30/03/2014 05:29 GMT+7

Vẫn bí lối ra cho du lịch đồng bằng sông Cửu Long

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TT - Rất hiếm khi có một hội thảo tìm giải pháp cho ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại được chính chủ tọa và đại biểu tham dự cho rằng việc này đã bàn quá nhiều và kết quả đến hiện tại chỉ dừng lại ở mức... hội thảo.

Nhiều ý kiến thẳng thắn về vấn đề này đã được nêu ra tại hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” vừa được Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tổ chức tại TP Cần Thơ. Theo ông Hồ Anh Tuấn- thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, mặc dù các địa phương từng tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị tìm nguyên nhân, giải pháp và cả những chương trình ký kết, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở... hội nghị, hội thảo. Ông Tuấn cũng đã phải thốt lên là cảm thấy rất “uất” khi ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng vì sao ngành này vẫn cứ “giẫm chân tại chỗ”. Tại hội thảo, ông Tuấn yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển du lịch phải tìm ra được sản phẩm đặc trưng của vùng này trong vòng ba tháng.

Ông Phạm Thế Triều - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh An Giang - cũng thừa nhận “đã thấy và muốn làm, cũng từng đề ra kế hoạch, ký kết với Hà Nội, mỗi năm họp hai lần bàn nát nước nhưng cuối cùng vẫn loay hoay ở vùng ĐBSCL, chưa có được đầu ra, chưa có cái mà mình mong muốn”. Trong khi đó, đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Vĩnh Long cho rằng việc sản phẩm du lịch ĐBSCL trùng lắp, không có sản phẩm đặc trưng đã nói nhiều ở các hội thảo nhưng “thời gian qua chúng ta chưa bắt tay, còn trên suy nghĩ, chưa bàn tới nơi tới chốn”. Nhiều ý kiến cũng đề nghị phải có “nhạc trưởng” để điều phối hoạt động chung về du lịch mới có khả năng vực dậy ngành này, một ngành vốn là thế mạnh của ĐBSCL.

Thế nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng không thiếu giải pháp để vực dậy ngành du lịch ĐBSCL. Bà Vũ Thị Lan Phương, phó tổng giám đốc Công ty CP du lịch VN - Hà Nội, cho rằng một trong những điểm yếu của du lịch ĐBSCL là sự trùng lặp, đơn điệu trong sản phẩm du lịch và đây là thách thức cho sự năng động, sáng tạo và tinh thần hợp tác, đoàn kết của ngành du lịch ĐBSCL. Theo bà Lan, lâu nay sự liên kết giữa các tỉnh ĐBSCL thật ra chỉ là liên kết trong tổ chức các sự kiện chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch. Vì vậy cần có sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa các tỉnh trong khu vực. Ngoài ra, bà Lan cũng cho rằng những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, nhà cung cấp sản phẩm lưu trú, cung cấp dịch vụ vận chuyển... cần một cơ chế thông thoáng và ưu tiên về thuế, vốn để phát triển dịch vụ của mình.

Tuy nhiên ai sẽ làm, cơ quan nào cầm trịch để những giải pháp trên lý thuyết ấy trở thành thực tiễn? Liệu những giải pháp, những yêu cầu được đưa ra tại hội thảo này cũng sẽ chỉ dừng ở... hội thảo?

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên