họp khối lớp theo tổ chuyên môn ít nhất một lần/tuần; Tổ chức những cuộc phát triển chuyên môn do chính giáo viên trong trường thực hiện (tự dạy nhau); Mời chuyên gia về; Miễn phí hay trả tiền cho các giáo viên đi học (đặc biệt là khi giáo viên muốn học thêm chứng chỉ, bằng cấp hay đi dự hội thảo, hội nghị chuyên môn). 

Tôi có được chứng chỉ dạy học sinh tài năng năng khiếu (gifted endorsement) là nhờ học qua chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí của học khu (nếu đi học một khóa ở trường đại học sẽ tốn khoảng 11.000 - 20.000 USD). Mùa hè vừa rồi, khi học khu của tôi chuẩn bị thực hiện thí điểm chương trình môn ngữ văn mới, mỗi giáo viên được nhận 300 USD cho hai ngày bồi dưỡng nghiệp vụ và tập huấn online. Có những buổi trường tôi thuê giáo viên dạy thế đến để dạy (mỗi giáo viên dạy thế được trả 135 USD/ngày) để chúng tôi có thời gian đi tập huấn, quan sát.

Hỗ trợ từ cộng đồng: Vai trò của cộng đồng, đặc biệt là của ban phụ huynh rất quan trọng trong việc cung cấp thêm sự hỗ trợ cho giáo viên. Nhưng cần làm điều này đúng cách, chẳng hạn mời cha mẹ học sinh tham gia các quyết định và sự kiện của trường; thiết kế các kênh trao đổi thông tin và giao tiếp rõ ràng và thường xuyên.

Khi có được một cộng đồng ủng hộ, các giáo viên sẽ cảm thấy có giá trị, được khuyến khích và điều đó khích lệ họ ở lại với nghề. Nếu "Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy đứa trẻ" thì cũng cần cả một ngôi làng để níu chân giáo viên.■

Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng: theo số liệu của Bộ Lao động Hoa Kỳ, số lượng những vị trí tuyển dụng ngành giáo dục vào nửa cuối năm 2021 tăng lên 75% so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu giáo viên và nhân viên trong trường học, đặc biệt là những giáo viên dạy toán, khoa học và giáo dục đặc biệt. Ở những tiểu bang như Texas, Tennessee, South Dakota, đầu năm học 2021-2022 thiếu tới hàng trăm giáo viên. Hay như học khu Los Angeles Unified, học khu lớn nhất của tiểu bang California với 600.000 học sinh, cần tới 500 giáo viên - tăng gấp 5 lần so với những năm trước.

Theo khảo sát thực hiện với 2.690 thành viên của Hiệp hội Giáo dục quốc gia (National Education Association), đại dịch đã khiến 32% số người được hỏi lên kế hoạch rời bỏ ngành giáo dục sớm hơn dự kiến. Riêng tại bang California, số giáo viên về hưu vào đầu năm 2020 đã tăng lên hơn 26% so với năm trước. Nhiều tiểu bang đã phải huy động cả lực lượng quân đội (National guards) để thực hiện những công việc của giáo viên. Rồi nhiều trường thiếu giáo viên nên đành phải chuyển từ học offline sang online, có lúc cao điểm lên tới 42% tổng số học sinh toàn nước Mỹ, theo thống kê của kênh PBS.

Có những hôm trong một ngày, trường học nơi tôi dạy có tới 26 giáo viên nghỉ, chiếm tổng số hơn ¼ số giáo viên toàn trường. Việc nhiều giáo viên nghỉ cùng một lúc ảnh hưởng đến sự vận hành của nhà trường, đến trạng thái tinh thần của cả thầy lẫn trò, và đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên chắc chắn ảnh hưởng tới việc học của học sinh về lâu về dài. Nguyên nhân chính của tình trạng này là mức lương thấp trong khi những kỳ vọng và trách nhiệm lại cao.

Tuy nhiên, số liệu gần nhất (do Tổ chức Chalkbeat thực hiện tháng 3-2022) tổng hợp từ năm tiểu bang và 19 học khu lớn ở Mỹ (gồm Houston và New York City) cho thấy tỉ lệ thay người đã quay trở lại tương đương mức trước đại dịch. Như tại New York City, ba năm trước đại dịch mỗi năm có 6% giáo viên bỏ nghề, số liệu năm 2021 tại đây là 5,8%.

(Tác giả là giáo viên lâu năm tại học khu Gwinnett, tiểu bang Georgia (Mỹ), thạc sĩ giáo dục, chuyên ngành tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai/ESL)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận