25/02/2020 05:08 GMT+7

Vì sao giá vàng tăng kỷ lục?

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Chỉ trong hai giờ ngắn ngủi chiều 24-2, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 47,5 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng - tăng 2,1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng - mức tăng kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm qua.

Vì sao giá vàng tăng kỷ lục? - Ảnh 1.

Nhiều người đã xếp hàng mua vàng tại Công ty SJC chiều 24-2 khi giá vàng tăng lên mức 49 triệu đồng/lượng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Giá vàng tăng trở lại mức đỉnh gần 10 năm trước đã kích hoạt lực mua của người dân. Giá vàng trong nước đã nhanh chóng cao hơn giá thế giới tới 1,5 triệu đồng/lượng.

Mua vàng vì nghĩ giá còn... tăng tiếp!

Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ lúc 16h chiều 24-2 tại Công ty SJC (Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) cho thấy nhiều người đã xếp hàng mua vàng với kỳ vọng giá sẽ tăng. Bà Chi (Tân Bình) cho biết khi giá vàng tăng lên mức 47,3 triệu đồng/lượng, bà đã quyết định mua 2 lượng.

"Lúc tôi ở nhà giá vàng mới ở mức hơn 47 triệu đồng/lượng, nhưng khi lên đến Công ty SJC ở quận 3 giá đã lên 49 triệu đồng/lượng nhưng tôi vẫn mua" - bà Chi tiếc rẻ.

Đến 16h30, dù chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ giao dịch nhưng lượng khách đổ đến mua vàng vẫn còn đông. Trả lời câu hỏi vì sao mua khi giá vàng ở mức 49 triệu đồng/lượng, nhiều người cho biết tin là giá vàng còn tăng tiếp khi thông tin về dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên khác với thời điểm ngày Thần tài, người mua chủ yếu là nhỏ lẻ và tập trung vào vàng nhẫn thì ngày 24-2 người dân chủ yếu giao dịch vàng miếng, số lượng phổ biến là 1-2 lượng.

Giá vàng tăng khiến cho trang web báo giá của Công ty SJC cũng "quá tải", việc truy cập vào xem giá rất khó do liên tục báo lỗi. Trang web một số công ty vàng lớn cũng không truy cập được. Người mua đông nên Công ty SJC phải phát số thứ tự.

Tranh thủ bán vì sợ giá... sập

Trong số những người chờ đợi tại Công ty SJC chiều 24-2 còn có những người chờ để bán vàng chốt lời. Cầm 1 lượng vàng trên tay, anh Đức (Q.5) cho hay anh mua khi giá vàng 37 triệu đồng/lượng nên thấy giá cao đã tranh thủ bán vì sợ giá vàng sẽ lặp lại kịch bản rơi thẳng đứng sau khi đạt mức 49 triệu đồng/lượng như gần 10 năm trước.

"Tính ra trong một thời gian ngắn tôi lời hơn 11 triệu đồng/lượng" - anh Đức nói. Công ty SJC cho hay số người mua vàng trong ngày 24-2 nhiều hơn số người bán.

Theo chuyên gia Trần Thanh Hải, từ ngày 3-1 đến nay giá vàng đã tăng 14%, từ 43 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng, trong khi mức tăng cả năm 2019 chỉ có 18%.

"Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nên nhiều nhận định cho rằng sẽ làm phá vỡ sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu năm 2020. Nhiều quốc gia phải tung ra các gói kích thích kinh tế. Vì vậy giá vàng những ngày qua tăng và mức biến động ngang với thời điểm tháng 9, tháng 10-2011" - ông Hải phân tích.

Cao hơn giá thế giới tới 1,5 triệu đồng/lượng

Cuối ngày 24-2, giá vàng thế giới 1.685,8 USD/ounce, quy đổi tương đương 47,5 triệu đồng/lượng - tăng gần 43 USD/ounce (1,2 triệu đồng/lượng) so với cuối tuần trước. Tuy nhiên tốc độ tăng giá vàng trong nước gấp nhiều lần.

Ngày 24-2 đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau ngày Thần tài, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Những ngày trước dù giá vàng thế giới tăng mạnh nhưng trong nước tăng rất chậm vì mãi lực thấp. Nhưng cuối ngày 24-2, giá vàng trong nước đã cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 1,5 triệu đồng/lượng.

Đặc biệt chênh lệch giá bán vàng miếng được tăng lên mức 1,2 triệu đồng/lượng, gấp hơn hai lần so với mức chênh lệch sáng 24-2 do các công ty vàng đề phòng giá vàng đảo chiều. Với vàng nhẫn, mức chênh lên đến 1,5 triệu đồng/lượng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, cho hay hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo nghị định 24 đã giúp thị trường vàng ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. "Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết" - ông Minh nhấn mạnh.

Vì sao giá vàng tăng kỷ lục? - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Giá USD cũng tăng

Giá vàng tăng cũng "kích hoạt" giá USD tăng theo. Tại Vietcombank, giá USD từ mức 23.310 đồng/USD đầu ngày đã nhích dần và tăng lên 23.350 đồng/USD theo đà tăng của giá USD tự do. Tại Eximbank, giá bán USD ở mức 23.330 đồng/USD.

Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước ngày 24-2 công bố đứng ở mức 23.243 đồng, tăng 4 đồng so với cuối tuần trước.

Tại TP.HCM, cuối ngày 24-2 giá bán USD tự do tăng vượt giá bán USD tại ngân hàng, lên mức 23.380 đồng/USD, mua vào 23.280 đồng/USD. Theo giới chuyên gia, điều này cho thấy có dấu hiệu gom USD để nhập vàng theo đường biên mậu do mức chênh 1,5 triệu đồng/lượng quá hấp dẫn.

A.H. - L.T.

Hà Nội: người dân thận trọng

Tại Hà Nội, thị trường vàng không thực sự nhộn nhịp dù giá vàng cuối giờ chiều lên đến 49 triệu đồng/lượng giá bán ra và mua vào là 47,8 triệu đồng/lượng. Lượng người bán đông hơn mua và những người mua bán chủ yếu thực sự đang cần do nhu cầu thực.

Một chủ cửa hàng vàng trên phố Cầu Giấy cho biết khách hàng rất thận trọng mua vào vì đều biết giá vàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Giá vàng trong nước lập đỉnh 49 triệu đồng/lượng là do giá vàng thế giới vượt ngưỡng 1.683 USD/ounce.

Dù ngày 24-2, giá vàng nhảy theo giờ nhưng không như tháng 10-2012, vàng giờ không phải là kênh đầu tư "vua". Hầu hết giới đầu tư cũng cẩn trọng, e ngại "ôm" vào vì sợ rủi ro cao khi dịch COVID-19 có diễn biến khó lường.

L.THANH

Giá vàng tăng phi mã, lên 49 triệu đồng/lượng Giá vàng tăng phi mã, lên 49 triệu đồng/lượng

TTO - Chỉ trong hai tiếng ngắn ngủi chiều nay, 24-2, giá vàng miếng SJC đã tăng từ mức 47,5 triệu đồng/lượng lên 49 triệu đồng/lượng. So với buổi sáng, giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 2,1 triệu đồng/lượng - mức tăng chưa từng có trong vòng nhiều năm.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên