26/09/2013 09:50 GMT+7

Túp lều của cô giáo tương lai

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TT - Khu Miễu Bà ở ấp Giồng Ao, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM có một lối mòn nhỏ đầy cỏ dại ven đường dẫn đến “túp lều” của một gia đình có năm người sinh sống.

FBMWUGp7.jpgPhóng to
Thảo và mẹ trong túp lều của mình - Ảnh: H.Bình

Ở đó một cô bé vừa thi đậu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Cô bé tên Bùi Thị Thảo, học sinh Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ. Chòi đạp với cuộc sống gian khổ, từ năm lớp 8 cô nữ sinh với nụ cười rạng rỡ này đã đi phụ bán tạp hóa ở thị trấn kiếm tiền mua sách vở.

“Giang sơn” của Thảo

Mơ ước giản dị

Ngồi trong túp lều xộc xệch ấy, người đến thăm sẽ bật ra câu hỏi động lực nào khiến một cô bé nhỏ nhắn, ốm yếu như Thảo có đủ sức để từ nhỏ đi cào nghêu phụ mẹ, phụ bán tạp hóa rồi lại tự học để vào trường sư phạm? Thảo chỉ cười. Bạn bảo chọn sư phạm văn phần vì thích, lại không phải đóng học phí. Sau này ra trường đi làm cô giáo, có tiền báo hiếu cha mẹ để cha mẹ không phải khổ nữa.

Có lẽ sẽ không quá lời khi gọi nơi đang sống của gia đình Thảo là “túp lều”. Mái nhà được che đậy bằng lá dừa khô xiêu vẹo, vá víu khắp nơi. Bên trong là nền đất bụi bặm, tối tăm với đủ bao bịch, quần áo nhét khắp bốn bức vách lá dừa... “Thầy cô ở trường vẫn biết gia đình Thảo khó khăn nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế” - cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên dạy văn của Thảo, tâm sự.

Từ tiệm tạp hóa - nơi Thảo đang phụ bán - cô tân sinh viên vội vã chạy về nhà tiếp khách. Cô bé xanh xao, ốm yếu nhưng nụ cười hiền lành vẫn nở trên môi. Mời khách ngồi lên chiếc phản gỗ cũ kỹ, Thảo nói vui đó là “giang sơn” của mình. “Em cứ nằm ra đó mà học - Thảo kể - Mệt thì lùa sách vở lại rồi ngủ”. Cạnh tấm phản là bếp với củi khô, nồi niêu xoong chảo, ống đũa...

Nắng hầm hập hanh qua vách lá dừa khô, mẹ của Thảo, bà Lê Thị Lượm (44 tuổi), đưa đôi tay to bè, gân guốc quệt giọt mồ hôi chảy xuống gương mặt đen sạm, kể: “Trước đây nhà tui thuê ngoài thị trấn. Sau không đủ tiền trả nên dạt về khu miễu này. Cả nhà lượm lá dừa, gỗ về dựng lên che nắng mưa được gần năm năm nay. Cứ mưa to là nước tạt tứ phía, nhà rung rinh như sắp sập”. Bà Lượm trước đi cào nghêu, mỗi ngày được 40.000-50.000 đồng, chật vật lắm mới đủ miếng ăn cho cả nhà. Nhưng giờ công việc của bà cũng không đều như trước.

Hỏi cha làm nghề gì, Thảo bảo: “Ba cũng như mẹ. Ai kêu gì làm đó”. Sau Thảo còn hai đứa em học lớp 8 và lớp 9. Thuộc diện hộ nghèo, chị em Thảo đi học không phải đóng học phí và được thầy cô ở trường hỗ trợ đôi ba suất học bổng.

Quyết học đến cùng

Năm Thảo học lớp 8, bà Lượm dẫn con ra tiệm tạp hóa Hồng Sơn ở thị trấn Cần Thạnh xin phụ bán cho đến nay. Công việc bán thời gian gắn bó với Thảo hơn năm năm này đã tiếp bước bạn đến trường và đỡ đần cha mẹ lo cái ăn cho cả nhà, mua sách vở cho mình, cho em.

“Có lúc tui thử cháu - bà Lượm kể - bảo nhà mình khổ quá, hay con ở nhà đi làm phụ mẹ nhưng cháu không nói gì”. Hỏi Thảo, bạn chỉ bảo: “Đã quyết tâm phải học đến cùng”. Rồi ngày thi đại học cũng đến. Bà Lượm chạy vạy vay mượn khắp nơi được 800.000 đồng đưa con vào thành phố. Hai mẹ con thuê trọ hết 300.000 đồng/ba ngày. “Sợ không đủ tiền, nghe nói có cơm từ thiện, hai mẹ con chờ trước cổng trường tới quá trưa mà không thấy đâu. Cuối cùng phải mua hộp cơm 25.000 đồng để cháu ăn lấy sức mà thi” - bà Lượm nhớ lại. Số tiền vay mượn để đi thi Thảo đã trả hết từ tiền công phụ bán tạp hóa của mình.

Gia đình khó khăn, Thảo chưa một lần đến lớp học thêm. Tất cả những kiến thức bạn có được đều tự học và thầy cô dạy ở trường. Trước ngày thi đại học, Thảo đến nhà cô giáo dạy văn mượn sách về đọc. Kết quả, Thảo đậu ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. “Thảo viết rất khá - cô Yến nhận xét - vừa đi học vừa đi làm nhưng hầu như em chưa nghỉ buổi học nào cả”.

Hôm người bạn thông báo đậu đại học, Thảo và mẹ không ngủ được vì vui mừng và cả lo lắng. Có vẻ như cô học trò đã bắt đầu “người lớn” hơn, tính toán cho tương lai của mình từ bước ngoặt ấy. “Con tính mình phải mua chiếc chiếu, nồi cơm điện nhỏ và cái chén mẹ à” - Thảo bàn với mẹ. Bà Lượm bảo từ từ, chưa có tiền, Thảo tiếp: “Thì mình phải tính dần là vừa chứ mẹ. Mẹ đừng lo, con tính lên đó đi bưng bê kiếm thêm tiền phụ mẹ”.

Hay tin Thảo đậu đại học, một mạnh thường quân hỗ trợ 500.000 đồng. “Tiền đó bữa giờ hổng dám xài - bà Lượm lo lắng - Để mấy bữa nữa đưa cháu đi nhập học có nhiều thứ phải lo”. Và mấy hôm nay, trong căn nhà “ổ chuột” này ngoài nỗi lo miếng ăn hằng ngày còn có cả niềm vui, niềm tự hào, sự lo lắng và tính toán cho một sự việc trọng đại hơn: Thảo vào đại học...

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên