31/03/2021 16:51 GMT+7

Vận động viên gian lận như thế nào ở Giải Tiền Phong marathon?

KHƯƠNG XUÂN
KHƯƠNG XUÂN

TTO - VĐV Lê Đức Kế cố tình đeo hai số đeo (BIB) để chạy. Sau khi cán đích nhận huy chương, anh Kế mang BIB có gắn tên VĐV Ngô Mỹ Liên đưa cho VĐV này ở đoạn đường gần vạch đích để chị Liên tiếp tục chạy về đích và nhận huy chương.

Vận động viên gian lận như thế nào ở Giải Tiền Phong marathon? - Ảnh 1.

Ban tổ chức Giải Tiền Phong marathon đã quyết định cấm hai VĐV Ngô Mỹ Liên, Lê Đức Kế tham gia hệ thống Giải Tiền Phong marathon vì gian dối trong thi đấu - Ảnh: TPM

Cộng đồng chạy bộ phong trào Việt Nam đang bàn tán sôi nổi trước thông tin VĐV Ngô Mỹ Liên gian lận trong thi đấu, để giành thành tích vô địch cự ly 21km phong trào nhóm tuổi trên 45 tại Giải Tiền Phong marathon 2021.

Làm cách nào để VĐV có thể gian lận được trong một giải đấu lớn như vậy?

Tuổi Trẻ Online cung cấp thêm thông tin để bạn đọc có thể hình dung về cách VĐV có thể tham gia một giải chạy phong trào và cách tính thành tích.

Trước tiên, tất cả các VĐV muốn tham dự một giải chạy sẽ phải đăng ký tham dự với ban tổ chức giải đấu và đóng lệ phí theo quy định, tùy cự ly mình tham dự. Các thủ tục đăng ký này đều được tiến hành online.

Trước ngày giải đấu diễn ra, ban tổ chức phát số đeo cho VĐV (được gọi là BIB, có gắn chip điện tử để xác định kết quả thi đấu của VĐV).

Khi bước vào cuộc đua, VĐV sẽ đeo BIB trước ngực để giúp ban tổ chức có thể xác định kết quả thi đấu của VĐV. Đồng thời việc đeo BIB trước ngực cũng giúp VĐV dễ dàng tìm được ảnh do ban tổ chức chụp VĐV trong quá trình chạy bộ, qua hệ thống nhận diện ảnh qua số BIB.

Với trường hợp VĐV Ngô Mỹ Liên (BIB 81896), chị Liên đăng ký tham dự cự ly chạy phong trào 21km ở lứa tuổi trên 45 và về đích đầu tiên với thời gian 1 giờ 48 phút 11 giây.

Tuy nhiên khi giải đấu kết thúc, cộng đồng chạy bộ nghi vấn chị Liên có dấu hiệu gian lận và "tố" đến ban tổ chức.

Quá trình xác minh, một thành viên ban tổ chức giải cho Tuổi Trẻ Online biết: Chị Liên không chạy gần như toàn bộ quãng đường 21km, mà đứng ở một vị trí cách vạch đích vài kilômet.

Người đeo BIB của chị là anh Lê Đức Kế (BIB 80744). Anh Kế đeo cả BIB của bản thân và BIB của chị Liên, chạy về đích với thời gian 1 giờ 48 phút 07 giây.

Sau khi anh Kế về đích và nhận huy chương, anh mang chiếc BIB đưa cho chị Liên (đứng cách vạch đích không xa) để chị Liên chạy một quãng đường ngắn về đích và nhận huy chương riêng của chị Liên.

Điều "không may" với chị Liên là chiếc BIB của chị do anh Kế đeo hộ đã giúp chị trở thành nhà vô địch cự ly 21km nữ phong trào dành cho người trên 45 tuổi. Nhận phần thưởng trị giá 8 triệu đồng và hiện vật từ ban tổ chức xong xuôi, hành vi gian lận của chị Liên và anh Kế đã bị ban tổ chức vào cuộc xác minh và làm rõ.

Ban tổ chức Giải Tiền Phong marathon cho biết đã cho hai VĐV này một thời gian để tự sửa sai, gửi lời xin lỗi đến ban tổ chức và cộng đồng nhưng họ không thực hiện. Chính vì vậy, đêm 30-3, ban tổ chức giải chính thức phát thông báo về hình thức kỷ luật hai VĐV phong trào này.

Chị Liên và anh Kế sẽ vĩnh viễn không được tham dự Tiền Phong marathon vào các năm tiếp theo. Đồng thời phải trả lại phần thưởng tiền mặt và hiện vật cho ban tổ chức trong thời hạn 5 ngày.

Dùng BIB không chính chủ diễn ra phổ biến

Dùng BIB không chính chủ để chạy bộ là câu chuyện diễn ra thường xuyên trong cộng đồng chạy bộ phong trào Việt Nam thời gian qua ở tất cả các giải đấu, dù điều lệ của các giải không cho phép VĐV được chạy bằng BIB không phải của mình.

Nhiều cuộc tranh luận cũng đã diễn ra sôi nổi trên các diễn đàn chạy bộ về việc có nên hồn nhiên chạy bằng BIB không phải của mình? Bởi ban tổ chức khó có thể có nguồn lực kiểm tra từng VĐV để xác định họ đeo đúng số BIB của mình. Trong khi đó, nhiều VĐV đi mua BIB thì có đủ lý do như: đăng ký muộn nên không mua được BIB từ ban tổ chức giải, muốn đổi cự ly thi đấu… nên đã phải chạy bằng BIB của người khác.

Với người bán BIB thì họ đã bỏ tiền triệu mua BIB nhưng đến sát ngày chạy lại bận đột xuất, chấn thương... nên không thể thi đấu được, vì thế có nhu cầu bán lại BIB cho người khác. Vậy nên thị trường mua bán BIB những năm qua diễn ra sôi động trước mỗi giải chạy lớn trên khắp cả nước.

Sau sự cố gian lận tại giải Tiền Phong marathon 2021, chắc hẳn các VĐV phong trào cũng sẽ phải nghiêm túc thực hiện thi đấu theo đúng điều lệ giải, để là những người chơi thể thao văn minh và đúng luật.

'Cháy' phòng khách sạn, vé máy bay đến Pleiku dự giải chạy

TTO - Gần 3.000 phòng ở 105 khách sạn tại thành phố Pleiku (Gia Lai) đã không còn một chỗ trống trong những ngày này. Nhiều VĐV đã không tìm được khách sạn khi đến Pleiku tham dự Giải Tiền Phong marathon quốc gia 2021.

KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên