28/06/2022 06:46 GMT+7

Tuổi 25 của Hong Kong

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Tròn tuổi 25 vào ngày 1-7 tới, Đặc khu hành chính Hong Kong đang đứng trước nhiều vấn đề, hai trong số đó là mối quan hệ giữa người dân với chính quyền trung ương và tương lai của "Một quốc gia, hai chế độ".

Tuổi 25 của Hong Kong - Ảnh 1.

Cờ Hong Kong và Trung Quốc phủ kín một tòa nhà chung cư ở Hong Kong trước thềm lễ kỷ niệm 25 năm trao trả về đại lục - Ảnh: REUTERS

Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc đại lục và Vương quốc Anh, chế độ chính trị, xã hội và nhiều thứ khác ở Hong Kong sẽ được giữ nguyên trong ít nhất 50 năm kể từ khi trao trả. Như vậy nếu tính từ năm 1997, Hong Kong đã đi được ít nhất một nửa chặng đường.

Nhiều thăng trầm

Trong 25 năm qua, Hong Kong đã có một loạt sự thay đổi với vài cuộc bể dâu mà chính Thời báo Hoàn Cầu trong một bài viết gần đây gọi đó là "những lỗ hổng" cần tìm cách khắc phục. Thập niên đầu tiên sau khi trở về với "đất mẹ" được đánh dấu bằng việc chính quyền trung ương Bắc Kinh có cách tiếp cận tương đối thận trọng, hầu như ít can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.

Hai trưởng đặc khu đầu tiên là Đổng Kiến Hoa và Tăng Âm Quyền áp dụng đường lối mềm dẻo nhằm hạn chế tạo ra những xáo trộn và căng thẳng nhất trong xã hội với mô hình chính trị mới. Vào năm 2003, khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Hong Kong để phản đối dự luật an ninh quốc gia, phần lớn người dân đều bày tỏ sự thất vọng và đổ lỗi cho chính quyền địa phương thay vì Bắc Kinh. 

Trong cùng năm đó, Trung Quốc đại lục dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại với người dân, cho phép họ tự do đến Hong Kong thay vì phải đi theo từng đoàn như trước. Đó là một trong những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu nỗ lực gắn kết của Bắc Kinh đối với xứ cảng thơm.

Theo báo South China Morning Post, sự tin tưởng và ủng hộ của người dân Hong Kong đối với chính quyền trung ương lên đến đỉnh điểm vào năm 2008, cũng là năm diễn ra Thế vận hội mùa hè 2008 ở Bắc Kinh. Hàng chục ngàn người đã đổ ra đường, vẫy quốc kỳ và mặc áo màu đỏ, cùng hô vang "Trung Quốc tiến lên" khi ngọn đuốc Olympic được rước qua Hong Kong.

Trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên vào tháng 5 cùng năm càng củng cố thêm tình cảm giữa Hong Kong với đại lục. Hơn 13 tỉ đôla Hong Kong cùng nhiều hàng hóa cứu trợ khác đã được quyên góp tại Hong Kong để hướng về đại lục.

Nhưng chỉ 4 năm sau đó, những tình cảm đó đã dần phai nhạt, điều mà cựu chủ tịch Hội đồng lập pháp Hong Kong (LegCo) Tăng Ngọc Thành lý giải là do người dân Hong Kong cảm thấy chán nản và lo lắng trước sự phát triển ngày càng mạnh của đại lục và sự thay đổi của đặc khu. Những cuộc biểu tình làm rung chuyển Hong Kong vào các năm 2014 và 2019 - 2020 càng khiến cảm tình dần biến mất.

Nhiệm vụ khó khăn

Trước khi Hong Kong về với đại lục, Phó thủ tướng Trung Quốc khi đó là Tiền Kỳ Tham thừa nhận rằng việc thành phố này trở về "đất mẹ" là một chuyện có ý nghĩa, song để "trái tim và khối óc của người Hong Kong về với Trung Quốc là một chuyện khác, cần nhiều thời gian hơn nữa".

25 năm trôi qua, nhận định mang tính cảnh báo của ông Tiền Kỳ Tham đã cho thấy đem "trái tim và khối óc" của người Hong Kong về với đại lục là một nhiệm vụ khó khăn.

Bắc Kinh đã thể hiện quyết tâm "thu phục" người dân Hong Kong trong nửa chặng đường 25 năm còn lại. Tuần trước, nhân vật số 2 trong Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của chính quyền trung ương Bắc Kinh, ông Trương Hiểu Minh đã nói về khái niệm "sự trở lại lần hai" của Hong Kong với quyết tâm biến 25 năm tới thành quãng thời gian để thiết lập lại quan hệ Hong Kong - đại lục.

25 năm là một quãng thời gian không ngắn nhưng cũng không đủ dài so với 99 năm người Hong Kong đã sống dưới sự cai trị của Anh. Có những biểu hiện báo hiệu một sự thay đổi lớn đang dần đến. Cảnh sát Hong Kong đã bỏ các động tác điều lệnh, diễu duyệt từ thời Anh và thay bằng những động tác đặc trưng của Trung Quốc đại lục. Khái niệm "thuộc địa" nhiều khả năng sẽ không còn được nhắc đến trong các văn bản chính thức và sách giáo khoa tại Hong Kong mà thay vào đó là "vùng lãnh thổ bị chiếm đóng".

"Tôi vẫn có hy vọng vào tương lai của thành phố. Tôi nói với con trai mình rằng ở đâu cũng có khó khăn của nơi đó và đừng nên lúc nào cũng tìm cách trốn tránh" - ông Tsui, một người sống ở Hong Kong nhưng sinh ra ở đại lục, tâm sự với báo South China Morning Post.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người Hong Kong không muốn ở lại với thành phố. Theo kênh CNBC, khoảng 93.000 dân Hong Kong rời quê hương trong năm 2020. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng sau phong trào biểu tình chống luật dẫn độ, luật an ninh quốc gia diễn ra và kết quả là việc áp dụng luật an ninh quốc gia, cải cách hệ thống bầu cử làm thay đổi một Hong Kong mà với nhiều người Hong Kong trong họ chỉ còn là dĩ vãng.

Chờ đợi liều thuốc hòa giải

Tuần trước, Tân Hoa xã thông báo Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Hong Kong nhân kỷ niệm 25 năm trao trả thành phố và dự lễ nhậm chức của tân Trưởng đặc khu Lý Gia Siêu vào ngày 1-7. Đây là lần thứ hai ông Tập đến thăm Hong Kong, sau lần kỷ niệm 20 năm.

Theo giới quan sát, với việc Hong Kong đang gặp khó khăn về kinh tế và lòng dân vẫn chưa yên sau những biến động gần đây, những cải cách kinh tế của ông Lý Gia Siêu sẽ là liều thuốc hòa giải. Cho đến thời điểm hiện tại, việc có thi hành các cải cách như vậy hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Hong Kong gặp khó khăn, Bắc Kinh phải hỏi ý kiến nước ngoài Hong Kong gặp khó khăn, Bắc Kinh phải hỏi ý kiến nước ngoài

TTO - Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết Trung Quốc đã tham khảo ý kiến từ các phòng thương mại nước ngoài ở Hong Kong để vực dậy trung tâm tài chính này.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên