11/01/2008 11:28 GMT+7

Vẻ đẹp Chiang Mai

THEO NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
THEO NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong thời gian ba ngày hai đêm lưu lại Chiang Mai, những điểm đến không thể thiếu với chúng tôi là trại voi Ban Sae, một trung tâm bảo tồn, nhân giống và nuôi dạy voi làm trò số 1 thế giới; các vườn phong lan và bướm tuyệt đẹp; vài đền chùa danh tiếng nhất cùng các khu chợ đêm vốn rất quen thuộc với du khách năm châu… Song ấn tượng nhất với chúng tôi là khám phá một Chiang Mai trung tâm nghệ thuật.

mchK02bq.jpgPhóng to
Nghệ sĩ hát rong bán CD của chính mình tại chợ đường phố
Ở tỉnh vùng cao Chiang Mai với dân số khoảng 1,4 triệu, có tới năm trường đại học là Đại học Chiang Mai, Đại học Rajabhat Chiang Mai, Đại học công nghệ Rajamangala, Đại học Payap và Đại học Maejo; trong đó Đại học Chiang Mai là cơ sở đào tạo bậc đại học đầu tiên của Chính phủ Thái bên ngoài thủ đô Bangkok.

Với vài chục ngàn sinh viên theo học nhiều phân khoa khác nhau, Đại học Chiang Mai chỉ cách khu trung tâm thành phố Chiang Mai 4km; với một khu “campus” dưới chân đồi Suthep rộng tới bốn hecta, khang trang và sạch đẹp mà các khu ký túc xá đại học tại Việt Nam e rằng còn lâu mới sánh bằng. Tháng 9-006, Bộ Giáo dục Thái Lan đã xếp ba trường đại học lớn nhất nước này vào loại “xuất sắc” về cả chất lượng đào tạo lẫn công tác nghiên cứu; trong đó có Đại học Chiang Mai, hai trường kia là Đại học Chulalongkorn và Đại học Mahidol đều đặt tại Bangkok.

Bảo tàng cho sinh viên mỹ thuật

Chỉ riêng phân khoa Mỹ thuật của Đại học Chiang Mai cũng đã đáng nể. Chúng tôi đến đây vào ngày nghỉ nên không chứng kiến được cảnh sinh hoạt học tập của các nghệ sĩ tạo hình tương lai, nhưng có thể hình dung được phần nào cách họ được đào tạo khi bước vào bảo tàng mỹ thuật của khoa, một kiến trúc bề thế, chẳng kém các bảo tàng mỹ thuật lớn ở thủ đô Bangkok.

Đây là nơi trưng bày thường xuyên tác phẩm của sinh viên và giảng viên, cũng là nơi diễn ra các workshop, các triển lãm của nhiều nghệ sĩ trong nước cũng như quốc tế (một số họa sĩ trẻ của Việt Nam từng đến làm việc, triển lãm tại đây trong những năm qua).

MHfDmdQQ.jpgPhóng to Nj1GyOaa.jpg

Sinh viên Mỹ thuật Chiang Mai ở các chợ đường phố

Điều đặc biệt thích thú là các vật trưng bài trong bảo tàng này đều do chính sinh viên làm ra: những postcard được in thật đẹp với tranh của sinh viên nhiều khóa, có thể đó chỉ là những bài tập, bài thi của sinh viên nhưng được trân trọng như tác phẩm thật sự, và còn đem đến lợi ích kinh tế thiết thực cho các bạn trẻ đang học tại trường; rồi những là túi xách bằng vải thô được sinh viên vẽ tay, thêu tay cùng nhiều đồ thủ công xinh xắn, mà đã bước vào phòng bán đồ lưu niệm của bảo tàng, chắc chắn ai cũng mua một vài món về làm quà hay để đánh dấu một chuyến đi đáng nhớ.

Rồi khi đến khu chợ đêm (night bazaar) nổi tiếng trên đường Chan Klang, chúng tôi mới gặp được các sinh viên Mỹ thuật Chiang Mai: người thì vẽ chân dung cho du khách với cái giá chỉ vài USD, kẻ thì bày bán những chiếc móc khóa với các miếng da vẽ tay, những vòng đeo tay, đeo cổ bằng hạt gỗ, hạt hướng dương, đá nhiều màu… được làm thủ công khá cầu kỳ và công phu, những chiếc túi xách ngộ nghĩnh may bằng quần jeans cũ; những bức tượng thần Naga hay tượng Phật tạc bằng gỗ…;

Lớp cao hơn hoặc như anh chàng Puk đã ra trường được hai năm thì bán tranh mình vẽ - những bức sơn dầu hay acrylic khổ nhỏ và vừa, hầu hết màu sắc tươi rói, tạo hình hiện đại; khách mua dễ dàng cuốn lại cho vào những chiếc ống bằng carton hay bằng tre đan, có quai đeo thật tiện lợi. Chừng 200.000 - 300.000 đồng Việt Nam, đem về làm khung tử tế là bạn có được một bức tranh có thể treo ở nhiều không gian khác nhau trong nhà mình.

JCkfXJQS.jpgPhóng to

Nghệ sĩ vẽ truyền thần ở chợ Ban Haw

Nếu có thời gian lâu hơn một chút ở Chiang Mai, lại thích một bức truyền thần cực thật, lại hết sức sống động, mời bạn đến khu chợ Ban Haw cũng trên đường Chan Klang, lên tầng trên, nơi có những cửa tiệm chuyên vẽ truyền thần, thứ mà bây giờ ở Hà Nội cũng chỉ còn đôi ba địa chỉ.

Anh chàng họa sĩ, cũng dân tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Chiang Mai, cứ lặng lẽ, say sưa tỉa tót những bức chân dung mà mẫu là những tấm ảnh chụp có khi chỉ cỡ 4 x 6 cm. Có rất nhiều các chân dung khách phương Tây trên tường cho thấy chủ nhân đang làm ăn khấm khá, tất nhiên giá để có một bức chân dung truyền thần cũng xứng với công phu và lao động anh ta bỏ ra: cỡ vài chục USD tùy khổ tranh. Đáng đồng tiền bát gạo.

EF3GQYqb.jpgPhóng to

Voi Ban Sae vẽ tranh, mỗi bức bán với giá vài trăm baht, lấy tiền làm quỹ bảo tồn voi Chiang Mai

Ngơ ngẩn với hàng mỹ nghệ

Còn những du khách khoái đồ thủ công mỹ nghệ thì đến Chiang Mai là rơi vào đúng “ổ”. Đây là vùng đất đã phát triển nghề này từ thế kỷ XIII; và chậm nhất là từ thế kỷ XV Chiang Mai đã trở thành một điểm dừng chân của những đoàn thương nhân Trung Hoa với lừa và ngựa thồ hàng từ Trung Quốc đến cảng Moulmein của xứ Miến Điện ngày xưa, từ đó xuất sang các nước bên kia bờ Ấn Độ Dương; các thương nhân Trung Hoa đã không bỏ lỡ cơ hội mang về các hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có khi đã thành tác phẩm nghệ thuật, của các nghệ nhân người Hmông, người Liksu, người Shan… cư trú lâu đời ở Chiang Mai.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhiều nghệ nhân từ Trung Quốc, Bắc Myanmar và Lào đã tìm đến vùng đất lành Chiang Mai định cư, càng làm giàu thêm cho cái nôi thủ công mỹ nghệ của đất nước Thái Lan.

Với khoản tiền khá khiêm tốn lận lưng, chúng tôi thật khó tính toán sẽ mua gì khi đi dạo trên các chợ đường phố (rồi thành chợ đêm khi phố xá lên đèn) với thiên hình vạn trạng các sản phẩm mà có quá nhiều thứ mình thích: những chiếc bình, chiếc liễn bằng bạc được chạm nổi với các mũi đinh đục tỉ mẩn, từng chút một từ bên trong; những bình sứ tráng men màu ngọc bích (celadon) giả cổ tuyệt hảo.

Đặc biệt là những đồ sơn mài thuần Thái về màu, sắc và họa tiết (xin mở ngoặc: nghề sơn mài đã có từ thế kỷ XI ở Chiang Mai, cũng với chất liệu chính lấy từ cây sơn như ở xứ ta) và cả những bức tranh sơn mài thứ thiệt - tranh được mài hẳn hoi chứ không phải tranh vẽ bằng sơn nhân tạo của Nhật mà nhiều họa sĩ Việt Nam thường làm cho nhanh, không cần qua công đoạn mài nhiêu khê.

Nếu là phụ nữ, những món trang sức thủ công bằng bạc, vàng, đá quý… rồi hàng dệt thổ cẩm, khăn choàng lụa dệt tay, hàng mây tre đan… sẽ khiến bạn phải dừng chân nhiều lần khi bước vào các khu chợ đường phố. Cũng xin nói thật lòng: khu chợ đêm Hà Nội và chợ đêm Kỳ Hòa ở TP.HCM kém xa lắm các chợ đêm đầy màu sắc và phong phú sản phẩm ở Chiang Mai. Chưa nói tới quy củ, trật tự lòng lề đường và cả văn hóa ứng xử giữa khách hàng với người bán.

VxHm9Ysc.jpgPhóng to

Người đẹp Chiang Mai

Buổi chiều cuối cùng trước khi rời Chiang Mai, chúng tôi đến làng Bosang chuyên sản xuất một mặt hàng cũng làm rạng danh cho vùng đất này: dù bằng giấy. Những chiếc dù giấy nhiều kích cỡ, từ bé xíu chừng gang tay tới vài mét đường kính khi xòe tán ra, được vẽ bằng tay đủ loại hình ảnh, hoa văn mà người chuyên vẽ dù ở Bosang có thể nghĩ ra được. Quả thật, đó là một hình thức sáng tác khi bạn có dịp ngắm nhìn nghệ nhân đặt nét cọ đầu tiên lên mặt chiếc dù còn trắng tinh khiết đến khi nó trở thành một bức tranh hẳn hoi.

Ông chủ cơ sở làm dù ở Bosang nói với chúng tôi nếu có dịp hãy trở lại Chiang Mai vào tháng Giêng để tham dự hai lễ hội lớn là Lễ hội hoa Chiang Mai và Lễ hội dù Bosang, một sự kiện quan trọng chẳng kém ngày hội Loi Kratong (Hội Trăng rằm, vào tháng 11 hàng năm) hay ngày hội Songkran (Năm mới Thái Lan với tục té nước). Lúc đó Chiang Mai sẽ tràn ngập những chiếc dù màu từ thôn làng đến phố thị, và sẽ có một cuộc thi Hoa hậu dù Bosang, với thí sinh là các cô gái làm dù của các làng nghề. Chúng tôi đã thấy vài cô thật xinh, chẳng biết có từng là hoa hậu Bosang bao giờ chưa hay sẽ trở thành các nữ nghệ nhân làm dù đẹp nhất ở Chiang Mai.

Ánh mắt và nụ cười của các thiếu nữ làng dù Bosang đã đi vào giấc ngủ ngắn, mơ màng của người viết trên chuyến bay trở về Bangkok hôm sau.

THEO NGUYỆT CẦMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên