28/02/2020 13:30 GMT+7

Ứng xử sao với doanh nghiệp khai vốn ảo?

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI

TTO - Một doanh nghiệp mới thành lập ở Hà Nội công bố số vốn điều lệ lên tới 144.000 tỉ đồng. Khi phóng viên đi xác minh thì một cổ đông cho biết do không phải nộp tiền mà chỉ ký vào văn bản để thành lập công ty nên bà mới góp.

Ứng xử sao với doanh nghiệp khai vốn ảo? - Ảnh 1.

Ngôi nhà số 10 nơi đặt trụ sở doanh nghiệp 144.000 tỉ đồng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội - Ảnh: T.G.

Vậy pháp luật quy định ra sao về vốn điều lệ? Việc công bố số vốn điều lệ thật hay ảo có vi phạm pháp luật hay không? Người dân khi giao dịch với doanh nghiệp khai vốn khủng thì lưu ý gì? Nhà nước có nên cấm?...

Vốn điều lệ doanh nghiệp, thích khai bao nhiêu thì khai

Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC được thành lập có trụ sở tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội (doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỉ đồng). 

Một cổ đông chiếm 30% cổ phần của công ty thừa nhận vì chỉ ký thành lập doanh nghiệp mà không phải đóng tiền gì nên bà cứ ký, chứ nếu phải nộp tiền để thành lập thì bà cũng không có tiền để nộp. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp có thật, nhưng vốn thì có thể là... ảo!

Nói về vấn đề này, luật sư Trần Duy Cảnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết về cơ bản có 2 loại vốn liên quan đến thành lập công ty, đó là vốn điều lệ và vốn pháp định.

Vốn pháp định dành cho những ngành nghề có điều kiện và luật sẽ quy định mức vốn pháp định tối thiểu là bao nhiêu cho từng loại ngành nghề như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... 

Chẳng hạn, ngân hàng phải có vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỉ đồng, bảo hiểm 1.100 tỉ, công ty tài chính 500 tỉ… Những ngành kinh doanh này do pháp luật quy định mức tối thiểu vốn điều lệ phải có nên gọi là vốn pháp định.

Còn theo Luật doanh nghiệp 2014 thì "vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần".

Như vậy, theo ông Cảnh dẫn thì có thể hiểu rằng vốn điều lệ là số vốn góp do các thành viên (công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp danh), cổ đông (công ty cổ phần) góp hoặc cam kết góp và được ghi vào điều lệ công ty. 

Phần vốn góp của từng người được ghi rõ trong điều lệ nhằm xác định phạm vi trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn chỉ chịu giới hạn trên phần vốn mà họ góp. Họ góp bao nhiêu thì trách nhiệm, quyền lợi được khoanh vùng đến đó. 

Tính trách nhiệm hữu hạn nằm ở chỗ đó, nó được pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, động viên họ đưa vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh mà không sợ mất mát toàn bộ tài sản cá nhân họ đang có nếu rủi ro xảy ra.

Pháp luật không quy định mức vốn điều lệ tối thiểu hoặc tối đa là bao nhiêu, nên khi doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường, không thuộc diện kinh doanh có điều kiện vốn pháp định nên doanh nghiệp được tự đưa ra mức vốn điều lệ phù hợp với quy mô thực tế của doanh nghiệp mình. 

Tuy nhiên, cũng không nên đưa ra mức thực tế không có thật vì sẽ tự ràng buộc trách nhiệm về tài sản của mình quá cao. Thứ nữa, nếu góp khống mà bị phát hiện thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.

Còn luật sư Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) chia sẻ thêm: "Vốn điều lệ thể hiện nghĩa vụ tài chính trước cơ quan nhà nước qua việc đóng một số thuế, phí, lệ phí như thuế môn bài... Pháp luật có quy định phân loại đối với vốn điều lệ trên 10 tỉ là mức thuế khác, còn dưới 10 tỉ là mức thuế khác".

Ứng xử sao với doanh nghiệp khai vốn ảo? - Ảnh 2.

Ngôi nhà số 10 nơi đặt trụ sở doanh nghiệp 144.000 tỉ đồng tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội - Ảnh: T.G.

Cấm hay theo dõi xem có bất thường?

Luật doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định thống nhất về thời hạn góp vốn điều lệ đối với cổ đông của công ty cổ phần là 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Thành viên, cổ đông chưa góp hoặc chưa góp đủ phần vốn điều lệ theo cam kết vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn đã cam kết góp đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và trong thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua đối với công ty cổ phần.

Theo đó, luật sư Trần Minh Hải cũng đưa ra lời khuyên rằng: đối với các doanh nghiệp thì cần lưu ý không phải cứ đăng ký vốn điều lệ cao là an toàn. 

Bởi thực tế pháp luật vẫn đòi hỏi nếu đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu thì người thành lập doanh nghiệp phải có trách nhiệm góp đủ từng ấy, nếu không góp đúng thời hạn thì phải thực hiện một loạt nghĩa vụ như giảm vốn, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp đó sau này vướng mắc vào những nghĩa vụ tài chính trước Nhà nước hoặc một tổ chức, cá nhân thì về nguyên tắc cơ quan nhà nước sẽ truy vấn ra việc có góp thật hay không. 

Nếu cổ đông hoặc doanh nhân không góp vốn thật vào thì pháp luật vẫn bắt buộc cá nhân người đó chịu trách nhiệm bằng tài sản dựa trên số mình đã đăng ký nhưng chưa góp.

Ở góc độ người dân, theo thông lệ khi giao dịch người dân nhìn vào tiềm lực tài chính doanh nghiệp thì vốn điều lệ chỉ là một trong số các tiêu chí để đánh giá tiềm lực tài chính doanh nghiệp. 

Giới doanh nhân thường đánh giá không phải bằng vốn điều lệ mà bằng tổng tài sản. Do đó, không thể lấy vốn điều lệ làm tiêu chí duy nhất đánh giá tiềm lực tài chính của doanh nghiệp.

Ở góc độ quản lý nhà nước thì theo luật sư Hải, không nên ngăn cấm mà chỉ nên theo dõi nếu có bất thường. 

"Ví dụ, nếu doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ quá cao thì cơ quan thuế có thể xem xét ở góc độ doanh thu xem có tiềm ẩn rủi ro về thuế hay không. Mỗi cơ quan thuộc lĩnh vực giám sát của mình chỉ cần chú ý hơn mức bình thường thôi, còn thực tế hiện nay đã quản lý rất tốt rồi" - ông Hải nói.

Sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng

Theo nghị định 50/2016/NĐ-CP (khoản 3,5 điều 28) của Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký trong thời hạn 90 ngày và buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ cho đúng với việc góp vốn thực tế.

Theo luật sư Trần Duy Cảnh, trong thực tế có nhiều đơn vị doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ công ty là 1 triệu đồng. Nhưng khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp như vậy thì trách nhiệm cũng thấp tương ứng.

Thế nên trong quá trình giao dịch, làm ăn kinh tế với các đối tác thương mại, ngân hàng... thì họ thường không tin tưởng doanh nghiệp này vì nếu rủi ro xảy ra thì trách nhiệm về tài sản rất thấp nên rất hạn chế giao dịch. Đây cũng là một trở ngại lớn khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp.

Cổ đông lập Cổ đông lập 'siêu doanh nghiệp' 144 ngàn tỉ: 'Ai gọi nước khoáng, tôi ship cho họ'

TTO - Bà Kim Thị P., một trong 3 cổ đông đăng ký góp 144 ngàn tỉ đồng lập Công ty CP tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ, thương mại USC cho biết phải chạy ăn từng bữa và chẳng có đồng nào để góp vốn vào công ty.

HOÀNG ĐIỆP - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên