25/01/2014 15:49 GMT+7

Về những bến hoa

NGUYỄN BAY
NGUYỄN BAY

TTCT - Từ thành phố Vĩnh Long, hướng thẳng Đồng Tháp, chỉ cần chạy đến vòng xoay Khu công nghiệp Sa Đéc là không khí đã rộn ràng ngay từ đầu tháng chạp. Người và phố như bị hút theo những chuyến hàng hoa, trên bến dưới thuyền.

oZKz8J1F.jpgPhóng to
Chăm sóc hoa tết tại nhà vườn Sa Đéc - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Đến đây, không thể phân biệt người nhà vườn và khách bởi tất cả các vườn hoa kiểng đều để cửa ngỏ, mọi người có thể tự ra vào, tham quan hoặc chọn đặt hàng (số điện thoại di động ghi trên các luống hoa). Không khí chộn rộn, nhà nhà tỉa hoa, lên giàn, sang chậu, chuẩn bị “mặc áo” bảo vệ cho cây, các loại trấu (để trồng hoa) được đóng bao sẵn sàng xuống bến.

Xuôi dòng đi hoa

Trên bến hoa đường Lê Lợi dài khoảng 1km từ cầu sắt tới cầu Nàng Hai (thuộc đường Lê Lợi, khóm 3, phường 3, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) dập dìu tàu ghe, nhà vườn đổ hoa theo từng lô bên bờ kè. Từ đây, cây kiểng chủ yếu theo đường bộ (xe tải), bông nở và cây lá đi đường thủy (ghe, tàu), trong đó có một lượng lớn đổ về bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM).

Ông Nguyễn Phước Lộc, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Sa Đéc, cho biết với khoảng 1.500 hộ trồng hoa, diện tích trồng hoa ở Sa Đéc tăng từ 300ha năm 2012 lên 350ha năm 2013. Ước lượng Tết 2014 Sa Đéc cung ứng khoảng 12 triệu giỏ hoa, cây kiểng các loại đi TP.HCM và các tỉnh.

Bác Ba Nho, chủ vườn kiểng trong ngôi nhà cổ trăm tuổi nổi bật với vườn vạn niên tùng trên bến hoa, tâm sự: “Với trên 100 năm thăng trầm của nghề hoa, kiểng, bonsai, Sa Đéc không chỉ là vựa hoa lớn mà còn là mô hình độc đáo của những làng hoa, sông hoa, phố hoa và nay trở thành một bến hoa khổng lồ vào dịp tết. Người và hoa ở đây sống theo nhịp thở của sông nước”.

Bên chiếc ghe 8 tấn đang cập bến chờ hoa lúc chiều vắng, chúng tôi gặp vợ chồng anh Trần Văn Mười và chị Đặng Thị Mộng Tuyền (quê xã Đông Thạnh, huyện Bình Minh, Vĩnh Long), những người sống bằng nghề “đi hoa” về phố. Đôi vợ chồng cho biết nghề của họ vốn ngược xuôi, từ Cà Mau xuôi Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, về TP.HCM, ăn ngủ cùng hoa, lấy ghe làm nhà, một tháng chỉ vài ba lần lên bờ khi có việc.

Chị Tuyền chia sẻ: “Phải nghe ngóng thời tiết, tính con nước mà đi, thời gian lên hàng, nhìn dáng “động” của ghe để đong đếm lượng hoa “lỏng hay chặt”. Cứ vậy, trung bình mỗi chuyến “đi hoa” mất khoảng một ngày một đêm, thời gian cập các bến chỉ khoảng hai tiếng lại đi tiếp”. Chồng cầm lái thì vợ đứng mũi chịu sào và ngược lại.

Để mang được sắc xuân về phố, giữ được sự tươi xanh của cây, hoa lá không bầm giập, theo anh Mười, ngoài việc nâng niu từng cánh hoa là cả hành trình “biền biệt” giữa mênh mông sông nước. Vừa đi vừa canh, xem chừng thời gian nước đứng, ghe chạy êm, hoa kiểng không bị “động”.

Đi sông nhớ bờ, vào bờ nhớ hơi sông, hơi nước, nhớ cả mùi bùn non, nhớ đám lục bình trôi, nhớ đêm nằm chờ nước nghe tiếng cá đớp mạn thuyền như tâm sự của anh Mười. Nhưng với khách thương hồ, theo anh nguy hiểm nhất là hành trình vượt “mỏm”, “bỏ dòi”, qua vàm như vào Kỳ Hôn - đoạn Tiền Giang (khoảng 10km) nơi ngã tư tàu bè qua lại hay xảy ra tai nạn.

Gặp khi mưa dông hay sóng bạc đầu, gió lớn dội lên, ghe thuyền phải nằm gác máy chờ trời sáng, nếu kềm lái không siết dễ bị lật ghe. Để chuẩn bị một tháng bán hoa kiểng tết, khách thương hồ phải chuẩn bị từ dầu ăn, thực phẩm khô đến dự trữ nước ngọt sinh hoạt và cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Trên sông, bạn hàng các tàu lớn, chạy đường dài thường tiếp tế cho ghe thuyền tuyến ngắn từ ký gạo đến ít khô, mắm muối; các ghe lớn, sà lan giúp đỡ ghe nhỏ nước ngọt, dầu đốt lúc mưa gió thất thường.

Bồn chồn nhớ bến

Bến Bình Đông với tuổi đời hàng trăm năm gắn liền đời người với đời sông, nơi neo đậu của khách thương hồ ngay cửa ngõ thành phố, hai năm nay không còn cảnh nhà vườn lội sình bán mua, chuyền hoa trong ánh đèn mờ tỏ của ghe thuyền. Đêm ngày, từng chiếc ghe trọng tải 5-12 tấn xếp hàng vào bến.

Đến sớm nhất là hoa nhà vườn từ Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang (đoạn từ cầu kênh số 2 đến đường Cây Sung thuộc phường 13, 14, quận 8), chủ yếu là kiểng lá, cây bonsai, mai tự nhiên, những loại hoa may mắn, phát tài, thời gian chưng từ một tháng trở lên... Các loại hoa thược dược, vạn thọ, cúc... thì được đến sau.

Những nhà vườn lớn, hoa kiểng giá trị, đi ghe lớn, tập trung bán vào 10 ngày trước tết. Còn những nhà vườn nhỏ, tiền ít hay chỉ là người kinh doanh hoa (mua đi bán lại) thường lo đi sớm, buôn bán lấy công làm lời. Như gia đình bác Phạm Thị Đời và bác Nguyễn Văn Thành (trên 60 tuổi, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) là một trong số ít hộ có mặt sớm nhất ở bến Bình Đông.

Là người chuyên làm thuê hoa kiểng quanh năm nên hai bác chỉ đủ tiền thuê chung 2-3 hộ một chuyến ghe nhỏ (loại 5 tấn) với 500-600 cây kiểng (trị giá trên 20 triệu đồng), hoa kiểng theo ghe đi trước và người bắt xe đò theo sau. Bác Thành kể: “Nhà không có đất, hộ xóa đói giảm nghèo, tiền vốn vay từ ngân hàng. Nhà trồng hoa, có công làm hoa, chỉ cần thu vén trồng loại cây chi phí thấp, hao hụt ít và dễ chăm sóc”.

Từ sáu năm nay, hai bác đi hoa tết như là việc phải thế. Tranh thủ ngoài những ngày đi làm công, ở nhà hai bác trồng thêm ít hoa cúc, vạn thọ, cây kiểng nhỏ ở bất cứ khoảng trống nào có thể. Bác Thành tính toán: “Năm nào bán giỏi thì thu hồi vốn nhanh, lời 5-7 triệu đồng, năm nào bán dở chỉ lời 2-3 triệu, tính tiền xe, ăn ở cả tháng xa nhà chỉ vừa đủ chút tiền dằn túi. Có năm ế, mang vài chục chậu cây về là bị ngâm vốn, phải chăm sóc lại để năm sau đi tiếp”.

Nhưng như cái nghiệp, bác Thành và bác Đời đều nói: “Tết đến là phải mang hoa về phố, không là nhớ, bồn chồn lắm”.

Dì Năm Phụng (huyện Chợ Lách, Bến Tre) có trên 30 năm gắn bó với bến hoa này từ thời con gái, khi bến Bình Đông còn sập sùi, bùn lầy nhếch nhác, kể: “Trước kia dơ không thể tả, người bán vừa lội ngập gần nửa người vừa canh hoa. Hai năm nay đi hoa tết rất ham vì bến mới sạch sẽ khang trang”.

Theo dì Năm, cái khó ở đây là người ta không “đổi” nước, gặp người quen thì cho nên mỗi lần lấy nước sạch là một lần vất vả. Dì bảo: “Đánh răng rửa mặt cũng nhín tiết kiệm, nhường nước sạch cho cây. Ngặt ngày nắng quá lấy chút nước sông tưới chút chút cho cây mát gốc, cây đỏ lá rụng sạch, thương lắm”.

Nhìn cách dì Năm và con trai chăm hoa nâng niu, tỉ mỉ mới thấy người làm hoa thương hoa hơn cả thương mình. Mỗi cây mỗi dáng, không cây nào giống cây nào, mỗi chậu hoa, cây kiểng đều mang cảm xúc của người làm vườn. Vì thế, họ nuôi nghề, giữ nghiệp và vun đắp, dắt dìu con cháu. Cái thú đi hoa tết ngoài việc kiếm tiền còn được nghe khách hàng bàn tán về dáng cây, kiểu hoa, màu sắc để càng yêu thương cái nghề của mình.

Anh Nguyễn Văn Duy, con trai dì Năm, được đi hoa tết bốn năm nay, bảo: “Làm hoa như chăm con nhỏ vậy. Sợ nhất khi đi đường hoa bị mưa, úng nước, trốc gốc hay bị nấm, cây rụng lá vì nước nhiễm khuẩn, hoa nở sớm trước tết, mất giá”.

Hỏng cây này thì phải gầy cây mới, cây yếu, cây xấu thì mang về chăm bón lại. Cái khổ, khó khăn vất vả, cái nghèo với người làm hoa dường như cũng nhẹ hơn. Người có vốn thì được giá bao nhiêu bán bấy nhiêu, không neo hàng lại hoặc ký gửi hàng nơi các vựa mối, về quê sớm.

Người ít vốn thì cầm cự bán đến hết ngày 30, có khi tận nửa đêm mới dọn hàng nên hầu hết khách thương hồ đi hoa đón giao thừa trên sông, ngủ vùi sau những đêm thức trắng. Người bắt xe đò, người đi ghe nhà, về tới quê là trời vừa sang sáng tân niên.

Đêm tháng chạp tĩnh lặng trong tiếng vỗ nhịp của nước kênh, tiếng trở mình của những cánh hoa. Bên kia, thành phố vẫn sáng rực ánh đèn. Dưới bến Bình Đông này, các ghe thuyền rì rầm, nối đuôi nhau vào ra, chuẩn bị sắc xuân cho phố thị.

8sRPwRSz.jpgPhóng to
Bến Bình Đông - Ảnh: Quang Định

Tại bến Bình Đông, ngoài hoa kiểng từ các tỉnh miền Tây, năm nay có thêm hoa kiểng từ Đà Lạt, Bình Định và một số quận thành phố như Gò Vấp, Thủ Đức. Theo ông Kiều Thanh Quang (phó chủ tịch UBND phường 13, quận 8, phó ban chỉ đạo chợ hoa thuộc địa bàn phường 13), ở bến Bình Đông năm nay chủ yếu kinh doanh hoa kiểng nhà vườn, chỉ 20% hộ kinh doanh gián tiếp.

10 ngày trước tết, bến nhộn nhịp hơn với các loại ghe tàu trọng tải lớn từ 15-70 tấn vào ra chuyên chở các loại hoa, cây kiểng lớn. Nét mới năm nay là các hộ bán hoa được khuyến khích trang phục bà ba (24-30 tết), hoạt động bến hoa Bình Đông kết thúc vào trưa 30 tết.

NGUYỄN BAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên