05/12/2018 13:00 GMT+7

Vị phở còn nguyên trong ký ức

ĐÔNG VY
ĐÔNG VY

TTO - Cuộc thi viết 'Ký ức về phở' do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã khơi lại nhiều tình cảm, ký ức đẹp của hàng trăm bạn đọc dành cho món ăn 'quốc hồn quốc túy' này.

Vị phở còn nguyên trong ký ức - Ảnh 1.

Trước thềm lễ trao giải vào ngày 12-12 tới, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của cây bút Đặng Nguyễn Đông Vy - thành viên ban giám khảo cuộc thi.

Người ta nói về phở nhiều rồi. Người ta viết về phở cũng nhiều không kém. Một cuộc thi viết về phở thì có gì mới mẻ? Tôi vốn không sành ăn, càng không phải chuyên gia ẩm thực nên quả thực có chút ngại ngần khi được mời làm giám khảo cuộc thi Ký ức về phở. Nhưng khi được đọc những bài đầu tiên lọt vào vòng chung khảo, tôi đã thực sự thích thú.

Các bài viết gửi về từ khắp mọi miền. Bên cạnh những tác giả lần đầu tham gia cuộc thi viết, một số nhà văn tên tuổi cũng gửi bài dự thi, cho thấy sức hấp dẫn khó cưỡng của phở. Hay là của ký ức?

Gặp nhau ở tình yêu với một món ăn

Dù có thời được coi là món ăn "nhà giàu", nhưng lạ thay, phở vẫn gợi lên trong ký ức của từng người dân ở khắp đất nước này - từ Hà Nội, Cao Bằng đến Sài Gòn, Bình Thuận, Quảng Trị, Gia Lai... bất kể xuất thân, giới tính, tuổi tác - một hương vị thân thuộc như nhau. Có thể nói, hầu hết những bài dự thi Ký ức về phở đều thấm đẫm tình yêu với món ăn này.

Tình yêu với một món ăn thường gắn với tình yêu gia đình, tình yêu quê xứ, nên nó dễ dàng thấm từ ký ức người viết đến tâm tư người đọc. Trong các bài dự thi có những kỷ niệm giống như ai viết ra giùm tôi vậy.

Thời ấu thơ, khi mẹ tôi mới lãnh lương hay muốn tỏ ra "phong lưu" một chút, mẹ xách cà mên đi mua xí quách với nước phở, cả nhà xì xụp ăn với mì gói. Hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (trời ơi sao nghe xa lắc), ba mẹ tôi hùn với gia đình người bạn mở một quán phở ngay trước sân nhà. Tôi nhớ ngay quãng thời gian đó khi đọc những dòng đầu tiên trong bài Thương lắm quán phở nhà (Nguyễn Mỹ Nữ).

Món phở đầu đời trong ký ức tôi khi ấy có sợi phở khô giống như sợi hủ tiếu, y chang bài Có một dòng phở miền Tây (Lê Công Sĩ). Ba tôi mỗi lần ăn món phở khô đó đều than thở và nhắc đến tô phở với sợi phở tươi mà ông từng ăn ở Sài Gòn, với vẻ... thèm ra mặt.

Với ba tôi, phải là sợi phở tươi thì mới là phở. Một ngày hè nào đó được vô Sài Gòn thăm ông bà nội, ba chở tôi đến quán phở Tàu Bay, cho tôi nếm tô phở "chính tông" mà ba từng nhắc, với đầy đủ tương đen tương đỏ, nóng hổi, ngon lành.

Cảm giác huy hoàng đó trở lại nguyên vẹn với tôi khi đọc nhiều bài dự thi. Đó là lúc tôi nhận ra những người xa lạ có thể gặp nhau ở tình yêu với một món ăn.

Ngày của phở 12-12 - Tôn vinh hương vị Việt

Ngày 5-12, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi họp báo giới thiệu sự kiện "Ngày của phở 2018" tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (P.9, Q.Phú Nhuận). Ngày của phở do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 2017 với mong muốn ngày 12-12 trở thành một sự kiện thường niên của phở, tôn vinh một món ăn truyền thống của Việt Nam. Năm nay sự kiện tiếp tục được tổ chức với sự đồng hành của Công ty CP Acecook Việt Nam, mang chủ đề Hành trình trở về phở xưa - Tôn vinh hương vị Việt.

T.BÌNH

Ngày của phở - một khởi đầu quan trọng

Khi đọc bài dự thi với sự đồng cảm như vậy, tôi đoán ban giám khảo sẽ dễ đạt được sự đồng thuận. Nhưng không. Ai cũng có ký ức riêng của mình về phở, mỗi giám khảo cũng vậy. Có lẽ không khó hiểu khi giám khảo dễ có cảm tình với bài viết khơi đúng kỷ niệm của mình.

Mặt khác, dù ban tổ chức đã đặt ra những tiêu chí chung, nhưng mỗi giám khảo lại có mức ưu tiên khác nhau đối với từng tiêu chí. Người này đề cao tính tư liệu của câu chuyện hơn cả, trong khi người kia để ý đến văn phong nhiều hơn, người khác chú trọng cảm xúc chân thực, lại có người thích thú với bài viết gợi ký ức cụ thể về món phở hay một tiệm phở nhất định.

Phở Tư Lùn (Nguyễn Kim Anh) - bài viết đoạt giải đã nhận được sự đồng thuận cao nhờ dung hòa được tất cả các tiêu chí khắt khe đó. Bài viết là ký ức "rất chính xác về một quán phở nổi tiếng có địa chỉ cụ thể tại Hà Nội thời bao cấp" - theo lời tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đã từng được thưởng thức món phở ở đây.

Tác giả mô tả sinh động và có cảm xúc từ không gian quán, đến bát phở thơm nức, béo ngậy, như gợi lại không khí của một thời. Phở mụ Liếc (Hoàng Phủ Ngọc Phan) cũng kể về nhân vật có thật, đôi vợ chồng bán phở gánh gõ song lang rất độc đáo ở Huế, với giọng văn rất thu hút.

Trong một bộ phim truyền hình Hàn Quốc gần đây có cảnh các nhân vật rủ nhau đi ăn "mì gạo", chính là món phở Việt Nam đang được bán ở Seoul. Bổ dưỡng nhất là thịt bò. Dễ tiêu hóa nhất là sợi phở làm từ gạo. Món ăn làm khỏe người và khỏe cả tâm trạng nữa, nhất là sau một đêm say. Nhân vật trong phim đã nói vậy.

Phở đã đi rất xa, và ngay trên quê hương mình, câu chuyện về phở vẫn còn rất dài.

Từ hai cuộc thi Ký ức về phở Hiến kế cho Ngày của phở, báo Tuổi Trẻ đã thu thập được nhiều ý tưởng rất hay: Một bản đồ các quán phở ngon và đạt chất lượng an toàn thực phẩm? Một bảo tàng nhỏ nơi du khách có thể tìm hiểu lịch sử món ăn, có thể học cách nấu món phở Việt Nam đúng điệu, thử tự làm sợi phở, tự nêm nếm, chế biến tô phở của mình?

Tuy nhiên, để biến chúng thành hiện thực, để ẩm thực nói chung và phở nói riêng trở thành một yếu tố quan trọng của du lịch văn hóa, để duy trì sức quyến rũ của phở đối với du khách bốn phương, hẳn sẽ cần thêm nhiều sự chung tay nhiệt thành, từ những người quản lý, các đơn vị truyền thông, từ doanh nghiệp, từ những người dân và đặc biệt là... các chủ tiệm phở.

Ngày của phở, có thể nói, là khởi đầu quan trọng để lưu giữ và tôn vinh những ký ức về phở, cho mỗi người và cả nền văn hóa ẩm thực quốc gia.

Cảm ơn bạn đọc

dp_chamthipho

TS Nguyễn Nhã, nhà văn Đặng Nguyễn Đông Vy tham gia chấm giải Ký ức về phở - Ảnh: DUYÊN PHAN

Báo Tuổi Trẻ đã đón nhận hàng trăm "mối tình" sâu đậm với phở. Nhiều người viết đã mang theo một nỗi nhớ về hương phở, vị phở suốt hơn 50-60 năm. Phở không chỉ là món ăn truyền thống quen thuộc, nó sống động như một trang hồi ức đẹp đẽ dù người viết đã ăn phở trong căn hầm tránh đạn, húp nước phở trong những ngày không khỏe hay lúc đói ăn...

Và ký ức về phở còn là thời khắc quyết định táo bạo: từ bỏ nghề dạy học để mở quán phở. Ông Nguyễn An Cư - một bạn đọc 80 tuổi - đã kể câu chuyện "khởi nghiệp" như thế của người vợ - cô Tú trưởng giáo - và mong muốn được chia sẻ công thức nấu món phở ngon.

Trong khuôn khổ của hơn 3 tháng diễn ra cuộc thi, rất tiếc trang báo Tuổi Trẻ chưa thể chuyển tải hết nhiều ký ức đặc biệt như thế. Tuổi Trẻ cảm ơn tất cả bạn đọc đã gửi gắm những cảm xúc chân thực, những câu chuyện không chỉ là ký ức riêng mà còn kết nối "bí quyết" làm nên phở, là chuỗi câu chuyện khi liên kết lại có thể nhìn thấy cả hành trình mấy mươi năm thăng trầm của đất nước.

BAN TỔ CHỨC

Vị phở còn nguyên trong ký ức - Ảnh 5.
18 giải thưởng được trao cho hai cuộc thi Ngày của Phở 18 giải thưởng được trao cho hai cuộc thi Ngày của Phở

TTO - Từ hơn 1.000 tác phẩm, sáng kiến gửi về cho hai cuộc thi đồng hành cùng Ngày của Phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, ban tổ chức đã chọn ra 18 tác phẩm xuất sắc đoạt giải cao.

ĐÔNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên