19/06/2018 17:37 GMT+7

Về cù lao ăn chôm chôm miệt vườn

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Thử một lần về miền Tây, để được bồng bềnh theo dòng nước Cửu Long, lạc bước vào những khu vườn cổ tích, hay qua miền cù lao đắm mình giữa những ký ức của người dân Nam bộ một thuở.

Về cù lao ăn chôm chôm miệt vườn - Ảnh 1.

Cù lao Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long là một vùng đất trù phú phù sa, con người hiếu khách, quanh năm cây trái xum xuêẢnh: VINH HIỂN

Sáng sớm, khi mặt trời vừa trồi lên khỏi rặng cây phía cuối cù lao Minh, trên bến thuyền bên bờ sông Cổ Chiên nhìn qua có thể thấy chiếc ghe máy đuôi tôm đã lù lù cặp bến. Những cô gái miệt vườn nhoẻn miệng cười tươi bảo: "Các anh đi được chưa, mọi thứ đã xong hết rồi".

Mùa này, nước từ thượng nguồn sông Mekong nhè nhẹ chuyển mình như ôm ấp quanh những vườn cây trái.

Ở xứ sở của "văn minh sông rạch", "văn minh miệt vườn" này, người ta đã biết sống chung với nhiều con nước. Biết bao nhiêu nguồn lợi to lớn từ con nước nặng phù sa chảy mang về.

Tôm cá phủ phê, nhất là nguồn dinh dưỡng trù phú từ những hạt phù sa mát ngọt nuôi dưỡng cây trái, làm giàu cho cuộc sống của dân xứ cù lao, không sao tả hết.

Vượt qua dòng Cổ Chiên, chiếc ghe chui vào con rạch xẻ dọc cù lao Minh. Ông Tám Gạch, vừa cầm lái chiếc ghe, vừa mở cát-set với bài Tình đẹp mùa chôm chôm của nhạc sĩ Giao Tiên, nghe sao êm đềm quá đỗi. Bản tình ca Bolero của Giao Tiên vừa êm ái, chân thực và đẹp tới nỗi chạm vào lòng người. Quê hương của "văn minh miệt vườn" Vĩnh Long hiện rõ qua từng câu hát.

Cù lao Minh xanh mát, bao dung ôm chiếc ghe nhỏ vào lòng. Cù lao Minh hay còn gọi là cù lao Dài, vốn dính phần lớn địa phận của tỉnh Bến Tre. Còn Vĩnh Long chỉ có bốn xã An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú và Bình Hòa Phước, thuộc huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Cù lao này rất rộng lớn, ôm lấy nhiều cù lao nhỏ do sông rạch, kênh đào chằng chịt, xẻ ngang, xẻ dọc tạo nên.

Trăm năm nay, người cù lao Minh sống gắn bó máu thịt với mảnh vườn, mà nổi tiếng nhất phải kể tới là chôm chôm Bình Hòa Phước. Không chỉ làm duyên với trái chôm chôm, cô gái miệt vườn còn làm đắm say bao nhiêu chàng lữ khách.

Ông Năm Lùn, 94 tuổi, ở xã Bình Hòa Phước, quả quyết rằng, cái xứ chôm chôm này đã chứng kiến bao nhiêu cuộc tình đi qua hàng thế kỷ. Còn những cô gái miệt vườn theo chồng về thành phố cũng không sao nhớ hết.

Ông Năm Lùn mới cắt nghĩa: "Người miệt vườn có cuộc sống thanh nhàn. Tuy không quá giàu nhưng thuộc hàng dư giả, không quá cực khổ và dãi nắng dầm sương như người mần ruộng. Tánh hiếu khách trăm năm nay không đổi. Con gái miệt vườn cũng không phải lao động cực khổ nên giữ được vóc dáng, xinh đẹp, da dẻ trắng trẻo, giỏi về nữ công gia chánh, lại có tiếng thủy chung, son sắt".

“Người miệt vườn có cuộc sống thanh nhàn. Tuy không quá giàu nhưng thuộc hàng dư giả, không quá cực khổ và dãi nắng dầm sương như người mần ruộng. Tánh hiếu khách trăm năm nay không đổi. Con gái miệt vườn cũng không phải lao động cực khổ nên giữ được vóc dáng, xinh đẹp, da dẻ trắng trẻo, giỏi về nữ công gia chánh, lại có tiếng thủy chung, son sắt. Lão nông Năm Lùn

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên