10/03/2018 10:15 GMT+7

Uber, Grab: Nhiều thứ còn mập mờ

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Từ báo cáo của Cục Thuế TP.HCM với UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của Uber, Grab tại VN cho thấy có rất nhiều vấn đề phải chấn chỉnh theo đúng luật pháp VN.

Uber, Grab: Nhiều thứ còn mập mờ - Ảnh 1.

Khách du lịch đi xe Uber trên đường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Theo báo cáo của Cục Thuế TP, tuy hoạt động tại thị trường VN từ năm 2014 nhưng đến năm 2016, Uber B.V mới đăng ký mã số thuế. 

Đến nay, Uber B.V đã bước qua năm thứ 5 hoạt động tại thị trường VN nhưng chưa đăng ký sử dụng hóa đơn với cơ quan thuế theo quy định. Chứng từ mà khách hàng nhận được sau chuyến đi chỉ là biên nhận xác định số tiền phải thanh toán.

Theo quy định tại nghị định 86 của Chính phủ, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Chỉ DN, hợp tác xã mới được cấp phép, do vậy đề xuất Uber, Grab phải ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các DN, hợp tác xã có đủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng taxi và các đơn vị này có trách nhiệm lập hóa đơn khi hoàn thành việc vận chuyển theo quy định

Cục Thuế TP.HCM

Cấp phép đơn vị này, nơi khác thực hiện

Đáng lưu ý, Cục Thuế TP cho biết theo văn bản 3615 do Bộ GTVT cho thực hiện thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa là Uber VN nhưng trên thực tế thực hiện lại là Uber B.V (Hà Lan). 

Uber VN không cung cấp ứng dụng để kết nối lái xe với hành khách mà chủ yếu làm dịch vụ cho Uber B.V.

Cũng theo Cục Thuế TP, trên thực tế hoạt động kinh doanh của Uber B.V vận tải hành khách chứ không phải là công ty công nghệ chỉ cung cấp dịch vụ cho các đối tác lái xe từ ngoài VN. 

Cụ thể, Uber B.V là đơn vị quyết định và thỏa thuận giá cước với khách hàng thông qua phần mềm ứng dụng. Dù khách hàng thanh toán bằng hình thức cà thẻ hay bằng tiền mặt, Uber B.V cũng là người trực tiếp nhận tiền và xuất phiếu thu cho khách hàng. 

Bên cạnh đó, Uber B.V là đơn vị thuê các tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng và tỉ lệ chia cước phí cũng do Uber B.V ấn định.

Doanh thu nhiều tỉ, nộp thuế bèo bọt

Cục Thuế TP cho biết từ khi bắt đầu hoạt động tại VN năm 2014 đến tháng 6-2017, Uber B.V ủy quyền cho Uber VN kê khai nộp thuế. Tính đến tháng 6-2017, tổng số thuế Uber đã khai nộp là 80,88 tỉ đồng. Dù quyết định truy thu thuế đã được ban hành từ tháng 9-2017 nhưng đến nay Uber B.V mới nộp 13,3 tỉ đồng.

Hàng loạt vướng mắc, khó khăn trong quản lý thuế đối với Uber B.V cũng được Cục Thuế TP nêu ra khi báo cáo UBND TP. Trong đó vướng mắc lớn nhất là hiện Uber B.V là pháp nhân nước ngoài được thành lập theo pháp luật Hà Lan. 

Uber B.V không thành lập pháp nhân tại VN. Tài khoản ngân hàng cũng không mở tại VN mà mở tại nước ngoài. Do đó, cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện các quyết định cưỡng chế khi Uber B.V không thực hiện các quyết định xử lý của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, tổng số thuế Grab khai nộp từ năm 2014-2016 (ba năm) là hơn 41,38 tỉ đồng, chủ yếu là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Về thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), theo Cục Thuế TP, trong ba năm từ 2014-2016, Grab kê khai lỗ hết 938 tỉ đồng. 

Do đó, đến nay DN này chưa nộp thuế thu nhập DN. Qua thanh tra, Cục Thuế TP đã truy thu và phạt với Grab hơn 2,98 tỉ đồng và giảm lỗ hơn 56,5 tỉ đồng. Cục Thuế TP đề xuất Grab phải kê khai, nộp thuế toàn bộ doanh thu trên toàn bộ cước vận chuyển thu được.

Sẽ theo dõi dòng tiền thanh toán cho Uber

Cục Thuế TP kiến nghị UBND TP, Uber B.V hoạt động tại VN thì phải thành lập pháp nhân theo quy định tại Luật DN. Một khi Uber B.V thành lập pháp nhân tại VN thì Uber B.V phải kê khai nộp thuế theo quy định. 

Khi đó doanh thu kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN là toàn bộ doanh thu cước vận chuyển và Uber B.V sẽ là đơn vị lập hóa đơn cho toàn bộ cước phí của khách hàng.

Cục Thuế TP cũng kiến nghị cần có quy định buộc Uber B.V phải mở tài khoản ngân hàng tại VN để đảm bảo sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có cơ quan thuế. 

Cơ quan này cũng đề xuất phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để quản lý và theo dõi lượng tiền thanh toán cho Uber B.V thông qua thẻ tín dụng quốc tế.

Tài xế không phải là nhân viên của Grab, Uber

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-3, đại diện Uber vẫn khẳng định Uber là một công ty công nghệ, không phải là công ty taxi hay vận tải.

Uber không sở hữu xe và tài xế không phải nhân viên của Uber. Uber chỉ sở hữu công nghệ, cung cấp phần mềm kết nối các đơn vị vận tải bao gồm DN vận tải và hợp tác xã vận tải và người dùng có nhu cầu di chuyển.

Tương tự, Grab VN cũng khẳng định là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp ứng dụng kết nối vận tải taxi, xe máy... Grab không sở hữu xe hay bất cứ một tài xế nào.

Hiện nay, các đối tác tài xế chọn sử dụng công cụ kết nối là Grab vì sự tự do và linh hoạt.

C.TRUNG - T.DUNG

Grab, Uber không bảo vệ tài xế

Anh Nguyễn Công Tú - tài xế Grab - cho rằng nếu Bộ GTVT yêu cầu quản lý Grab, Uber như taxi, điều này đồng nghĩa với việc tài xế phải đóng thêm thuế, phí, trong khi đã phải nộp cho Grab nên số tiền dư ra chẳng còn được bao nhiêu so với trước đây.

Do xe Uber và Grab tăng nhanh đã tạo sức ép cạnh tranh giữa các tài xế, nhiều tài xế quá ế khách đã phải bán xe trả nợ.

Còn anh Trần Văn Thảo - một chủ DN đầu tư cho thuê xe chạy Uber và Grab - cho biết đã vay tiền ngân hàng, người quen để mua 4 ôtô cho người khác thuê chạy Uber, Grab.

Mỗi tháng anh phải chi trả gần 80 triệu đồng để trả góp, đồng thời tốn khá nhiều chi phí bảo dưỡng, đăng kiểm... để duy trì cho xe hoạt động. Vì vậy, cần làm rõ để quản lý và không để việc kinh doanh của người dân bị gián đoạn, thậm chí vỡ nợ.

Trong khi đó, một số tài xế Uber cho biết hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước quản lý Uber, Grab như hãng taxi.

Các tài xế này chấp nhận đóng thêm các chi phí quản lý, hoạt động theo các quy định về hoạt động taxi để được hưởng những quyền lợi cơ bản về bảo hiểm, được pháp luật bảo vệ...

Anh Nguyễn Văn Cả - một tài xế Uber - khẳng định tài xế Uber, Grab hiện nay không được hưởng bảo hiểm y tế, không được cơ quan chủ quản nào bảo vệ như các hãng Vinasun, Mai Linh. Hầu hết các rủi ro thiệt hại, lỗ vốn... tài xế đều phải gánh chịu.

T.DUNG

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên