28/10/2017 12:11 GMT+7

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở

VŨ THUỶ
VŨ THUỶ

TTO - "Đây là văn phòng chính của Facebook với phần trần nhà dang dở. Chúng tôi luôn để nó như vậy. Ai có thể đoán lý do tại sao không?"

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 1.

Văn phòng làm việc của Facebook - Ảnh: Tài liệu của Nakul Patel

Nakul Patel, giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Workplace by Facebook thuộc Facebook, bắt đầu câu chuyện về cách họ tác động đến nhân viên của mình bằng hình ảnh về văn phòng làm việc của nhân viên.

Tại một sự kiện về nhân sự vừa tổ chức ở TP.HCM, Nakul chiếu trên màn hình lớn một biểu đồ thống kê danh sách 5 công ty có trị giá thị trường lớn nhất thế giới tương ứng với năm 2001, 2006, 2011 và 2016. Danh sách này đã thay đổi liên tục trong những năm qua. 

Năm 2001: General Electric, Microsoft, Exxon, Citibank, Walmart. Năm 2016: Apple, Google, Microsoft, Amazon, Facebook. 4 trong 5 cái tên từ năm 2001 đã bị thay thế và năm 2001 Facebook thậm chí còn chưa ra đời.

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 2.

Nakul Patel tại sự kiện Xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc do Anphabe tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: V.T

Thêm một hình ảnh nữa: một cái bảng hiệu với nút like trứ danh của Facebook nhưng mặt sau là biển hiệu cũ của Sun Microsystem - một tên tuổi công nghệ lừng lẫy đã bị thâu tóm trước đó - vẫn để ở trước văn phòng chính. 

Nơi đặt trụ sở Facebook cũng chính là đại bản doanh của Sun Microsystem trước kia. Ý đồ theo Nakul là "Facebook đã cố tình giữ bảng hiệu này để luôn tự nhắc nhở nhân viên ngày mai phải làm gì để tốt hơn, để vẫn cạnh tranh được trong môi trường biến đổi liên tục như thế này, để không bị thay thế như Sun Microsystem…"

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 3.

Sự thay đổi của bảng xếp hạng các công ty có giá trị lớn nhất thị trường - Ảnh: Tài liệu của Nakul Patel

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 4.

Biển hiệu tại trụ sở Facebook có mặt trước là nút like của Facebook, mặt sau là cái biển cũ mèm của Sun Microsystem - Ảnh: Tài liệu của Nakul Patel

Quay lại cái trần nhà dang dở, Nakul bảo đằng sau đó là tinh thần của họ: "Cho dù chúng tôi đạt được mức doanh thu, đã mua nhiều công ty khác như Instagram, WhatsApp… nhưng chúng tôi luôn nghĩ mình chỉ mới đi 1% đoạn đường. Chúng tôi muốn mình phải khiêm tốn và trần nhà mở liên tục nhắc nhở chúng tôi về điều này.

Chúng tôi xây dựng văn hóa giúp phát hiện, thúc đẩy phát kiến mới, một môi trường cởi mở, minh bạch. Không ai có văn phòng đẹp đẽ, sang trọng hơn người khác. Ngay cả CEO Mark Zuckerberg cũng ngồi chung với các nhân viên. 

Chúng tôi có một câu nói: 'Không việc gì ở Facebook là việc của người khác' và để mọi người tự nguyện, ai giải quyết vấn đề này trước họ sẽ nhận nó…"

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 5.

Những mảnh giấy ghi những câu nói truyền cảm hứng được dán rất nhiều ở văn phòng Facebook - Ảnh: Tài liệu của Nakul Patel

Ở Facebook, nơi có hơn 20.000 nhân viên và hơn 50 văn phòng lẫn cơ sở dữ liệu ở khắp nơi trên thế giới, mỗi nhân viên không trốn đằng sau cánh cửa đóng kín, tất cả mọi người có thể dẫn khách vào bàn làm việc, có thể là ba mẹ, vợ chồng, bạn bè… Bản thân Nakul cũng đã một vài lần dẫn bố mẹ vào.

Facebook cũng có những buổi Q&A (hỏi-đáp) live-stream (truyền trực tiếp trên Facebook) với Mark Zuckerberg vào mỗi thứ 6 để nhân viên nói chuyện với CEO. 

"Nhiều người hỏi những câu vui vui, thậm chí ngớ ngẩn, người thì rất nghiêm túc và người thì hỏi những câu đầy thách thức, khó trả lời. Mark luôn cám ơn người ta đã hỏi và tìm cách trả lời…", Nakul chia sẻ.

Văn hóa Facebook từ cái trần nhà dang dở - Ảnh 6.

Facebook đã không ngừng tạo ra những xu thế hình ảnh mới trong những năm qua - Ảnh: Tài liệu của Nakul Patel

Ở một khung hình khác, Nakul lướt rất nhanh, chưa tới 1s. Nakul hỏi người ta thấy gì? Người thì bảo thấy màu xanh, người thấy một cái xe buýt màu xanh. 

"Khoa học chứng minh não bộ có thể xử lý, tiếp nhận hình ảnh nhanh hơn 60 ngàn lần so với từ ngữ. Facebook đã liên tục phát triển công nghệ về hình ảnh như chế độ đăng hình 360 độ, video, livestream…", Nakul diễn giải.

Anh nói đến một Facebook luôn dẫn dắt sự đổi mới, tạo ra những xu hướng mới, một Facebook mà mỗi vài giờ lại có cập nhật mới, cải tiến mới trong chức năng hoặc chỉ đơn giản là cải tiến để chạy nhanh hơn, tiện hơn.

'Điên đầu' phỏng vấn xin việc vào Facebook

TTO - Thực tập sinh tại Facebook kiếm nhiều hơn công chức thông thường tới 25.000USD. Phúc lợi ở đây thì số 1 nước Mỹ. Chả trách câu hỏi tuyển dụng của họ chỉ có "siêu dị" trở lên.

VŨ THUỶ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên