21/05/2016 11:52 GMT+7

Chùa Ngọc Hoàng, nơi Tổng thống Obama dự kiến ghé thăm

QUÂN TÔN NGUYỄN
QUÂN TÔN NGUYỄN

TTO - Theo lịch trình vừa công bố, trong vài ngày tới, Tổng thống Mỹ Obama sẽ ghé thăm chùa Ngọc Hoàng.

Điện Thần Hoàng (Diêm Vương)  được nhiều người đến cúng bái
Điện Thần Hoàng được nhiều người đến cúng bái - Ảnh: Trân Duy

Ông cậu của tôi là người Pháp lai Việt, sinh ở Sài Gòn, sống khu Đa Kao cũ. Xa quê mẹ Việt Nam từ lúc 9, 10 tuổi, giờ lần đầu quay về, việc đầu tiên ông nói "cho cậu đi thăm cái chùa Ngọc Hoàng ngày xưa”. 

Trong ký ức ông, đó là nơi hay được người chị lớn "dắt vô xem người Hoa thả rùa", "ngày rằm thì tha hồ được ăn bánh trái"... 

Hỏi ra mới biết đó là chùa Phước Hải, ngôi chùa Hoa khá đặc trưng với cổng và tường rào quét vôi đỏ sẫm nằm trên đường Mai Thị Lựu, Q.1, TP.HCM.

Ngoài những ngày rằm, tôi còn biết sau Tết Nguyên đán, đúng ngày vía Ngọc Hoàng (mùng 9 tháng Giêng âm lịch) chùa đông vô cùng. Thứ bảy, chủ nhật tấp nập người đến cầu tự, cầu tài lộc.

Nghe đến chuyện cầu, cậu cười: "Ngày xưa chỉ có người Hoa đến cúng thôi. Trong chính điện có thờ Ngọc Hoàng thượng đế. Lễ lớn có các đạo sĩ thực hiện nhiều nghi lễ cúng bái. Có lập đàn rồi múa lân múa võ, hát tuồng cổ nữa. Đi coi vui lắm!".

Ông bảo điện Ngọc Hoàng do một xì thẩu người Quảng Đông tên Lưu Minh của phong trào phản Thanh phục Minh lập nên, trước hợp pháp tụ hội, sau tính chuyện về nước ủng hộ Thiên địa hội.

Còn theo ký ức của những người Hoa xưa, Lưu Minh vốn là người trường chay, theo đạo Minh Sư, có pháp danh là Lưu Đạo Nguyên. Bôn ba lưu lạc nhưng ông vẫn một lòng hướng về triều cũ (triều Minh ở Trung Hoa). 

Làm ăn giỏi nên ông Lưu Minh xuất tiền tạo lập điện thờ để trước giữ đạo, sau là tập họp người cùng quê chung lưng đấu cật giúp nhau, bàn chuyện kinh tế bán buôn. Sau khi những người tiên phong mất, điện dần biến thành chùa. Người dân đến cúng, viếng như mọi ngôi chùa cổ kính khác.

Khoảng sân với cảnh chùa Ngọc Hoàng là không gian để khách nghỉ ngơi, chụp ảnh lưu niệm
Chùa Ngọc Hoàng với màu vôi và kiến trúc đặc trưng - Ảnh: Trân Duy

Khoảng sân với cảnh chùa Ngọc Hoàng là không gian để khách vãng cảnh, chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: T.T.Dũng

Năm 1982, chùa Ngọc Hoàng gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản chủ trì. Năm 1984, chùa đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng người dân vẫn gọi quen là chùa Ngọc Hoàng. 

Còn cái tên chùa Đa Kao là do người Pháp xa xưa gọi, giờ ít ai còn nhớ. Năm khởi công xây dựng cũng không có nguồn nào lưu trự, cho nên không thống nhất. Theo Những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam (Võ Văn Tường), chùa được tạo dựng năm 1900. Còn theo Sài Gòn năm xưa (Vương Hồng Sển) thì chùa tạo lập lối năm 1905 và hoàn thành năm 1906.

Nhưng cho dù thế nào Ngọc Hoàng luôn là ngôi chùa cổ, có kiến trúc theo kiểu đền chùa Trung Hoa đầu thế kỷ 20 với phong cách rất riêng. Trong chùa còn lưu giữ rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong văn hóa tín ngưỡng như tranh, tượng thờ... bằng gỗ, giấy bồi, gốm men sứ...

Ngoài các tượng Ngọc Hoàng và thiên binh thiên tướng, các vị thần trong tín ngưỡng người Hoa xưa, chùa còn có một số tượng mang tính đời sống như thần văn chương, thần cúng sao giải hạn, thần dạy nghề cùng những tín ngưỡng dành cho phái nữ như Nữ Oa, 12 bà mụ…

Khoảnh sân trước đầy cây xanh
Khoảnh sân trước đầy cây xanh - Ảnh: Trân Duy

Đông đảo các ông bố, bà mẹ đến gian thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ với mong muốn có con trong năm mới - Ảnh: T.T.Dũng

Đang vào mùa Phật đản nên Phước Hải Tự vô cùng tấp nập khách viếng. Riêng cậu khi bước vào trong sân chùa, chân vẫn quen đưa đến cái hồ thả rùa ngay giữa sân và hồ nuôi cá bên phải.

Trong ký ức xưa nay đan xen lẫn lộn, ông cười thanh thản: “Hồi đó thấy cái hồ sao mà to lớn vô cùng. Giờ thì nhỏ xíu".

Dời ra cái ghế đá đặt dưới bóng cây đa cổ thụ, ông ngước lên tàn cây xanh rợp lại hoài niệm: "Xưa chim về nhiều lắm. Chim phóng sinh do người thả rồi bay lên cây, kết bầy hót vang ríu rít”.

Buổi trưa thả những chấm nắng tròn qua tàn cây. Thành phố vừa có vài cơn mưa nên cái nóng oi bức như dịu hẳn. Một vài du khách ngoại quốc cũng vừa đến nhìn ngắm và chụp ảnh... 

Từ lâu, trong các trang sách cẩm nang du lịch, các trang mạng trong và ngoài nước, chùa Ngọc Hoàng luôn nằm trong danh sách các ngôi chùa độc đáo phải đến “một lần” trong chuyến du hành đến các địa danh văn hóa tâm linh và tín ngưỡng của người Việt tại TP.HCM có lẽ là vì vậy...

Một kiến trúc điêu khắc xưa. Con nghê đá
Một kiến trúc điêu khắc xưa, con nghê đá - Ảnh: Trân Duy
Một tượng thờ bằng gỗ chạm trong chùa
Một tượng thờ bằng gỗ chạm trong chùa - Ảnh: Trân Duy

 

Tổng thống Obama có thể thăm chùa Ngọc Hoàng

Nguồn tin từ Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho hay dự kiến chiều 24-5 sau khi vào TP.HCM, Tổng thống Obama có thể sẽ ghé thăm chùa Ngọc Hoàng (còn gọi là Phước Hải Tự hoặc chùa Đa Kao) ở 73 Mai Thị Lựu, Q.1.

Đại diện an ninh Mỹ và VN đã đến chùa khảo sát công tác bảo vệ an ninh. Dự kiến trong thời gian tổng thống ghé thăm, chùa sẽ tạm thời không đón khách tham quan và phật tử.

Theo Tổng cục Du lịch VN, chùa Ngọc Hoàng được xây dựng trong giai đoạn 1892-1900 trên diện tích 2.300m². Năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự.

Chùa Ngọc Hoàng được xem là ngôi chùa duy nhất ở VN có những bức tượng cổ bằng giấy bồi mô tả sinh động cuộc họp mặt của các chư vị thần thánh về chầu Ngọc Hoàng.

 

 
QUÂN TÔN NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên