02/03/2015 21:02 GMT+7

Lễ hội cộng đồng: Nên loại bỏ hủ tục

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Chiều 2-3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã có văn bản trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí - Ảnh: V.V.Thành
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên trả lời báo chí - Ảnh: V.V.Thành

- Gần đây Tổ chức động vật châu Á đã khuyến cáo chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Một số ý kiến người dân đề nghị hủy bỏ lễ hội này (cũng như một số lễ hội hiện nay như giết trâu trong lễ hội chọi trâu, lễ hội cầu trâu...) và cho rằng cần rà soát, thay đổi các tập tục theo hướng văn minh hơn. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Lễ hội là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng ngàn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội làng Ném Thượng nói riêng, lễ hội dân gian của cộng đồng các dân tộc nói chung, là nghi thức tín ngưỡng, là đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

Việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng, đồng thời đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn, loại bỏ các hủ tục không còn phù hợp với xã hội văn minh, bảo đảm phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia.

Trên cơ sở tiến hành tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp rà soát, hướng dẫn cách thức tổ chức lễ hội và thực hành nghi lễ phù hợp. Các cơ quan thông tin truyền thông thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 162 ngày 9-2-2011 và công điện số 229 ngày 12-2-2015, đăng tải, đưa tin có thời lượng phù hợp, trong đó nêu bật những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội.

-  Hoạt động lễ hội đầu xuân có không ít bất cập như chen lấn, xô đẩy, ẩu đả… Chính phủ có giải pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng này?

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng có công điện số 229 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Sau kỳ nghỉ tết, trong cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 25-2 đánh giá tình hình Tết Nguyên đán và những công việc cần triển khai sau tết, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, trong đó yêu cầu  Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo để bảo đảm việc tổ chức lễ hội tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và thực hiện nếp sống văn minh tại các khu du lịch, các lễ hội; kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch.

Các bộ, ngành, địa phương, nhất là nơi diễn ra lễ hội, phải tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao.

- Trong dịp tết vừa qua, tai nạn giao thông gây chết người tăng mạnh, xin hỏi địa phương nào xảy ra tình trạng này nhiều và Chính phủ đã có chỉ đạo gì?

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có 3 địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, không để xảy ra vụ việc tai nạn giao thông là Lạng Sơn, Quảng Ninh và Phú Thọ.

11 địa phương có số lượng người chết vì tai nạn giao thông ở mức cao (từ 10-13 người) là Hưng Yên, Tiền Giang, Đắk Lắk, Nghệ An, Hải Dương, Bến Tre, Bình Định, Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Long và TP.HCM.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 25-2 về tình hình Tết Nguyên đán Ất Mùi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là những địa phương xảy ra nhiều tai nạn giao thông và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên