07/05/2020 08:00 GMT+7

Vào cuộc kiểm soát khí thải xe máy tại TP.HCM

THU DUNG
THU DUNG

Ngoại trừ thời gian giãn cách xã hội do COVID-19, còn lại trong vài năm gần đây, TP.HCM thường rơi vào tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Vào cuộc kiểm soát khí thải xe máy tại TP.HCM - Ảnh 1.

Lượng xe máy dày đặc, nhiều xe cũ nát vẫn tham gia giao thông khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng ở TP.HCM (ảnh chụp ngày 3-5 ở khu vực Bến xe Miền Đông) - Ảnh: GA

Lượng khí độc hại tăng cao ở các khu vực Cát Lái (quận 2), Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), quận Gò Vấp, An Sương (quận 12)… Khí thải xe ôtô, xe máy tham gia giao thông được xác định là một trong những "thủ phạm" chính.

Xe máy nát là nguồn ô nhiễm

Theo Trung tâm Giám sát tài nguyên và môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ 3 nguồn, bao gồm hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP hiện có khoảng 10 triệu phương tiện với hơn 8,5 triệu xe máy dẫn đến khí độc hại ra môi trường rất lớn.

Rất nhiều xe máy không bảo dưỡng định kỳ tồn tại là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ngày càng lớn. Ngày 3-5, theo ghi nhận dọc theo các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh, khu vực ngã tư An Sương…đều có mật độ xe máy, xe ô tô dày đặc, thường xuyên ùn tắc. Đặc biệt, nhiều xe máy cũ nát, hư hỏng xả khói đen mù mịt.

Từ 8h đến 9h sáng ngày 3-5, gần Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) xảy ra tình trạng ùn tắc. Theo ghi nhận, trong dòng xe cộ có nhiều xe máy cũ nát chở hàng xả khói đen ngòm, mùi hôi bốc ra khiến người đi đường càng thêm mệt mỏi.

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, một số chuyên gia giao thông khẳng định xe máy, nhất là xe máy cũ đã qua sử dụng hơn 5 năm là nguồn phát thải chính gây ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Do đó, cần sớm có biện pháp kiểm soát lượng phát thải đáng kể từ số phương tiện này.

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, thành phố nên sớm áp dụng các biện pháp đăng kiểm và kiểm tra khí thải đối với xe máy. Theo đó, xe máy cũng phải đưa vào kiểm định định kỳ cả về độ an toàn và tiêu chuẩn khí thải, không chỉ xe cũ mà ngay cả xe mới nếu xuống cấp, không đáp ứng an toàn về khí thải cũng không cho sử dụng. Đối với xe máy đã quá hạn sử dụng cần được Nhà nước thu hồi lại với một giá chấp nhận được để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song song đó, ngành giao thông thành phố phải có chính sách hỗ trợ mua hoặc hỗ trợ chuyển đổi phương tiện cho những đối tượng người nghèo.

Khởi động kiểm tra khí thải xe máy từ tháng 5-2020

Mới đây, Sở GTVT TP cùng Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học - Công nghệ GTVT đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình "Nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, hướng tới thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí".

Theo đó, các bên sẽ hợp tác đánh giá hiện trạng khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP.HCM và khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan. Sau đó, sẽ xây dựng và đề xuất các giải pháp, chính sách để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Ngày 6-5, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, chia sẻ chương trình hợp tác nghiên cứu nêu trên sẽ thực hiện trên toàn địa bàn TPHCM, chính thức bắt đầu từ tháng 5-2020 đến tháng 9-2020. Đối tượng là tất cả các loại xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên (không phụ thuộc vào các hãng sản xuất). Thông điệp chương trình là "Kiểm tra khí thải, bảo dưỡng định kỳ giúp xe luôn khỏe, môi trường thêm xanh". Phạm vi chương trình là phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 và Phường 10, quận Phú Nhuận.

Các loại xe máy khi đến trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa sẽ được đo các thông số về khí CO, HC ở chế độ không tải. Sau khi kiểm định, các xe không đạt được mức phát thải tiêu chuẩn theo TCVN, khách hàng nhận gói bảo dưỡng.

Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết sẽ nghiên cứu những chính sách hỗ trợ sửa chữa đối với những người đưa xe tới trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa đánh giá mức độ ô nhiễm. Ngoài ra, các khảo sát và nghiên cứu cũng đánh giá tác động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải tới người dân, cơ quan quản lý.

Thông qua chương trình nghiên cứu, Sở GTVT TP sẽ đánh giá được thực trạng, mức độ ô nhiễm thực tế đến từ xe máy và khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để UBND TP đề xuất Thủ tướng cho phép TP triển khai thí điểm việc kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố.

Ông Keisuke Tsuruzono - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng đánh giá xe máy đang là phương tiện giao thông thiết yếu tại Việt Nam và xem đây là công cụ mưu sinh của mình.

Những năm qua, số lượng xe máy tăng nhanh chóng, tuy nhiên do người dân chưa chú trọng bảo dưỡng xe trong quá trình sử dụng dẫn tới khí thải gây ô nhiễm môi trường, xe máy "quá đát" dễ dẫn tới tai nạn giao thông.

"Chính vì những hạn chế nêu trên, chúng tôi với tư cách là nhà sản xuất sẽ tập trung phát triển hơn nữa công nghiệp xe gắn máy, nâng cao chất lượng phương tiện, hạn chế khí thải ra môi trường. Đồng thời cùng Chính phủ Việt Nam nghiên cứu các giải pháp kiểm soát khí thải, nâng cao ý thức người dân, loại bỏ dần xe quá đát", ông Keisuke Tsuruzono nhấn mạnh.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên