07/10/2011 00:27 GMT+7

Vẽ lại con đường huyền thoại trên biển

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - 15g30 ngày 6-10, xe chở đại biểu tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - học kỳ trên biển” đi vào bến K20 (Hải Phòng).

Trong khoảnh khắc, ánh mắt của những người cựu chiến binh tàu không số bỗng đầy xúc cảm và giọng nói trở nên sôi nổi.

Qx8voiMu.jpgPhóng to
Cựu chiến binh đoàn tàu không số cùng đại biểu tuổi trẻ cả nước chuẩn bị xuất phát tại bến K15, TP Hải Phòng - Ảnh: T.T.D.

Ký ức về những đêm bí mật, lặng lẽ của một huyền thoại ùa về trong tâm khảm những cựu binh. K20 là nơi 50 năm trước, những con tàu không số sau mỗi chuyến đi bị hỏng hóc đều được đưa về đây sửa chữa. Họ, những con người của lịch sử ngày ấy, không dám gặp gia đình hay người quen để tránh lộ bí mật. Xe lướt ngang qua nhà ở của bộ phận hậu cần bến, nhà chỉ huy... 50 năm. Vẫn còn đó những ngôi nhà màu vàng nhưng dấu vết thời gian đã loang lổ rong rêu.

Những huyền thoại sống

Nhiều tấm lòng gửi đến cựu chiến binh đoàn tàu không số 20 ngôi nhà tình nghĩa (tổng trị giá 1,2 tỉ đồng), 167 sổ tiết kiệm (tổng trị giá 501 triệu đồng), 1.194 phần quà (tổng trị giá 597 triệu đồng) tặng cựu chiến binh đoàn tàu không số, 200 suất học bổng (tổng trị giá 500 triệu đồng) là những món quà ý nghĩa mà 19 ngày hành trình sẽ thực hiện trên dọc dải đất hình chữ S.

Thượng úy Hoàng Gia Hiếu - máy trưởng tàu không số mật danh 41 - rớm nước mắt bảo: “Từ năm 1975 đến giờ tôi mới quay lại K20. Ngày xưa là cảng gỗ, giờ là cảng ximăng khang trang. Nhà dân ở hai bên rất nhiều và đẹp chứ không nghèo và thưa thớt như trước. Bến K20 thân yêu của chúng tôi đã thay đổi rất nhiều”.

Ngày ấy, tháng 6-1964, chàng trai 20 tuổi Hoàng Gia Hiếu là pháo thủ của tàu 41. Chuyến đi đầu tiên chở 65 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) rồi sau đó đến Vũng Rô (Phú Yên), Sa Kỳ (Quảng Ngãi)... Từ đó đến tháng 11-1966, ông Hiếu đã trải qua 15 chuyến đi nhưng chỉ có năm chuyến đầu thành công. “Ngày xưa, những chuyến đi của chúng tôi phải bí mật, âm thầm, lặng lẽ nhưng ngày nay, cũng tại bến K20 này, cũng là đi trên con đường năm xưa, nhưng chúng tôi được tiễn đưa rất long trọng, hoành tráng” - ông Hiếu bùi ngùi nói.

50 năm trước, chàng pháo thủ tàu không số mật danh 42 Lưu Đình Lừng mới 21 tuổi. Ngày 23-6-1964, ông đi chuyến tàu đầu tiên chở 47 tấn vũ khí vào bến Vàm Lũng. “Lần xuất quân đó cũng là lần đầu tiên tôi được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống động viên anh em. Mọi người rất bất ngờ và cảm kích khi thấy đích thân Thủ tướng vác hòm đạn gỗ chuyển xuống tàu” - người cựu chiến binh kể. Tháng 10-1965, tàu 42 cải dạng thành tàu cá nước ngoài, chở 61 tấn vũ khí, trong đó có bốn quả thủy lôi, vào bến Vàm Lũng.

12g đêm, bị địch bao vây thành vòng tròn, tàu 42 đã bình tĩnh và quả cảm tìm cách thoát ra khỏi vòng vây, cập bến thành công lúc 2g sáng. Bốn quả thủy lôi tàu chở sau đó đã được đặc công của ta sử dụng đánh chìm tàu vận tải quân sự Baton Rouge Victoria của Mỹ trên sông Lòng Tàu. Đây là một tổn thất lớn của sư đoàn 4 Mỹ.

Theo dấu chân anh hùng

Nhiều bạn trẻ đã lặng đi khi nghe ông Trần Văn Hữu - chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển - nói: “Những người làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển là những con người bình thường. Họ không có phép mầu nào khác ngoài tình yêu với Tổ quốc, ngoài sự kiên gan, bền chí, mưu trí và quả cảm”. Trong những người đến chia tay đoàn đại biểu, rất dễ nhận ra gương mặt của nhiều cựu chiến binh tàu không số.

16g, tàu HQ996 rúc lên ba hồi còi. 143 đại biểu là lãnh đạo Trung ương Đoàn, lãnh đạo Quân chủng hải quân, các cựu chiến binh đoàn tàu không số, cán bộ đoàn viên thanh niên ưu tú của 63 tỉnh thành, văn nghệ sĩ, chuyên gia và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng hải quân chính thức tham gia “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - học kỳ trên biển”. Đây là chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng hải quân tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển.

Trên suốt hành trình, các đại biểu sẽ tham gia các hoạt động: lễ tưởng niệm, dâng hương tại những địa danh ghi dấu những trận đánh oanh liệt của Hải quân nhân dân VN, tham gia nhiều hoạt động trên tàu và các bến bãi; tặng quà các gia đình chính sách, các cựu chiến binh; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử; chương trình cầu truyền hình trực tiếp; diễn tập trận giả... nhằm tái hiện những chiến tích, kỳ tích đã diễn ra trên con đường huyền thoại.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên