03/06/2013 14:05 GMT+7

Vì sao cuộc thi "Nữ hoàng biển" bị hủy?

VĂN KỲ - HÀ HƯƠNG
VĂN KỲ - HÀ HƯƠNG

TT - Trong khuôn khổ chương trình festival biển, cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam 2013” lần đầu tiên tổ chức (đêm chung kết dự kiến diễn ra ngày 9-6, truyền hình trực tiếp trên VTV3) đã phải hủy vì theo cơ quan chức năng, có quá nhiều vi phạm.

Nữ hoàng Biển Việt Nam: "Họ sai thì phải chịu trách nhiệm"Hủy cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam năm 2013

HlJUshg8.jpgPhóng to
Ngày 1-6, thí sinh hớn hở đến Hòn Tằm (Nha Trang) tham dự cuộc thi khi chưa biết cuộc thi bị hủy bỏ - Ảnh: ĐÌNH TÙNG

Chiều 2-6, trong khi đang du ngoạn tại bãi biển Dốc Lết (Khánh Hòa), nhiều thí sinh của cuộc thi Nữ hoàng biển 2013 đã không khỏi bất ngờ khi biết cuộc thi bị hủy bỏ ngay khi họ vừa đặt chân đến Nha Trang.

Trước đó ngày 1-6, ông Nguyễn Đăng Chương - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD - Bộ VH-TT&DL) - ký thu hồi quyết định cho phép tổ chức cuộc thi “Nữ hoàng biển Việt Nam 2013” (quyết định ký ngày 4-4), nêu rõ năm vi phạm của Công ty TNHH quảng cáo, truyền thông Rồng Việt (gọi tắt là Công ty Rồng Việt) và ban tổ chức. Một là, không thực hiện đúng quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu... Hai là, tiếp nhận hồ sơ của thí sinh không đúng quy định của pháp luật, một trong những sai phạm về hồ sơ là có 114 thí sinh tham gia vòng sơ khảo nhưng chỉ có 59 thí sinh có hồ sơ. Ba là, không cung cấp được phiếu chấm điểm thí sinh và bảng tổng điểm của các thí sinh được lựa chọn vào vòng tiếp theo. Bốn là, tổ chức thi sơ tuyển tại ba khu vực Hà Nội, TP.HCM và Nha Trang nhưng không thành lập ban giám khảo và ban hành quy chế hoạt động, chấm thi của ban giám khảo; sau khi tổ chức xong vòng sơ tuyển, ban tổ chức mới ban hành quyết định thành lập ban giám khảo vào ngày 28-5. Năm là, không tổ chức vòng thi bán kết theo quy định trong đề án cuộc thi.

Doanh nghiệp kêu “bị ép”

“Rất... tiếc”

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-6, ông Nguyễn Mạnh Cường - trưởng ban tổ chức cuộc thi - cho biết ông chấp nhận quyết định của Cục NTBD và không bình luận gì thêm. Còn ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trưởng ban tổ chức Festival biển 2013 - nói: “Rất tiếc cho người dân và du khách khi cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam không thể tổ chức như dự kiến. Sau khi kết thúc festival tôi sẽ họp ban tổ chức và Công ty Rồng Việt để rút kinh nghiệm và xử lý sau”.

Cùng ngày, Tuổi Trẻ nhiều lần liên lạc với cục trưởng Cục NTBD nhưng không liên lạc được.

Tiếp xúc với báo chí, sáng 2-6 ông Nguyễn Phong Quang - giám đốc Công ty Rồng Việt - cho biết sẽ làm đơn khiếu nại quyết định của Cục NTBD. Quyết định của cục, theo ông Quang, là được đưa ra sau buổi làm việc giữa thanh tra bộ và công ty đúng một ngày. “Làm như vậy là ép chúng tôi quá” - ông Quang ấm ức.

Theo ông Quang, Cục NTBD nói thí sinh thiếu một số giấy tờ liên quan nhưng chủ yếu thiếu giấy chứng nhận độc thân của địa phương nơi cư trú, do đa số thí sinh là sinh viên xa nhà. “Tại cuộc họp mới đây, khi báo cáo tiến độ của cuộc thi, tôi đã trình bày rõ với ban tổ chức Festival biển 2013 và xin cho thí sinh bổ sung giấy tờ này sau. Tôi cũng nói rõ với các em là phải hoàn thiện hồ sơ chậm nhất ngày 1-6. Tôi cũng xin thanh tra bộ cho chậm nửa ngày để gom hồ sơ tại Hà Nội, TP.HCM về Nha Trang nhưng họ không chịu”.

Về việc không cung cấp được phiếu chấm điểm của thí sinh và bảng tổng điểm của thí sinh, ông Quang cho biết: “Toàn bộ bảng điểm gốc được niêm phong và do tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp (giám khảo cuộc thi) giữ. Thanh tra bộ yêu cầu cung cấp bảng điểm vào trưa 31-5, công ty xin cung cấp vào sáng 1-6 nhưng không được. Chúng tôi xin thêm thời gian là để bà Điệp chuyển hồ sơ từ Vũng Tàu ra Nha Trang”.

Còn việc chậm thành lập ban giám khảo, ông Nguyễn Tuấn Dũng - thành viên trong êkip làm chương trình - cho biết do ông Nguyễn Mạnh Cường - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Khánh Hòa - là trưởng ban tổ chức cuộc thi (gồm 10 thành viên, do UBND Khánh Hòa thành lập) mới có quyền ban hành quyết định thành lập ban giám khảo, nhưng vào thời điểm phải thành lập ban giám khảo, ông Cường đi công tác ở Trường Sa. Khi ông Cường về, gia đình lại có việc riêng nên chậm vài ngày.

Ông Quang không đồng ý với ý kiến của Cục NTBD khi cho rằng cuộc thi không tổ chức vòng bán kết theo đề án đã được duyệt. Theo ông Quang, ban tổ chức đã lên kịch bản tổ chức vòng thi bán kết vào ngày 3-6. Trong khi đó, ông Dũng cho rằng do có ít thí sinh dự thi nên cách nay khoảng một tháng, công ty có làm đề án mới gửi Cục NTBD xin không tổ chức vòng thi bán kết. Tuy nhiên, không thấy có văn bản phản hồi nên công ty vẫn lên kịch bản thi bán kết như đề án được duyệt.

4eMy3GEf.jpgPhóng to
Các thí sinh giao lưu với các em khuyết tật trên đảo Hòn Tằm - Ảnh: Đình Tùng

Thanh tra bộ nói: “Sai quy trình...”

Xung quanh những khiếu nại của Công ty Rồng Việt, chiều 2-6 trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Xuân Thành - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - khẳng định công ty tổ chức không hiểu gì về quy trình tổ chức một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia cả. Ngay từ vòng 1 đã phải đầy đủ hồ sơ, bảng điểm, chứng minh nhân thân rồi.

Theo ông Thành, đáng lẽ ban tổ chức phải tổ chức thi sơ tuyển ở ba khu vực, hồ sơ của thí sinh ở ba khu vực đã phải đầy đủ rồi, chứ không phải đến bây giờ mới hoàn thiện hồ sơ. “Đây là một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia chứ đâu phải cái chợ. Thí dụ Hà Nội có 10 thí sinh tham gia thì 10 bộ hồ sơ đã phải đầy đủ rồi. Khi có hồ sơ đầy đủ mới bắt đầu đo nhân trắc học, phỏng vấn, thi sơ khảo. Sau đó hội đồng giám khảo phải chấm điểm, tổng hợp xem ai được vào vòng sau. Những việc đó công ty tổ chức có làm đâu, cứ vơ một mớ vào như thế sao gọi là cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam được” - ông Thành phân tích.

Tiếp đó, ông Thành cho rằng đến thời điểm này, đáng ra là phải có kịch bản đêm chung kết để báo cáo lên thì Sở VH-TT&DL Khánh Hòa mới cấp giấy phép tổ chức. Đằng này, chưa làm bán kết mà Công ty Rồng Việt đã tính tổ chức đêm chung kết luôn. Không những thế, có những thí sinh còn không ký tên vào hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi. “Thế xin chậm một ngày là để công ty tổ chức đi nhặt hồ sơ à? Không qua sơ tuyển đã vào thẳng chung kết thì gọi gì là chung kết nữa, gọi luôn sơ tuyển cho xong. Qua kiểm tra cho thấy công ty tổ chức cuộc thi đã làm sai hoàn toàn về quy trình. Quyết định thành lập ban giám khảo có sau khi sơ khảo xong rồi. Đến khi Cục NTBD gửi công văn hỏa tốc vào thì mới vội vàng thành lập” - ông Thành đánh giá.

Ông Thành nhận định: “Đây là một hoạt động văn hóa ở cấp quốc gia mà tổ chức như thế là hoàn toàn không ổn. Chưa nói đến các điều tiếng khác. Như thế đã là vi phạm nghị định 79 rồi, để diễn ra còn gay go hơn nữa. Chúng tôi cũng tư vấn nên tổ chức cuộc thi Người đẹp Khánh Hòa cho vừa sức. Đội ngũ tổ chức cuộc thi lại thiếu chuyên nghiệp, chưa từng tổ chức cuộc thi người đẹp bao giờ mà lại muốn làm lớn”.

Về chuyện 40 thí sinh đã có mặt ở Nha Trang để chuẩn bị vòng thi chung kết đang “dở khóc dở cười”, ông Thành nói đó là thiếu sót của ban tổ chức và công ty tổ chức. “Họ sai thì phải chịu trách nhiệm và xử lý việc đó. Đó không phải là việc của cơ quan quản lý nhà nước”.

VĂN KỲ - HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên