24/01/2014 08:47 GMT+7

Vé không hợp lệ vẫn được lên tàu

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Sáng 23-1, vẫn có cả ngàn người tập trung đến ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) để “hợp thức hóa” tấm vé tàu tết mua trước đó nhưng không hợp lệ.

Hàng trăm hành khách vây ga Sài Gòn đổi vé tàu tết Lần đầu tiên nhiều năm, lèo tèo vài khách mua vé tàuHàng ngàn khách đến ga Sài Gòn “hợp thức hóa” vé tàu

MAN6eIgH.jpgPhóng to
Nhân viên ga Sài Gòn thay đổi thông tin vé tàu tết cho khách - Ảnh: M.Trường

Hầu hết vé tàu không hợp lệ đều được người dân mua thông qua “cò” hoặc mua từ các đại lý bán vé tàu (không thuộc quản lý của ga Sài Gòn) trên địa bàn TP.HCM.

Mua qua “cò”, qua đại lý “ảo”

Chị Lê Thị Quỳnh Như (28 tuổi, Đồng Nai) cho biết nhiều ngày qua gia đình chị như “ngồi trên lửa” do sáu vé tàu tết chị mua trước đó không có vé nào hợp lệ, số chứng minh nhân dân và tên trên vé hoàn toàn khác với giấy tờ tùy thân của những người đi tàu. “Sáng nay, tôi đến ga Sài Gòn từ lúc 7g thì thấy rất đông người đến từ sớm, lấy số thứ tự ngồi đợi để được giải quyết đi tàu do vé không hợp lệ” - chị Như nói.

Chị Như cho biết gia đình chị có nhắn tin lấy số thứ tự nhưng không mua được vé tàu. Chị đành mua sáu vé về Vinh (Nghệ An, ngày 28 tháng chạp) thông qua “cò” với mức chênh lệch 250.000 đồng/vé. Ngoài số tiền chênh lệch, chị còn phải trả thêm 150.000 đồng tiền công cho “cò” đưa vé đến tận nhà. Đến đầu giờ chiều, sáu tấm vé tàu của chị Như được nhân viên ga Sài Gòn viết lại tên và số chứng minh nhân dân phù hợp với người đi tàu.

Còn anh Nguyễn Văn Bình (Quảng Ngãi) tuy đi tàu nhiều lần nhưng vẫn mù mờ về quy định của ngành đường sắt là thông tin ghi trên vé tàu tết bắt buộc phải đúng với tên và số chứng minh nhân dân của hành khách. Anh Bình nói: “Sáng nay đi làm nghe mọi người nói về việc nhiều hành khách phải thay đổi thông tin trên vé mới được đi tàu, tôi ngớ người lục lại vé để xem thì thấy những gì ghi trên vé khác với giấy tờ tùy thân của tôi. Hoảng quá, tôi phải cầm vé đến hỏi nhà ga cách giải quyết”. Anh Bình cho biết vé của anh mua từ một đại lý bán vé tàu tết trên đường Gò Xoài (Q.Tân Phú, TP.HCM), họ cam đoan chắc chắn lên được tàu.

Gọi vào số điện thoại mà anh Bình cung cấp, người đàn ông bắt máy tự nhận là đại lý bán vé tàu tết của ga Sài Gòn khẳng định: “Hiện vẫn còn nhiều vé về miền Trung các ngày cao điểm”. Khi chúng tôi yêu cầu thông tin trên vé phải đúng với tên cũng như số chứng minh nhân dân của hành khách đi tàu, người này ỡm ờ trả lời: “Tuy không trùng nhưng chắc chắn vẫn được lên tàu”. Kiểm tra lại các đại lý bán vé tàu tết chính thức của ga Sài Gòn thì không có đại lý nào trên đường Gò Xoài (Q.Tân Phú).

Ga Sài Gòn không bán

Trong buổi sáng, lầu 1 ga Sài Gòn (chỗ bán vé tàu tết và đổi vé) đông nghẹt người. Các băng ghế chật kín, nhiều người kéo lên gần quầy bán vé để xem xét tình hình. Đến 13g30 cùng ngày, hầu hết trường hợp có nhu cầu thay đổi thông tin trên vé tàu đều được ga Sài Gòn giải quyết.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Thành - trưởng ga Sài Gòn - khẳng định không có chuyện vé tàu không hợp lệ được bán ra từ các đại lý của ga Sài Gòn. Các đại lý sau khi bán vé cho khách xong phải nộp phiếu đặt chỗ, liên 2 vé tàu (liên 1 hành khách giữ - vé tàu) và giấy tờ tùy thân photo về ga Sài Gòn. Qua kiểm tra, ga Sài Gòn cũng chưa phát hiện sai phạm trong việc bán vé của các đại lý. Vậy lượng vé không hợp lệ mà hành khách mang đến chuyển đổi thông tin tại ga Sài Gòn trong những ngày qua từ đâu mà có? Theo ông Thành, trong số đó có vé mua qua “cò”, vé mua qua đại lý “ảo” và vé của những hành khách mua nhưng không đi, sau đó bán trực tiếp cho người khác.

Nên ra sân bay sớm ba tiếng

Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trong buổi sáng 23-1 đông nghẹt khách, trước các quầy làm thủ tục là cả một hàng dài hành khách đứng xếp hàng. Đại diện các hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), VietJet Air (VJA), Jetstar Pacific (JP) tại sân bay Tân Sơn Nhất cho biết vào dịp tết các hãng đều rơi vào tình trạng quá tải, lượng khách đến sân bay cùng lúc quá đông hơn bình thường gấp nhiều lần, nên dễ xảy ra tình trạng khách không kịp làm thủ tục cho chuyến bay của mình. Các hãng hàng không phải nhắn tin khuyến nghị hành khách có mặt tại sân bay sớm ba tiếng trước giờ khởi hành để đảm bảo việc làm thủ tục lên máy bay được thuận lợi. Theo các hãng hàng không, ngoài việc đến sân bay trễ, nhiều hành khách không mang theo đúng giấy tờ tùy thân, mua vé ở đại lý dỏm bị hủy vé mà không biết, vé mua sai tên... nên không thể bay theo đúng lịch trình, buộc phải mua lại vé mới.

Trưa 23-1, chín cổng kiểm soát an ninh nhà ga nội địa sân bay Tân Sơn Nhất đều hoạt động hết công suất, sảnh tầng 1 của nhà ga nội địa người chật như nêm. Ngay cửa ưu tiên chỉ dành cho tổ bay, nhân viên và khách đặc biệt cũng được tận dụng cho hành khách đến sân bay sát giờ cất cánh của các chuyến bay nội địa. Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết lượng khách qua sân bay những ngày này đã tăng gấp 1,5-2 lần.

LÊ NAM

Không bị “phạt tiền”

Xung quanh việc đổi vé tàu, ông Đinh Văn Sang - phó tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho biết:

- Theo quy định của ngành đường sắt, hành khách đi tàu từ ngày 21-1 trở về trước nếu trả vé cũ lấy vé mới (đổi vé) phải trả phí bằng 30% trị giá vé. Từ ngày 22-1 trở đi (vào cao điểm tết) vé tàu phải ghi rõ họ tên, chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác mới được lên tàu. Quy định này áp dụng từ nhiều năm nay nhằm hạn chế tình trạng vé chợ đen. Khi lên tàu, nếu thông tin trên vé không trùng với giấy tờ tùy thân của khách đi tàu thì coi như vé tàu không hợp lệ. Tuy nhiên do có nhiều hành khách có nhu cầu chuyển vé cho người thân, ngành đường sắt đã tạo điều kiện bằng cách áp dụng hình thức sửa đổi thông tin trên vé thay vì áp dụng hình thức đổi vé nên không thu phí như đổi vé.

* Có ý kiến cho rằng việc miễn phí này hợp thức hóa cho “cò” đầu cơ vé?

- Việc thay đổi thông tin trên vé không phải xuất phát từ “cò”. Bởi có nhiều hành khách trình đúng chứng minh nhân dân trên vé xin được chuyển vé cho người thân đi tàu hoặc họ có lý do bất khả kháng muốn chuyển vé cho người khác đi tàu. Ga Sài Gòn cũng xác định đúng vé của ngành đường sắt phát hành nên chấp nhận, không tính chi phí đổi vé mới. Theo quy định, hành khách sử dụng vé không hợp lệ buộc phải mua vé mới (nếu trên tàu còn chỗ), còn nếu hết chỗ thì tàu buộc khách xuống ga gần nhất. Tuy nhiên trước nhu cầu thực tế hiện nay, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho hành khách được sửa đổi thông tin trên vé.

* Tại sao năm nay lại có quá nhiều hành khách đổi vé như vậy?

- Thật ra từ những năm trước cũng có nhiều hành khách chủ động đến ga đổi vé khoảng một tháng trước khi lên tàu. Họ lần lượt đến ga làm thủ tục và không tập trung đông vào những ngày cao điểm tết như năm nay.

* Liệu những người đổi vé từ ngày 21-1 trở về trước có bị thiệt thòi do không được miễn phí như hiện nay?

- Ngành đường sắt sẽ không hoàn tiền cho những người đổi vé từ ngày 21-1 trở về trước. Chúng tôi khuyến cáo hành khách có nhu cầu thay đổi vé cho người thân đi tàu nên đến ga Sài Gòn làm thủ tục sớm. Hành khách đến cận giờ tàu chạy nếu không kịp làm thủ tục mà lên tàu với vé cũ là không hợp lệ.

NGỌC ẨN thực hiện

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên