Tương lai du lịch: Đi từ nhà này sang nhà khác

PHAN BẢO 10/12/2021 21:00 GMT+7

TTCT - Trong đại dịch, ranh giới giữa nơi ở - chỗ làm - chốn nghỉ dưỡng ngày càng phai nhạt, thậm chí sự khác biệt giữa ngày trong tuần và cuối tuần cũng biến mất, bởi mọi người vẫn có thể làm mọi việc mà không hề rời khỏi nhà. Tương lai của du lịch có khi chỉ là đổi từ nhà này sang nhà khác.

 
 Ảnh: Bustle

Mọi thứ diễn ra trong nhà

Vào những năm 1800, nhà là nơi chứng kiến mọi hoạt động cuộc sống thường nhật, từ làm việc, ngủ nghỉ, nấu nướng, ăn uống, nuôi dạy con cái cho đến thờ cúng... của người Mỹ. Đối với hầu hết mọi người, họ không phải tốn thời gian di chuyển đến chỗ làm, không có văn phòng hay nhà máy. Nền kinh tế nông nghiệp cũng khiến con người không có nhu cầu đi nghỉ dưỡng.

Mãi cho đến khi thế giới công nghiệp hóa hình thành, nó mới dần vạch ra những ranh giới rõ rệt giữa cuộc sống cá nhân, công việc và giải trí trong 150 năm qua. Mọi thứ trở nên phân tán, chứ không hội tụ ở một nơi như trước. Nhà riêng, cơ quan và khách sạn là ba nơi hoàn toàn khác nhau.

Để rồi giờ đây, sau gần 2 năm sống cùng dịch bệnh, chúng ta lại đang quay trở về quá khứ. Phương thức làm việc tại gia, hay làm việc từ bất kỳ nơi đâu, đã khiến thời gian làm việc và thời gian cá nhân xen lẫn, thậm chí thay đổi quan hệ của mỗi người với ngôi nhà của mình, theo Brian Chesky - giám đốc điều hành nền tảng thuê nơi lưu trú Airbnb.

“Một ngôi nhà từng chỉ là nơi để mọi người ở. Nhưng nếu đó là một nơi để vừa sống, vừa làm việc và cả nghỉ dưỡng thì mọi người có thể làm việc từ nhiều nhà nếu họ muốn. Mối quan hệ của con người với ngôi nhà của chính mình đang thay đổi” - Chesky viết trong một loạt tweet trên Twitter cá nhân vào hôm 9-11.

Theo Chesky, cũng như cách mà công nghệ giúp cho làm việc từ xa trở nên khả thi, Airbnb cho phép mọi người có thể linh hoạt làm việc từ bất kỳ nơi đâu, và điều mới mẻ này “đang mang lại một cuộc cách mạng trong cách chúng ta đi du lịch, bởi vì lần đầu tiên, hàng triệu người hiện có thể đi du lịch mọi lúc, mọi nơi trong mọi khoảng thời gian và thậm chí sống ở bất kỳ đâu trên Airbnb”.

Vị giám đốc điều hành nói rằng vì mọi người không phải hiện diện ở văn phòng theo quy định như trước, họ trở nên linh hoạt hơn về thời điểm đi du lịch. Số liệu của Airbnb cho thấy thứ hai và thứ ba hiện là ngày có số lượng người đi du lịch tăng cao nhất trong tuần. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người xem những ngày cuối tuần bình thường như những kỳ nghỉ dài ngày. Do đó, việc lưu trú dài hạn ngày càng phổ biến đang biến những chuyến du lịch thành một hoạt động sống thường xuyên hơn, chứ không phải đôi ba lần trong năm như trước kia. “Mọi người không chỉ đi du lịch thông qua Airbnb, họ đang sống trên Airbnb” - Chesky viết.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Atlantic, Chesky nói thêm rằng các thói quen mới hình thành nói trên đã hình thành nên xu hướng workcation. Theo đó, thời gian làm việc (work) và nghỉ mát (vacation) của các cá nhân đã xen lẫn vào nhau chứ không còn ranh giới rõ ràng. Lịch sử đã hoàn tất một vòng quay, giờ đây chuyện đi du lịch, cuộc sống và công việc lại đang hòa vào nhau như thời tiền công nghiệp ở Mỹ.

Một người có thể nghỉ ngơi giữa tuần làm việc và cũng có thể làm việc vào cuối tuần. Họ có thể lựa chọn sống và làm việc ở một ngôi nhà trên núi hoặc cạnh bờ biển mà không cần phải xin nghỉ phép. Trong cuộc phỏng vấn với The Atlantic, Chesky cho biết 25% lượng đặt chỗ trên Airbnb hiện kéo dài từ 28 ngày trở lên và 50% là một tuần hoặc lâu hơn. Những con số này tăng rất cao so với trước dịch.

Quan trọng là chỗ ở thế nào

Đại diện Airbnb tin rằng xu hướng workcation này sẽ nhanh chóng tăng tốc theo chiều hướng ngày càng linh hoạt hơn. Chẳng hạn, không những ở lại lâu hơn, những người đi du lịch còn mang theo cả thú cưng. Họ cũng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để vừa du lịch, vừa sinh sống lẫn làm việc trong những không gian lưu trú rộng rãi hơn, với nhiều phòng ngủ và trang thiết bị gia dụng. Với nhu cầu như vậy, người dùng Airbnb ở Mỹ có xu hướng thích một căn nhà lớn ở miền quê hơn là một căn hộ studio ở Manhattan.

Xu hướng linh hoạt này còn thể hiện qua con số 500 triệu lượt khách hàng bấm vào nút cho biết họ đồng ý thay đổi điểm đến tới bất kỳ nơi nào mà Airbnb có nguồn cung ứng phòng. Theo Chesky, không giống như trước đây khi mọi người thường chọn điểm đến trước rồi mới chọn thời gian lưu trú; giờ đây, họ không quan trọng thời gian hay địa điểm, mà chỉ lưu tâm xem phòng ốc ở điểm đến có đủ rộng rãi để ở cùng gia đình và bạn bè hay không.

Khi biên giới và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng đóng cửa phòng dịch, mục tiêu du lịch của người Mỹ cũng thay đổi. Thay vì đi châu Âu, họ muốn khám phá những thị trấn gần kề; họ đi du lịch để ở cạnh người thân và bạn bè, thay vì check-in các địa danh thế giới. Las Vegas và Paris - hai trong số những điểm đến hàng đầu trên Airbnb - từng chiếm 11% số đêm của dịch vụ lưu trú này vào cuối năm 2019, giờ chỉ đóng góp 6% số đêm, khi khách hàng chuyển từ những điểm nóng du lịch hay các thành phố lớn sang những thành phố nhỏ hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn khác với trang The Verge, Chesky tiếp tục lạc quan về tương lai: một khi biên giới giữa các nước được nối lại và phương thức làm việc từ xa linh hoạt như hiện tại vẫn được duy trì, mọi người sẽ không chỉ sống và làm việc trong những căn Airbnb trong nước mà tại bất kỳ nơi nào trên thế giới tuỳ theo ý thích của họ.

“Điều này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về du lịch, có lẽ là thay đổi lớn nhất về du lịch kể từ khi Internet được phát minh, có thể là thay đổi lớn nhất về du lịch kể từ khi máy bay được phát minh. Nó thay đổi hoàn toàn bản sắc của du lịch” - Chesky đúc kết, tái khẳng định niềm tin rằng tương lai của du lịch chính là những ngôi nhà.■

Theo báo cáo của Airbnb, dịch vụ lưu trú này đã ghi nhận doanh thu lên tới 2,2 tỉ USD trong quý 3 năm 2021, mức doanh thu theo quý mạnh nhất của công ty từ trước đến nay. Thu nhập ròng của Airbnb cũng tăng 280% lên 834 triệu USD so với năm ngoái.

“Làm việc từ rất xa”

Xu hướng workation là kết quả của những làn sóng thay đổi thói quen đã âm thầm diễn ra trong năm qua, khi nhiều người không chỉ muốn “làm việc từ xa” mà còn là “làm việc từ rất xa”, cũng như muốn thay chữ nhà trong cụm “làm việc từ nhà” bằng nhiều địa điểm khác chẳng hạn “làm việc từ thiên đường nghỉ dưỡng".

Trong suốt 5 tháng liền, Maya Kachroo-Levine và chồng mỗi ngày làm việc 12 tiếng tại nhà riêng ở Los Angeles. Muốn thay đổi không gian làm việc nhưng vẫn chưa đủ tiền để mua một căn bungalow với hồ bơi ở thành phố nghỉ dưỡng Palm Springs như mong muốn, cặp đôi may mắn có một giải pháp khác: lên Airbnb đặt 3 căn hộ khác nhau ở Palm Springs trong các tháng 8, 9 và 10-2020, để có thể làm việc từ nhà nhưng không phải nhà mình. “Dành 4 ngày mỗi tháng không phải ở nhà mình sẽ có tác động tuyệt vời lên trạng thái tinh thần của bạn” - người phụ nữ 29 tuổi làm nghề viết tự do nói với trang Bustle.

Chuyện đi khắp nơi mà vẫn làm việc thật ra không mới. Đó là lối sống của những người “du mục số” (digital nomad), thường là người trẻ và làm nghề tự do như Kachroo-Levine. Nhưng đại dịch đã sinh ra một kiểu du mục số mới: những người làm công ăn lương toàn thời gian “bỗng dưng” được giải phóng khỏi văn phòng và có thể đi du lịch, làm việc từ xa, thường là cùng với cả gia đình.

Một báo cáo của công ty phần mềm quản lý doanh nghiệp MBO Partners cho thấy số người tự xem mình là “du mục số” trong năm nay đã tăng lên 15,5 triệu, hơn gấp đôi so với năm 2019. “Nhóm tăng mạnh nhất là những nhân viên cổ cồn trắng đang làm việc toàn thời gian” - Miles Everson, giám đốc điều hành MBO Partners, nói với báo Wall Street Journal.

Các điểm đến cũng mau chóng nắm bắt cơ hội. “Nếu bạn đang làm việc từ nhà, sao không thử thay bằng làm việc từ thiên đường?” là lời chào mời của đảo Aruba ở vùng Caribe. Hòn đảo thuộc Hà Lan này mở hẳn website One Happy Workation để “dụ” những người đang mệt mỏi vì làm việc trong cảnh phong tỏa đến với vùng biển xanh cát trắng để “làm việc tại nhà”. Aruba cho biết khoảng 13.700 du khách “workation” đã đến đảo kể từ khi phát động chiến dịch vào tháng 9-2020.

Xu hướng workation cũng giúp các khu nghỉ dưỡng onsen ở Nasushiobara, thành phố nổi tiếng với các suối nước nóng và khung cảnh đẹp, bớt quạnh quẽ vì đại dịch khi ngày càng có nhiều người chọn đến đây để làm việc từ xa. “Tôi chọn nơi này vì nó rất gần, chỉ mất 1 tiếng đi tàu từ Tokyo. Tôi có thể tập trung làm việc trong phòng yên tĩnh. Thật tuyệt khi có thể cảm nhận thiên nhiên trong lúc làm việc” - Rei Oishi, nhân viên thiết kế web, nói với báo Japan Today về “văn phòng” mới của mình.

TỊNH ANH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận