Hình thành và phát triển thịnh vượng từ khoảng thế kỷ 19, Đông Hòa Hiệp là một trong ba làng cổ của Việt Nam được Tổng cục Du lịch và Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để thực hiện dự án "Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam, thông qua du lịch di sản".


Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 2.

Du khách thích thú thuê xe đạp đi dạo dọc con đường vào làng cổ Đông Hòa Hiệp - Ảnh: Bình Minh

Điều đặc biệt ở làng Đông Hòa Hiệp chính là 10 ngôi nhà cổ mang đậm nét kiến trúc văn hóa nhà vườn Nam Bộ được bảo tồn, tôn tạo và tồn tại hơn 100 năm qua.

Đường vào làng cổ Đông Hòa Hiệp vừa nhìn đã thấy mát mắt với những tán hoa trái hai bên đường trổ ra xanh um. Dọc đường, du khách còn có thể ghé mua trái cây như bưởi, ổi, mận với giá chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng/ký.

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 3.

Đường vào làng có các bảng chỉ dẫn hướng đi đến các ngôi nhà cổ - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 4.

Nhà cổ ông Ba Đức (Phan Văn Đức) là một trong những căn nhà đẹp nhất nhì trong làng cổ Đông Hòa Hiệp. Nhà nằm trong khuôn viên rộng hơn 20.000m², mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và Pháp - Ảnh: Bình Minh

Trong đó, nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt ở ấp Phú Hòa với niên đại trên 150 năm là ngôi nhà thu hút nhiều du khách tham quan, chụp ảnh nhất. 

Nơi đây còn là điểm du lịch homestay cho phép du khách nghỉ ngơi, sinh hoạt theo văn hóa của người dân địa phương.

Nhà nằm ẩn mình giữa khu vườn cây ăn trái rộng khoảng 18.000m², được xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m², bao gồm 3 gian, 2 chái với kiến trúc kiểu chữ Đinh.

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 5.

Nhóm du khách chụp ảnh trước bảng hiệu nhà cổ Trần Tuấn Kiệt - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 6.

Anh Vũ (thứ hai từ phải sang), một hướng dẫn viên du lịch, giải thích với du khách nước ngoài về cách trang trí mâm cỗ bằng trái cây tại Việt Nam - Ảnh: Bình Minh

Ngoài việc còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý, nhà cổ Trần Tuấn Kiệt còn được đánh giá cao về giá trị nhờ 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm được chạm trổ hoa văn tinh xảo, từng được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại "cửu đại mỹ gia" ở Việt Nam.

Nhà đã được tổ chức JICA phối hợp với đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản hỗ trợ trùng tu về kỹ thuật và tài chính vào năm 2003, đồng thời nhận bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng.

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 7.

Nhà được tổ chức JICA phối hợp với đại học nữ Chiêu Hòa Nhật Bản hỗ trợ trùng tu về kỹ thuật và tài chính vào năm 2003 - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 8.

Toàn bộ đồ dùng trong nhà vẫn còn nguyên vẹn - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 9.

Nhà được xây dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m² - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 10.

Bàn thờ tổ tiên được đặt ở gian nhà chính - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 11.

Bằng chứng nhận Di sản Văn hóa do tổ chức UNESCO châu Á trao tặng - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 12.

Nhà gồm 3 gian, 2 chái với kiến trúc kiểu chữ Đinh - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 13.

Gỗ được chạm khắc hoa văn tinh xảo - Ảnh: Bình Minh

Sau khi tham quan nhà cổ, du khách tiếp tục men theo con đường làng ra bến đò, nơi các tài công đang chờ sẵn để đưa khách xuôi dòng sông Mê Kông ngắm cảnh, hít thở làn gió trong lành mát rượi.

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 14.

Đi thuyền trên sông không chỉ mang lại không khí thoáng đãng mà còn giúp du khách quan sát cuộc sống của người dân địa phương - Ảnh: Bình Minh

Đi được 10 phút, tàu cập vào bến. Tại đây, du khách vừa ăn trái cây vừa nghe cải lương do người dân địa phương phục vụ.

Tuy cách biệt về ngôn ngữ nhưng cách trình bày sống động, sử dụng nhạc cụ truyền thống như đàn cò, đàn kìm và mặc áo bà ba - trang phục đặc trưng của người dân Nam Bộ Việt Nam khiến rất nhiều du khách nước ngoài thích thú tán thưởng.

Buổi trưa nắng nóng, không có gì dễ chịu bằng cảm giác dừng chân uống ngụm nước mía mát lạnh, cảm nhận làn gió mơn man trên mặt và thưởng thức vị ngọt của những loại trái cây được trồng trên mảnh đất giàu phù sa bồi đắp.

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 15.

Du khách thưởng thức trà mật ong, bánh và trái cây khi dừng chân tại làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 16.

Một du khách ghi lại cảnh người dân địa phương hát cải lương, chơi đàn cò - Ảnh: Bình Minh

Về Tiền Giang ngắm nhà cổ, nghe cải lương - Ảnh 17.

Nhóm các du khách Malaysia thích thú chụp hình lưu niệm, phía sau là dòng sông Mê Kông đang xuôi chảy - Ảnh: Bình Minh

Nếu thích, du khách có thể theo chân người dân vào vườn hái trái cây, sau đó trả phí tùy theo trọng lượng. Những loại trái cây như mận, chôm chôm, cam, xoài… được bán với giá chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn một ký nhưng rất tươi, ngon và ngọt.

Rời làng cổ, trong tay mỗi du khách đều mang theo một túi chứa đầy trái cây nặng trĩu.

Có sống ở những thành phố ngột ngạt đầy tiếng còi xe và khói bụi, mới cảm nhận hết cái yên bình ở chốn này, và khi rời đi mới thấy nhớ da diết cái giọng cải lương ngọt ngào như đang níu kéo du khách ở lại: 

"Nay người tình xưa đâu, hiu hắt ánh trăng buồn soi. Sông vắng bóng cô lái đò để buồn cho ai xót xa đầy vơi"…


Bài và ảnh: Bình Minh

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên